Sẽ thảo luận về hiện trạng và xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam
Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0 (EDU 4.0) chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội. Các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện này gồm: Hội nghị, Tọa đàm, Triển lãm, Sân khấu mở, Kết nối kinh doanh. Sự kiện do Tập đoàn BHub Group sáng lập, phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Tháng 01/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 117/QĐ-TTg, phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động Dạy - Học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025". Tháng 06/2020 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, Giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực trọng điểm cần được ưu tiên chuyển đổi số.
Ra đời trong bối cảnh đó, EDU4.0 được kỳ vọng sẽ đem đến cho cộng đồng và khách tham dự cái nhìn toàn diện về ngành Giáo dục Việt Nam trước bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4. Đặc biệt, sự kiện sẽ giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm, giải pháp xây dựng hệ sinh thái giáo dục 4.0 toàn diện và phù hợp thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện cũng đưa ra các thông điệp, khuyến nghị về chiến lược, chính sách phát triển ngành giáo dục cho Việt Nam.
Bà Trang Bùi, Sáng lập sự kiện EDU4.0 kiêm Tổng giám đốc BHub Group, chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng, tiền đề của giáo dục thông minh là khả năng tiếp cận không giới hạn của người học đối với giáo dục. Thông qua những sân chơi lớn như EDU4.0, các tổ chức, cá nhân có thêm nhiều cơ hội đẩy nhanh quá trình hợp tác, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số ngành Giáo dục tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia và hướng tới giáo dục thông minh".
Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc BHub Group - Sáng lập EDU4.0
Sự kiện EDU4.0 năm nay có chủ đề "Phát triển Giáo dục 4.0 phù hợp thực tiễn Việt Nam", sẽ được tổ chức cả ngày 21/11/2020 tại khách sạn Melia, số 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Để đông đảo mọi người quan tâm có thể tham gia, ban tổ chức đã thực hiện cả hình thức offline và online, được truyền hình trực tuyến cùng lúc.
Dự kiến, sự kiện năm nay sẽ đón tiếp hơn 600 đại biểu cùng 1.000 lượt khách tham dự offline, không giới hạn lượt tiếp cận trực tuyến. Thành phần tham gia là đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT, các tổ chức Giáo dục trong và ngoài nước, các trường học, các cá nhân, đơn vị quan tâm, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) cung cấp giải pháp cho chuyển đổi số ngành Giáo dục. Trong đó, có sự tham gia của nhiều DN CNTT hàng đầu tại Việt Nam như: VNPT, FPT, HP,... Đoàn DN Hàn Quốc do KICC (Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc) dẫn đầu sẽ tham gia triển lãm.
Các phiên hội nghị sẽ có nhiều tham luận từ các lãnh đạo, chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế và trường học như: Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), Đại học FuNix, VinUni, AmCham,... Ngoài ra, EDU4.0 cũng đang nhận được sự quan tâm của các công ty công nghệ lớn trên thế giới như: AWS, Google, Crestron,...
Trình diễn những công nghệ mới được ứng dụng trong giáo dục
Trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm Học đường 4.0 với quy mô dự kiến hơn 20 gian triển lãm hứa hẹn trình diễn các xu hướng, giải pháp ứng dụng công nghệ mới nhất, các mô hình giáo dục vượt trội tại Việt Nam và trên thế giới. Triển lãm có các khu vực riêng biệt cho khách tham dự trải nghiệm trực tiếp các mô hình, ứng dụng này.
Đặc biệt, khách tham dự sẽ được gặp gỡ và giao lưu cùng Trí Nhân - Robot trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới được sinh ra với sứ mệnh phục vụ mục đích giáo dục, đồng thời khám phá câu chuyện "Tôi. Robot. Tôi. Con người". Ngoài ra, toàn bộ khách tham dự sự kiện sẽ được tự do tham gia hoạt động gặp gỡ đối tác B2B trên ứng dụng online và trực tiếp tại hiện trường hoàn toàn miễn phí.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA cho biết: "Ngành Giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cho chuyển đổi số, đặc biệt là sau khi ghi nhận những bước tiến vượt bậc của giáo dục từ xa dưới tác động của COVID-19. Mặc dù vậy, chuyển đổi số cho giáo dục cần quan tâm đến những vấn đề gì thì vẫn còn là bức tranh chưa rõ ràng với nhiều người. Bên cạnh đó, tính sẵn sàng của hạ tầng, ứng dụng CNTT tại Việt Nam đối với đào tạo trực tuyến đang ở mức độ nào cũng là một bài toán cần lời giải cụ thể.
Tại sự kiện Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0 (EDU4.0), VIA cũng sẽ chia sẻ nhiều góc cạnh về vấn đề này. EDU4.0 có thể được coi là sự kiện có tính chuyên môn cao với sự tham gia của các Hiệp hội, DN uy tín về công nghệ số bên cạnh các Hiệp hội, DN lớn trong lĩnh vực GD&ĐT, bảo đảm mang lại các tiếp cận về chuyển đổi số cho Giáo dục ở Việt Nam một cách chân thực nhất".
EDU4.0 là sự kiện quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam về chuyển đổi số ngành giáo dục kết hợp với triển lãm học đường 4.0 có sự tham gia phối hợp cùng lúc của nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.
Chia sẻ với phóng viên, GS. TS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH-CĐ Việt Nam - đơn vị đồng tổ chức sự kiện, nhấn mạnh: "Chúng ta đang nghe nhiều đến chuyển đổi số, ngành Giáo dục Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tất yếu này. Hệ sinh thái giáo dục tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của người học 4.0. Chúng tôi mong muốn sẽ là cầu nối đắc lực cho các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo với các nguồn lực trong xã hội nhằm thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi rất ủng hộ và phối hợp cùng Tập đoàn BHub tổ chức Sự kiện EDU4.0 lần này. Đây sẽ là sự kiện hàng năm, ngày càng thu hút nhiều sự tham gia của các cơ quan ban ngành, DN liên quan".