Diễn đàn

Nhìn lại Năm Dữ liệu số quốc gia 2023: Người dân được hưởng thành quả từ chuyển đổi số

VTV Digital 08/02/2024 23:10

Năm 2023 được đánh giá là đã thành công xây dựng nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan Nhà nước, tiến tới tạo nền móng phát triển cho 3 trụ cột.

Năm 2023 được xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia. Với 126 nhiệm vụ kế hoạch đặt ra, Việt Nam đã hoàn thành 102 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 81%. Chỉ trong một năm, hàng trăm triệu dữ liệu công dân, doanh nghiệp được bổ sung, 80 hệ thống thông tin Bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông.

Kết quả chuyển đổi số năm 2023

Thước đo thành quả chuyển đổi số chính là hạnh phúc của người dân. Vì ở bất cứ đâu, biên giới, hải đảo hay vùng sâu vùng xa, người dân đều có quyền và cơ hội được thụ hưởng thành quả từ quá trình chuyển đổi số mang lại. Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 được đánh giá là đã thành công xây dựng nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan Nhà nước, tiến tới tạo nền móng phát triển cho cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong đó, dữ liệu quốc gia chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng kết nối chia sẻ. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 100% cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử… Ứng dụng VNEID đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, hơn 10 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; gần 10 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế.

thu-tuong.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những cố gắng và kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế lớn cần khắc phục như việc hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách còn chậm, nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa, chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao, nhân lực số vừa thừa lại vừa thiếu...

Người dân được hưởng lợi từ chia sẻ dữ liệu liên ngành

Trong công cuộc chuyển đổi số năm 2023, trong số các chỉ tiêu quan trọng về dữ liệu số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, thành tựu nổi bật cho thấy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đã mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên thông dữ liệu liên ngành. Đây là điều mà trước đây vốn còn gặp khó trong triển khai.

Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Hà Nam là nơi tất cả các dữ liệu về mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh đều được kết nối về đây. Chỉ cần theo dõi trên màn hình là có thể nắm được tất cả thông tin về các lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường, khoáng sản, giải quyết thủ tục hành chính… Tất cả đều hiển thị dữ liệu theo thời gian thực và chi tiết đến mức có thể biết ở bệnh viện tỉnh hôm nay có bao nhiêu người nhập viện hay một trường tiểu học hôm nay có bao nhiêu học sinh đi học.

ha-nam.png
Người dân đến làm việc tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Nam (Ảnh: hanam.gov.vn)

Là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện việc thí điểm liên thông dữ liệu vào cuối năm 2022, đến nay, Hà Nam là một trong số ít các địa phương thực hiện chuyển đổi số một cách triệt để, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chị Lã Thị Huyền - Trưởng phòng Bưu chính viễn thông - CNTT, Sở Thông tin truyền thông tỉnh Hà Nam - cho biết: "Người dân được cấp chữ ký số miễn phí. Đặc biệt, tại Hà Nam, khi người dân giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến thì được giảm phí, lệ phí. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 87%, tăng 21% so với năm 2022, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân rất nhiều".

Không chỉ có 53 dịch vụ công thiết yếu được thực hiện trực tuyến, nhiều ứng dụng của Đề án 06 cũng được triển khai có hiệu quả trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Khi phát hiện ra đối tượng trộm cắp, ông Lập đã truy cập vào ứng dụng VNEID để tố giác tội phạm cho lực lượng công an xã.

"Trước đây chưa có ứng dụng này thì phải đi hỏi số điện thoại của công an xã mới báo thông tin được, có khi hỏi xong đối tượng đã chạy mất rồi" - ông Trần Văn Lập tại xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân, Hà Nam chia sẻ.

Ngay khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, lực lượng công an xã lập tức có mặt tại hiện trường, bắt giữ đối tượng trộm cắp. Từng có 2 tiền án, lại nghiện ma túy, vừa ra tù, đối tượng đã tìm cách bắt chó của người dân dân để bán lấy tiền tiêu xài. Nhờ có ứng dụng tố giác tội phạm, những vụ việc nhỏ lẻ như thế này đã được phát hiện và xử lý nhanh chóng.

Tất cả mọi người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đều có thể dễ dàng tố giác các hành vi phạm tội ở địa phương một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, từ tháng 11/2022 đến nay, công an tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận, giải quyết hơn 200 tin nhắn tố giác tội phạm qua ứng dụng VNEID.

Thượng tá Trương Thị Diềm - Phó trưởng Công an huyện Lý Nhân, Hà Nam - cho biết: "Mô hình này mang lại hiệu quả rất thiết thực cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, giúp người dân tiết kiệm thời gian, không phải đến cơ quan công an trình báo, tính bảo mật rất cao, đối với lực lượng công an tiếp nhận tin báo được nhanh chóng kịp thời".

Sau 2 năm triển khai Đề án 06, Hà Nam là tỉnh xếp thứ nhất cả nước về hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện và là đơn vị có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ 14 tuổi trở lên cao nhất toàn quốc. Địa phương này cũng cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; tích hợp hơn 70% dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia; giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn đạt 99,7%. Theo thống kê, năm 2023, với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Hà Nam đã tiết kiệm được gần 50 tỷ đồng.

Hiệu quả sau khi "khai tử" sổ hộ khẩu giấy

Một trong những giấy tờ quan trọng nhất và không thể thiếu với mỗi hộ gia đình trước đây là cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy. Mỗi khi đi làm bất cứ thủ tục hành chính nào, liên quan đến đất đai, hôn nhân, gia đình, khai báo tạm trú… đều cần đến cuốn sổ này. Nhưng kể từ ngày 1/1/2023 cũng là thời điểm chính thức đánh dấu triển khai loại bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính. Đây được coi là một bước ngoặt lớn trong chuyển đổi số mà nhiều người dân mong chờ.

so-ho-khau.png
Sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy chính thức bị bãi bỏ từ ngày 1/1/2023 (Ảnh: Dân trí)

Đến nay, một năm đã trôi qua, người dân và cán bộ làm các thủ tục hành chính đã thực sự cảm nhận được hiệu quả sau khi quy định này chính thức có hiệu lực.

Đại úy Nguyễn Hải Hòa - Trưởng Công an xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân,Hà Nam - cho biết: "Thực hiện Đề án 06, qua việc bỏ sổ hộ khẩu, cấp định danh điện tử đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong xã, nhân dân giảm được thời gian đi lại, thông tin chính xác kịp thời".

Nhiều người dân cho biết, chỉ cần khoảng 5 - 10 phút đã có thể đăng ký xong tạm trú.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an - cho rằng: "Trước đây chúng ta thực hiện thủ công nên mỗi người dân có một sổ hộ khẩu thủ công. Nhưng ngày nay, khi đã có dữ liệu dân cư với 17 trường thông tin thì đó là quyển sổ hộ khẩu điện tử quốc gia".

Hiệu quả từ mô hình tổ công nghệ số cộng đồng

Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số. Với mong muốn và mục tiêu đó, bắt đầu từ cuối năm 2022, các địa phương đã thành lập mô hình tổ công nghệ số cộng đồng, nhằm huy động sức mạnh toàn dân.

Như tại xã Chiêu Vũ, ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, một xã có 100% người Tày với 6 thôn, đã thành lập 6 tổ công nghệ cộng đồng. Thành phần gồm các cán bộ của xã và cán bộ của thôn, là những người có am hiểu về công nghệ thông tin. Đội ngũ này được tỉnh, huyện tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số.

Công việc của các thành viên trong tổ là đi tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thao tác trên các ứng dụng. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đang duy trì gần 1.700 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 7.000 thành viên tham gia. Trên cả nước, con số này là hơn 80.000 tổ và 400.000 thành viên, hình thành cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền giúp phổ biến chuyển đổi số len lỏi được đến tận mọi thông xóm, xã phường.

Người dân miền núi chuyển đổi số để phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản

Nếu như ở khu vực thành thị có nhiều thuận lợi về điều kiện, cơ sở hạ tầng thì công tác chuyển đổi số ở khu vực miền núi, vùng cao gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của địa phương, chuyển đổi số khu vực miền núi, với đồng bào dân tộc thiểu số đã có những kết quả tích cực.

Ở nơi địa đầu Tổ quốc, ông Gai là người đầu tiên tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang làm du lịch. Và ông cũng là người đầu tiên kéo Internet về thôn để phục vụ việc làm du lịch.

Thay vì ngồi đợi và mong có khách đến như trước đây, giờ việc làm du lịch của ông Gai chủ động hơn nhiều. Hàng ngày, ông kiểm tra các thông tin đặt phòng trên mạng, chụp ảnh gửi cho khách và kết nối online để chốt đặt phòng.

"Thật sự chuyển đổi số giúp bà con được hưởng nhiều. Về thông tin, khách người ta biết ở đây rất là nhiều, mà khách lên đây rất đông. Rõ ràng thì chuyển đổi số khiến khách biết nhiều, khách biết nhiều hơn thì bà con có thu nhập nhiều hơn" - ông Sình Dỉ Gai chia sẻ.

Với việc Internet được phủ rộng, công cụ số được phổ cập, ngày càng có nhiều người như ông Gai chủ động được việc quảng bá du lịch địa phương cũng như quản lý hoạt động kinh doanh tốt hơn. Du khách nhờ thế mà cũng biết và chọn đến Việt Nam nhiều hơn.

Tại một khách sạn, mọi thông tin dữ liệu về khách hàng đến nay đã được lưu trữ, phân luồng. Hiệu quả kinh doanh nhờ thế tăng hơn 30%, số lượt khách biết thông tin và chọn đặt phòng cũng tăng đáng kể.

Không chỉ thuận lợi cho việc làm du lịch, tại địa bàn miền núi tỉnh Lạng Sơn, công cuộc chuyển đổi số đã thực sự mang đến những đột phá trong việc tiêu thụ nông sản của bà con nơi đây.

Không phải mang các loại nông sản ra chợ để bán như trước, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại được kết nối mạng Inetenet cùng bộ dụng cụ phục vụ livestream, họ có thể bán cho bất kỳ khách hàng nào ở bất kỳ đâu qua những phiên livestream. Chỉ sau một thời gian ngắn duy trì hoạt động, trang Facebook bán hàng đã thu hút gần 120.000 lượt người theo dõi. Hàng loạt những sản phẩm truyền thống như măng ớt, khâu nhục, miến dong, bún ngô… đã dần có được chỗ đứng trên chợ mạng.

Bằng công nghệ số và dịch vụ chuyển hàng nhanh, các loại nông sản từ địa phương có thể được chuyển đến mọi miền Tổ quốc, điều mà lâu nay họ chưa từng nghĩ tới. Tuy nhiên, không phải ai cũng bán hàng thành công trên chợ mạng, nơi mà bà con vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.

Anh Dương Viết Thành ở xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Đối với người nông dân, kiến thức về mạng xã hội, công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, chưa được tập huấn đào tạo bài bản từ đầu đến cuối".

Chị Vy Thị Lụa - Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy, tỉnh Lạng Sơn - cho rằng: "Họ quay theo cảm hứng. Chưa biết cách quay, lấy góc quay, sử dụng ánh sáng, chỉnh màu độ nét, độ trong. Những vi phạm trên nền tảng số người dân cũng chưa nắm bắt được nên hiệu quả cũng chưa cao".

Theo vtv.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Dữ liệu số và phát triển trí tuệ nhân tạo
    Dữ liệu là khởi nguồn của tất cả mọi chiến lược chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, thiết lập xã hội số. Dữ liệu cũng chính là “hồn cốt” của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại Năm Dữ liệu số quốc gia 2023: Người dân được hưởng thành quả từ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO