Dữ liệu số giúp doanh nghiệp đi nhanh hơn đối thủ cạnh tranh
Theo các chuyên gia, trong một bể dữ liệu lớn, người biết khai thác là người có cơ hội phát triển và đi nhanh hơn đối thủ. Điều này phụ thuộc tư duy quản trị và tầm nhìn lãnh đạo quyết định đến việc sử dụng dữ liệu.
"Data driven" là yếu tố bắt buộc phải có của một nhà lãnh đạo tương lai
Chia sẻ tại sự kiện webinar với chủ đề “Doanh nghiệp Data – Driven: Từ báo cáo Excel đến Chiến lược dữ liệu” do Base.vn tổ chức mới đây, ông Lê Thiết Bảo - Giám đốc tăng trưởng của TARA đã chia sẻ câu chuyện của một công ty trước khi chuyển đổi số (CĐS), đó là việc tin nhắn, email công việc thường xuyên bị trôi vì quá nhiều, một tờ trình phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới được phê duyệt, nhân viên mới thì “bơi” trong rất nhiều quy trình, quy định của công ty, số liệu thì phải chờ lấy từ tệp (file) Excel…
Vì vậy, việc CĐS là quá trình từ một doanh nghiệp (DN) "tập làm văn" sang DN "tập làm toán". Từ đó, đem lại những lợi ích rõ ràng cho DN bao gồm: Làm việc và tương tác mọi lúc mọi nơi; Ra quyết định kinh doanh dựa trên việc phân tích khoa học các con số, hạn chế cảm tính; Giảm sự sai sót do con người gây ra, dễ truy xuất tài liệu khi lưu trữ trên đám mây; Giảm sự phụ thuộc vào cá nhân trong vận hành DN; Tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, kết nối nhanh tài nguyên với tiếp thị số (digital marketing); Đo đếm được năng suất, từ đó tối ưu chi phí vận hành; Tăng trải nghiệm và độ hài lòng khách hàng.
Dù vậy, ông Bảo cho rằng, việc CĐS của các DN cũng đứng trước vô vàn thách thức với rất nhiều câu hỏi như chiến lược số hóa có giúp tăng trưởng hay không, sử dụng giải pháp gì, đầu tư bao nhiêu, vượt qua rào cản con người như thế nào..
“Không có con đường nào chắc chắn sẽ thành công nhưng con đường không đi theo thời đại thì chắc chắn sẽ thất bại”, ông Bảo nói.
Còn theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường FPT, trước đây, khi làm marketing, mọi người thường cho rằng, người dùng sản phẩm có sự khác biệt nên phải có phân khúc khách hàng cụ thể. Nhưng dữ liệu thực tế đã chứng minh rằng, không có nhiều khác biệt về chân dung khách hàng các nhóm đối thủ.
Do đó, một nhà lãnh đạo tương lai bắt buộc phải có kinh nghiệm, trực giác và data driven (dùng dữ liệu để ra quyết định). Bởi vì, dữ liệu sẽ là thứ giúp DN có thể đi nhanh hơn đối thủ cạnh tranh.
Với việc lấy khách hàng là trung tâm, các tổ chức sẽ cần nhiều dữ liệu hơn để thấu hiểu thay vì những thông tin về tên tuổi, quê quán… "Công nghệ có thể làm được điều này nhưng quan trọng nhất là chúng ta cần lựa chọn đúng giải pháp, phần mềm từ các nhà cung cấp”, ông Tiến cho biết thêm.
Cần sử dụng công nghệ để tạo ra dữ liệu làm hài lòng khách hàng
Từ đó, Phó Chủ tịch Hội đồng trường FPT đã chia sẻ việc thiết kế hệ thống mô hình 4 tầng dữ liệu tiêu chuẩn là để đáp ứng mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm (customer centric). Nếu "data driven" không phục vụ mục đích vì khách hàng thì điều này là vô nghĩa. Cũng nhờ "data driven" mà mọi người không nhất thiết có kinh nghiệm, trải nghiệm mới có được tri thức, kiến thức.
“Chúng ta cần sử dụng công nghệ để làm khách hàng hài lòng, đơn giản khách hàng là người mang lại doanh thu”, ông Tiến nói.
Ngoài ra, trong một bể dữ liệu lớn, người biết khai thác sẽ là người có cơ hội phát triển vì: Không chắc dữ liệu lớn ( ig data) đã lợi hại bằng dữ liệu nhỏ (small data); Dùng dữ liệu (data) như một kênh tham khảo ra quyết định; Dữ liệu không chỉ giúp nhà lãnh đạo có quyết định trong hoạt động kinh doanh mà còn trong hoạt động quản trị và vận hành tổ chức.
“Điều quan trọng là tư duy quản trị và tầm nhìn lãnh đạo quyết định đến việc sử dụng data”, ông Tiến kết luận.
Cũng theo ông Bảo, các giai đoạn CĐS của DN bao gồm, đầu tiên là giai đoạn số hóa số hóa (digitization), đưa hết các giấy tờ, quy trình lên các nền tảng số. Tiếp theo là khai thác cơ hội số (digitalisation), tận dụng công nghệ để tối ưu, giảm thiểu quy trình và nhất là tạo ra được dữ liệu, phục vụ cho các hoạt động vận hành khác. Các tầng còn lại liên quan đến quy trình, con người và văn hóa trong CĐS, nhưng hiện nay phần lớn DN mới đến giai đoạn 2.
Chiến lược dữ liệu nên là một chiến lược thông suốt trong tất cả các phòng, ban để tạo ra giá trị, để có thể: Tập hợp dữ liệu bằng công nghệ thay vì thủ công; Sử dụng công nghệ để trình bày báo cáo, biểu đồ hóa các chỉ số; Các dữ liệu cần phải biết kể chuyện để hướng đến hành động thay vì những dữ liệu nhân khẩu học.
Đồng thời, việc triển khai cũng cần đảm bảo, thống nhất các nguyên tắc: Khuyến khích làm việc cùng nhau và phá bỏ các “lô cốt” hay “hộp đen” trong công việc; Khuyến khích nhân viên sử dụng dữ liệu để chứng minh cho các giả thuyết của mình, tránh nói ước lệ như “khá nhiều”, “khá tốt” mà thay bằng “nhiều bao nhiêu”, “bao nhiêu % là tốt”’; Loại bỏ các hệ thống không kết nối được với nhau; CĐS không phải chỉ là việc của nhân sự cấp cao mà nó cần sự tham gia của mọi cấp bậc nhân viên; Hãy tìm kiếm những đối tác công nghệ chuyên và có kinh nghiệm triển khai DN nhỏ và vừa; Tập trung vào các giải pháp giải quyết “các vấn đề quan trọng và có ích”, đừng CĐS vì thấy ai cũng làm; Công nghệ hay ho nhưng không đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Cuối cùng, để tránh tình trạng DN CĐS theo kiểu “vướng đâu sửa đó”, không có tổng thể, theo ông Bảo, các đơn vị cần có người phụ trách riêng, xây dựng một lộ trình và chiến lược từ 2-3 năm, bằng cách dùng công nghệ giải những bài toán quan trọng nhất trước. Tiếp theo sẽ là chuyển đổi từng phần, tận dụng những kinh nghiệm từ lần trước để học hỏi và tối ưu./.