Đồng bằng Sông Cửu Long: Chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn

PV| 28/05/2022 07:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Khô hạn, mặn xâm nhập cao, nước biển dâng… đã làm khu vực này bị tổn thương nghiêm trọng. Trước thực trạng này, đòi hỏi các ngành chức năng cần có những ứng phó quyết liệt, trong đó, kỹ năng phòng chống xâm ngập mặn và hạn hán của người dân là rất cần thiết.

Thực trạng

Trong khoảng 6 năm trở lại đây, lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long xuất hiện không theo chu kỳ, thậm chí có những năm lượng nước về rất thấp. Thay vào đó là tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, điển hình là mùa khô năm 2016, những huyện nằm cách xa cửa biển của tỉnh Bến Tre đã bị nước mặn xâm nhập gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Sự xuất hiện của hạn - mặn nghiêm trọng, cũng đã gây thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu, khiến cho hàng triệu người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lâm vào cảnh thiếu nước ngọt.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô 2021-2022, với dự báo xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm, vào sâu nội địa do nước thượng nguồn giảm. Trước tình trạng này, các địa phương trong vùng và các ngành chức năng đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó.

Hiện các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đang hạn chế xả nước để tích nước chạy máy phát điện, dẫn đến khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong mùa khô 2021-2022. Ngay từ tháng 2/2022, tại các địa phương vùng giữa (gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mặn với nồng độ 4‰ (không dùng tưới cho cây ăn quả) có thể xâm nhập sâu 50-65km. Vùng ven biển (các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) có thể mặn bất thường; hạn hán thiếu nước ngọt có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để; xâm nhập mặn vào sâu 50-60km.

Thực tế ghi nhận tại nhiều địa phương thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho thấy xâm nhập mặn đã và đang diễn ra. Tại thành phố Cần Thơ, hiện mực nước ngọt trên kênh rạch ở xã Thạnh An đang xuống thấp, nguy cơ xâm nhập mặn rất cao. Để khắc phục, nhiều hộ nông dân trong vùng đang khẩn trương nạo vét kênh mương nội đồng theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng để tranh thủ lấy nước ngọt dự trữ.

Tại tỉnh ven biển Bến Tre, kết quả quan trắc ngày 13/2/2022 của Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho thấy, độ mặn 4‰ trên sông Cửa Đại đã xâm nhập đến xã Giao Hòa, huyện Châu Thành (cách cửa sông từ 41km). Ngày 15/2/2022, mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào các cửa sông Cửa Đại, Cổ Chiên và Hàm Luông ở mức 50km đến gần 60km.

PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra sớm, sâu, nước về ít ngay từ đầu mùa khô 2021-2022. Các địa phương trong vùng cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn mặn.

Đồng bằng Sông Cửu Long: Chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn - Ảnh 1.

Khô hạn, mặn xâm nhập cao, nước biển dâng… đã làm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bị tổn thương nghiêm trọng

Nhiều giải pháp được triện khai

Để chủ động đối phó với tình trạng khô hạn và nhiễm mặn, ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long ngay từ sớm đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô. Theo đó, ngành chức năng thường xuyên quan trắc, thông tin kịp thời đến các địa phương để người dân có kế hoạch bảo vệ. Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những công trình cống không đảm bảo việc ngăn mặn. Cùng với đó, các địa phương cũng theo dõi chặt chẽ việc sản xuất lúa của người dân trong mùa khô hạn và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết nhằm ổn định sản xuất, giúp tăng năng suất, nâng cao sản lượng gieo trồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi phải theo dõi sát diễn biến của nguồn nước, để từ đó vận hành điều tiết phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, bố trí nguồn lực để thực hiện các giải pháp dài hạn để chủ động đối phó với tình trạng này. Ngoài ra, các địa phương trong khu vực đưa ra lịch thời vụ hợp lý, vận hành điều tiết nước hiệu quả, phù hợp, phải hỗ trợ người dân, tuyên truyền nâng cao diện tích gieo sạ những giống chịu được hạn mặn, thời gian sinh trưởng ngắn ngày.

Các địa phương cũng chủ động tuyên truyền cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, theo đó cần thay đổi kịp thời những giống cây trồng vật nuôi mới, không sử dụng nhiều nguồn nước, chịu được khô hạn, mặn mà vẫn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, nhiều tỉnh như Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang… đã đưa vào những mô hình chăn nuôi, trồng trọt thích ứng cao với khô, mặn. Đó là mô hình trồng thanh long, chanh không hạt, dưa lưới ở Long An; mô hình trồng cây xả, mãng cầu ở Tiền Giang; mô hình trồng dứa, mía, dừa… là các cây trồng tiêu biểu cho vùng giáp mặn, vùng phèn mặn. Hay như mô hình nuôi vịt nước mặn, dê, thỏ ở một số địa phương trong khu vực đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiệm vụ trọng tâm trong các năm tiếp theo của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tập trung chỉ đạo và định hướng sản xuất một số sản phẩm chủ lực. Trong đó tập trung tổ chức lại sản xuất của các hộ nông dân theo hướng quy mô lớn (cánh đồng lớn), tập trung và có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp (sản xuất, tiêu thụ) tạo thành các chuỗi ngành hàng. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng có chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện bất thuận của môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường.

Tại tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh cùng đơn vị thi công đã triển khai xây dựng đập thép tạm, ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành) với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Công trình hoàn thành góp phần bảo vệ nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương cũng đang triển khai nạo vét 26 tuyến kênh bị bồi lắng thuộc huyện Gò Công Đông, với mục tiêu bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho 11.650ha cây trồng trên địa bàn.

Còn tại tỉnh Bến Tre, tính đến đầu tháng 2/2022, tỉnh đã hoàn thành duy tu, sửa chữa 34/59 công trình, gia cố các vị trí sạt lở, bảo đảm ngăn triều cường và ngăn mặn; các công trình còn lại đang trong giai đoạn thực hiện. Những công trình này được đưa vào sử dụng giúp người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh tranh thủ trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa.

Ở thành phố Cần Thơ, Ban Quản lý Dự án ODA thành phố đã tập trung thực hiện các hạng mục ưu tiên của Dự án 3 có tổng mức đầu tư lên đến hơn 7.343 tỷ đồng, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp…

Đáng mừng là năm nay, hàng chục nghìn hộ nông dân ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng đã chủ động được nguồn nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt, do cống Cái Lớn, Cái Bé đã đi vào vận hành giai đoạn 1, ngăn mặn từ biển Tây để trữ ngọt cho một vùng rộng 384.120ha, trong đó có 346.241ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đơn cử, tại Cà Mau, 120.000ha đất được cung cấp nước ngọt nhiều hơn, kéo dài thời gian canh tác. Còn tại Kiên Giang, tỉnh không phải đắp các đập tạm ngăn mặn trữ ngọt ven sông Cái Bé, tiết kiệm hàng tỷ đồng...

Chủ động cơ cấu mùa vụ

Cùng với các công trình, dự án ngăn mặn, trữ ngọt đang phát huy hiệu quả thời gian qua, để hạn chế những tác động của hạn, mặn đến đời sống sản xuất của người dân ngay từ mùa khô năm 2022, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp ứng phó, chủ động trong việc tích ngọt, ngăn mặn cũng như cơ cấu vụ mùa thích hợp.

Đơn cử tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề của tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập trong những năm qua như Long Phú, Trần Đề, Kế Sách (Sóc Trăng), việc ngăn mặn, trữ ngọt đã được thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả.

Ngành chức năng đã chủ động tranh thủ tích ngọt để có nguồn nước bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho người dân trong những tháng mùa khô. Còn người dân cũng tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, tích cực ứng dụng và thực hiện các mô hình sản xuất tiết kiệm nước, trữ nước trong các ao bạt để đủ nguồn nước tưới...

Đáng chú ý là việc xuống giống vụ đông xuân muộn (hay còn gọi là lúa vụ 3) được người dân hạn chế đến mức thấp nhất. Nhiều cánh đồng trước đây vốn được người dân "xé rào" xuống giống vụ 3 thì trong mùa khô năm nay đã phủ màu xanh của cây màu xuống chân ruộng hoặc phơi đất. Điều này vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa phòng tránh được hạn hán và mặn xâm nhập.

Tương tự, thay vì xuống giống vụ lúa như truyền thống thì năm nay, gia đình ông Lê Tăng ở xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp lại chuyển qua trồng lạc. Ông Tăng cho biết, trước tình hình thời tiết ngày càng khô hạn, việc chuyển đổi cây trồng để ít dùng nguồn nước ngọt là giải pháp phù hợp trong tình hình hiện nay.

Lạc trồng dễ và chăm sóc đơn giản hơn, chỉ cần chú ý giai đoạn bỏ hạt đến giai đoạn nảy mầm là cây lạc phát triển tốt: "Mấy tháng sau Tết thì không đủ lượng nước tưới. Người dân chúng tôi chuyển từ trồng lúa sang cây màu ngay. Hiện giờ trồng lạc giảm chi phí hơn, lượng nước cũng tiết kiệm hơn so với trồng lúa".

Trước thực trạng hạn hán và mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên, khốc liệt hơn, những năm gần đây, các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: Nghiên cứu đề xuất quy hoạch hệ thống thủy lợi, trạm bơm, cống, nạo vét kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; hướng dẫn hộ dân vùng khó khăn về nước sạch đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa... tích trữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô...Riêng với người dân cũng ngày càng linh động, phản ứng nhanh với thông tin, dự báo hạn hán, mặn xâm nhập.

Ông Võ Văn Sang ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, tôi trồng được hai công chanh không hạt, còn lại là khóm. Trong hai năm nay, được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư các cống, trạm bơm điện cho địa bàn xã Hỏa Tiến một cách bài bản đã giúp nông dân yên tâm canh tác. Tôi thường xuyên bám sát khuyến cáo về kỹ thuật, thông báo về độ mặn của ngành nông nghiệp để có giải pháp trồng, trữ nước ngọt, giải pháp phun tưới cho cây trồng đúng lúc, đúng cách. Từ đó giúp công việc canh tác của gia đình chủ động và hiệu quả hơn trước rất nhiều".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng Sông Cửu Long: Chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO