Dữ liệu số y tế là "hạt nhân", "nòng cốt" để chuyển đổi số y tế

Trọng Thành| 30/12/2020 15:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội nghị Chuyển đổi số Y tế quốc gia năm 2020 là dịp để các chuyên gia trao đổi, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả Chương trình chuyển đổi số (CĐS) y tế.

Tại phiên chuyên đề 3 với chủ đề "Chuyển đổi số trong quản trị Y tế" của Hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết khi đóng góp, trình bày các bài tham luận về nội dung này.

Cần thí điểm mô hình sandbox về khai thác giá trị dữ liệu số

Với tham luận "Phát triển hệ sinh thái y tế số dựa trên cơ sở khai thác giá trị dữ liệu số", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, hiện nay nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam ngày một tăng cao, do đó CĐS y tế là một xu thế, nhiệm vụ được ưu tiên và phải tích cực làm thường xuyên.

"Để thực hiện tốt được nhiệm vụ này, ngành y tế cần phải xây dựng được nguồn dữ liệu số y tế - đây là "hạt nhân", "nòng cốt" trong CĐS y tế", ông Đồng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đồng, muốn xây dựng, tăng hiệu quả sử dụng nguồn dữ liệu y tế, y tế cần tập trung nguồn lực để khai thác tốt, triệt để các nguồn dữ liệu từ: thống kê hành chính, y tế dự phòng, phòng khám, bệnh viện. Đồng thời, cần sự hỗ trợ của các đơn vị cung cấp các giải pháp phần mềm, các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông minh.

Dữ liệu số y tế là

Ông Đồng cho rằng Nhà nước cần sớm xây dựng, ban hành cụ thể về Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân

Bên cạnh đó, Viện trưởng Đồng cũng chỉ ra các lợi ích khi tận dụng, khai thác nguồn dữ liệu y tế số mang lại như: Giúp giảm sai sót thông tin bệnh nhân, chống gian lận về thanh toán bảo hiểm y tế, tối ưu hóa chi phí lợi ích từ phác đồ điều trị…

Mặc dù luôn nhìn rõ các điểm mạnh, tích cực từ nguồn dữ liệu số y tế mang lại, nhưng trên quan điểm cá nhân, ông Đồng cũng cho rằng y tế của chúng ta chưa thực sự khai thác tốt các giá trị, lợi ích đó, bởi lẽ đang bị những rào cản, hạn chế về mặt kỹ thuật và pháp lý.

"Đối với kỹ thuật, y tế hiện nay chưa đồng bộ về hệ thống hạ tầng các cấp, có khi có có dữ liệu, nhưng không thể khai thác và không đủ điều kiện để khai thác. Pháp lý hiện nay, vẫn chưa quy định, phân định rõ các quyền và các nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể, do đó không thể khai thác dữ liệu y tế", ông Đồng nhận định.

Để khắc phục và hạn chế những nhược điểm trên, Viện trưởng Đồng đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cho ngành y tế như: Nhà nước cần sớm xây dựng, ban hành cụ thể về Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó cụ thể hóa cho lĩnh vực y tế; thí điểm mô hình sandbox về khai thác giá trị dữ liệu số y tế; các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc Nghị định 47/2020 về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước và Chương trình CĐS quốc gia…

Đối với việc thí điểm sandbox về khai thác giá trị dữ liệu số, Viện trưởng Đồng cho rằng Bộ Y tế cần xây dựng, thành lập Hội đồng chỉ đạo Trung tâm dữ liệu (Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý dược, tổ chức xã hội dân sự…) và Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia. Tại đây, Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia sẽ thông qua các đầu mối thu thập lưu trữ dữ liệu (bệnh viện, nhà thuốc, thiết bị thông minh, ứng dụng y tế…) để tập trung dữ liệu.

"Khi xây dựng mô hình theo chuẩn sandbox, các dữ liệu cá nhân hay dữ liệu thống kê tổng hợp sẽ được đảm bảo: sàng lọc, kiểm soát, chuẩn hóa, cấp phép…", ông Đồng nhấn mạnh.

Cần số hóa các dữ liệu, thông tin

Đồng tình với các quan điểm của ông Đồng về việc ngành Y tế cần phải xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu số y tế cũng như cần đẩy mạnh hơn các hoạt động CĐS y tế ở cấp cơ sở, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ DTT cho rằng, CĐS giờ đây là những thay đổi mà một tổ chức cần thay đổi nhìn từ phía khách hàng, người dùng để đáp ứng mô hình kinh doanh, nghiệp vụ mới trong kinh tế số.

"Cần phải số hóa các dữ liệu, thông tin analog sang digitalcác quy trình (tin học hóa)", ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trung, Chính phủ điện tử, Chính phủ số cần có những giải pháp, chuyển đổi cụ thể cho ngành y tế như: Chuyển các DVC trực tuyến y tế sang quản trị trải nghiệm người dùng; thông tin báo cáo y tế sang dữ liệu nguồn quản trị thông minh - hoạch định thông minh y tế; quản lý chất lượng bệnh viện sang quản trị chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh…

Dữ liệu số y tế là

Mô hình khái niệm các đề xuất CĐS y tế

Đồng thời, muốn thực hiện tốt hiệu quả các giải pháp, chuyển đổi trên, Y tế phải đáp ứng, phát triển tốt việc định danh thông tin số, xây dựng hạ tầng số và hoàn thiện khung quản trị dữ liệu.

"Xây dựng hạ tầng số để có thể tổng hợp phân tích dữ liệu nguồn, xử lý các chỉ số đầu ra phục vụ hoạch định và bảo đảm dữ liệu riêng tư trên cơ sở kết nối và trao quyền cho người dùng cuối", ông Trung đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Trung cũng đưa ra các khuyến nghị về các nội dung như: cơ chế chính sách; quy trình nghiệp vụ; dữ liệu; công nghệ.

Theo đó, với cơ chế chính sách, ngành Y tế cần hướng tới một hệ thống nhất quán, xác định rõ các ưu tiên theo nhóm, nhu cầu người sử dụng dịch vụ, phải đảm bảo các nền tảng chính sách đi trước một bước để chuyển đổi có thể xảy ra. Đặc biệt, lãnh đạo ngành y tế cần được hỗ trợ bởi thông tin được phân tích từ dữ liệu nguồn, dữ liệu lớn.

Với quy trình nghiệp vụ, y tế cần phải tự động hóa quy trình và việc cải tiến quy trình cần được làm song song. Các quy trình cần được quản lý rủi ro và quản lý chất lượng, đồng thời cần có kế hoạch chuyển đổi phù hợp với giảm biên chế.

Với dữ liệu, ngành y tế phải xác định rõ phụ trách những thông tin gì, sở hữu các dữ liệu gì để lãnh đạo Chính phủ ra quyết định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dữ liệu số y tế là "hạt nhân", "nòng cốt" để chuyển đổi số y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO