Đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt

PV| 30/09/2022 07:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước thực trạng suy giảm đáng báo động về ngồn lợi biển Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh chính sách giảm khai thác, tăng nuôi biển, đa dạng hệ sinh thái đại dương. Bước vào giai đoạn mới, phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm cũng là xu hướng tất yếu.

Nguồn lợi biển suy giảm nghiêm trọng

Số liệu từ Viện Nghiên cứu hải sản, Tổng cục Thủy sản, trong giai đoạn 2011 - 2015, trữ lượng trung bình các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu ở biển Việt Nam ước tính trung bình khoảng 4,36 triệu tấn, dao động trong khoảng 4,1 - 4,6 triệu tấn. Ở giai đoạn 2016 - 2019, trữ lượng nguồn lợi tức thời ước tính khoảng 3,95 triệu tấn. Như vậy, so với giai đoạn 2011-2015 thì trữ lượng trong giai đoạn 2016-2019 thấp hơn 9,4%, tương đương 410 ngàn tấn. Nhóm nguồn lợi hải sản tầng đáy giảm 18,4%; nhóm cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi lớn giảm 8,8%. Ở vùng biển khơi, kết quả điều tra trong giai đoạn 2016-2019 cho thấy, trữ lượng nguồn lợi giảm 8,76% so với kết quả điều tra, đánh giá ở giai đoạn 2011-2015.

Theo Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng, vùng biển Việt Nam có khoảng 20 hệ sinh thái điển hình, phân bố trên 1.000.000 km2 diện tích ở biển Đông. Hệ sinh thái biển với chừng 11.000 loài sinh vật cư trú; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển..., ước tính, mỗi năm, khoản lợi nhuận thu được từ các hệ sinh thái biển và ven biển của Việt Nam lên tới khoảng 60-80 triệu USD...

Đồng bộ thực hiện các giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt - Ảnh 1.

So với giai đoạn 2011-2015 thì trữ lượng hải sản trong giai đoạn 2016-2019 thấp hơn 9,4%, tương đương 410 ngàn tấn.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều rạn san hô đã không được bảo vệ, đặc biệt là san hô ở khu vực đảo Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) bị chết hàng loạt, mức độ suy thoái lên tới 60-90% gây tổn thất lớn, lâu dài về kinh tế và rất khó hồi phục.

Tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, tình trạng đánh bắt các loài sinh vật biển kiểu "hủy diệt" vẫn đang tồn tại, nếu không kịp thời ngăn chặn phối hợp với nuôi thả, nguồn lợi biển trong tương lai sẽ cạn kiệt, "chẳng còn cá tôm để đánh bắt" như nhận xét của PGS.TS Chu Hồi - chuyên gia hàng đầu về tài nguyên, môi trường biển Việt Nam.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi hải sản suy giảm nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, do nhu cầu hải sản cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa ngày càng cao dẫn đến áp lực khai thác tăng cao (bao gồm cả số lượng tàu thuyền, công suất máy, năng lực khai thác, máy móc thiết bị). Thứ hai là vấn đề ngư cụ khai thác có mức độ tận diệt, xâm hại nguồn lợi cao như lưới kéo đáy, lờ bát quái, điện. Thứ ba là tình trạng khai thác vào khu vực bãi đẻ, bãi ương, vào mùa sinh sản. Thêm nữa, các hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn suy giảm độ phủ và diện tích so với trước đây. Bên cạnh đó còn là vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Mặc dù nghề khai thác hải sản rất vất vả nhưng đối với hàng triệu người dân ven biển, hải sản mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho gia đình họ. Tổng sản lượng khai thác hải sản trong những năm gần đây khoảng 3,3 - 3,5 triệu tấn, trong đó, một phần không lớn có thể xuất khẩu đã mang lại giá trị hàng tỷ USD. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu từ hải sản khoảng 3 tỷ USD, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế cả nước. Dù cho nguồn lợi hải sản là nguồn lợi tái tạo, có khả năng phục hồi tương đối nhanh đối với vùng biển nhiệt đới như chúng ta nhưng nếu quá cạn kiệt sẽ không có cơ hội để phục hồi nữa.

Kỳ vọng từ chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam giai đoạn mới

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTG được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội mới cho ngành thủy sản phát triển bền vững. Định hướng chủ đạo là tăng sản lượng nuôi trồng nhiều hơn, giảm sản lượng khai thác nhằm đảm bảo khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, nhất là chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao đời sống.

Để thực hiện được những kỳ vọng phát triển trong tương lai, ngành thủy sản cũng cần quan tâm đến chính sách chuyển đổi nghề cá khai thác gần bờ của ngư dân sang phát triển nuôi biển, qua đó vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tự nhiên, vừa phát triển nghề theo hướng bền vững. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng lên, đạt mức 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản giảm còn 2,8 triệu tấn.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định 10 dự án tổng thể ưu tiên đầu tư, dự kiến tổng nhu cầu vốn cho quy hoạch dự kiến là 15.000 tỷ đồng (phân bổ theo 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030). Trong đó, ngân sách Trung ương 11.225 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Các dự án đều hướng tới mục tiêu phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; mở rộng hệ thống các khu bảo tồn biển; phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển bị suy thoái; nghiên cứu xác định đường di cư của một số loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; xây dựng dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác thủy sản phục vụ thương mại và xuất khẩu…

Chính sách tài chính và tín dụng sẽ ưu tiên thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; giảm cường lực khai thác để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang các ngành nghề khác; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản. Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi thuế, phí đối với các hoạt động trong các lĩnh vực của ngành.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nỗ lực thực hiện triệt để cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng EU, vì sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến thủy sản. Bằng việc tháo gỡ thành công thẻ vàng EC, thủy sản Việt Nam sẽ có thể củng cố và nâng tầm thương hiệu, uy tín hơn nữa trên trường quốc tế, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm nhẹ thủ tục.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngăn chặn sự suy giảm, từ đó bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản thì cần kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước. Đặc biệt, là các vướng mắc, bất cập trong thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản của các lực lượng trên đường thủy nội địa, trên biển; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Để đảm bảo sinh kế cho người dân, cần gắn liền với chuyển đổi nghề với việc tạo thêm các sinh kế bền vững, hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản. Cùng với đó, thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; lấy cộng đồng ngư dân làm lực lượng nòng cốt trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO