Diễn đàn

Đưa "hơi thở thực tiễn" vào dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

TH 16:51 29/02/2024

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Hơn 90% tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực VT - CNTT của Việt Nam là các tiêu chuẩn quốc tế

Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại toàn cầu.

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững. Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là rất cần thiết.

Sáng ngày 28/2/2024, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc báo cáo với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

2l6a0464.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: Hiện nay hơn 90% tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực VT - CNTT của Việt Nam là tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nhận thức đúng đắn về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, không chỉ đối với quản lý nhà nước mà còn cho các tổ chức sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Bộ TT&TT rất chú trọng đến hoạt động đo lường, tiêu chuẩn và chất lượng, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực TT&TT đang phát triển nhanh chóng và thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống.

Theo Thứ trưởng, hiện nay hơn 90% tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực VT - CNTT của Việt Nam là tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Yêu cầu liên kết, tương thích, liên thông càng bức thiết trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam và thế giơi đang xây dựng thế giới số dựa trên hạ tầng VT - CNTT cũng như các ứng dụng công nghệ số.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng chia sẻ việc triển khai Chiến lược "Make in Viet Nam" đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo lường và chất lượng cũng như sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa thế giới, để sản phẩm và dịch vụ "Make in Viet Nam" có chất lượng tốt và khả năng cạnh tranh cao để vươn ra thị trường quốc tế.

Do đó, Bộ TT&TT mong muốn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sắp tới có nhiều cơ chế, chính sách mạnh, tạo cơ hội cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phát triển mạnh hơn nữa. Bộ TT&TT kỳ vọng Luật sẽ cho phép khai thác tốt hơn nguồn quốc tế trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, tận dụng năng lực đo kiểm quốc tế phục vụ cho hoạt động thực thi trong nước, đồng thời khai thông tốt hơn nguồn lực trong nước và tạo sự năng động, chủ động hơn nữa cho quản lý chuyên ngành.

Thứ trưởng tin tưởng sự vào cuộc của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông qua các hoạt động khảo sát đánh giá thực tiễn như này sẽ giải quyết tốt những vấn đề Bộ TT&TT đặt ra.

Đưa "hơi thở thực tiễn" vào luật

Chia sẻ quan điểm của Thứ trưởng Phan Tâm, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú trọng đến hơi thở thực tiễn, của việc lấy các ý kiến đóng đóng góp từ Bộ quản lý nhà nước, từ các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành là rất cần thiết nhằm đảm bảo luật không chỉ khả thi trong quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy phát triển DN.

Ông Lê Quang Huy cho biết mục tiêu của buổi làm việc hôm nay là Ủy ban lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất từ Bộ, lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, chuyên gia và DN để giúp Ủy ban trong quá trình thẩm định, đảm bảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành với chất lượng tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng hiện nay.

2l6a0541.jpg
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ KHCN báo cáo tóm tắt về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong ngành TT&TT

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ KHCN báo cáo tóm tắt về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong ngành TT&TT trong thời gian qua và đánh giá về tình hình triển khai, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật trong ngành. Công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong ngành có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia từ nhiều cơ quan, đơn vị, DN trong lĩnh vực TT&TT như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, các Viện nghiên cứu, các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành...

Đồng thời ông cũng đưa ra 07 khó khăn, vướng mắc mà ngành TT&TT gặp phải khi áp dụng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và 08 giải pháp kiến nghị của Bộ TT&TT nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để giải quyết các tình huống, yêu cầu, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phuc vụ yêu cầu quản lý thực tiễn như cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mang tính liên ngành; đề xuất thúc đẩy và áp dụng trực tiếp các tiêu chuẩn quốc tế,...

2l6a0460.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Đề xuất với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Cục Viễn thông cho biết, hiện nay có nhiều dịch vụ mới phát sinh trên hạ tầng số như AI. Vì vậy, cần có quy định về ban soạn thảo Luật liên ngành để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Đại diện Viettel chia sẻ những có khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với danh mục sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, cụ thể áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam với hơn 300 tiêu chuẩn là một thách thức còn áp dụng tiêu chuẩn quôc tế thì vướng rào cản về an ninh quốc phòng. Trong khi đó, một đại biểu quan ngại về những sản phẩm mới nhập khẩu thì phải ứng xử thế nào. Mặt khác, các đại biểu cho rằng cần rà soát kỹ để khi Luật được ban hành được thống nhất đồng bộ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh một số vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật gồm quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu của hoạt động xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế là rất cần thiết trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phát triển nhanh. Thứ trưởng cũng đề xuất cần thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau MRA trong khối ASEAN, APEC để tận dụng năng lực đo kiểm của các phòng đo kiểm nước ngoài./.

Bài liên quan
  • Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật cho AI
    AI có tiềm năng lớn trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, thông minh hơn, nhưng đồng thời nó cũng đối mặt với các rủi ro an toàn bảo mật nghiêm trọng. Cần có tiêu chuẩn bảo mật cho AI để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa "hơi thở thực tiễn" vào dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO