Sự "máu lửa" chính là lý do Google chọn FPT cho dự án “World first”
Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc sản phẩm FPT Play Box cho biết, từ năm 2 trước, FPT và Google đã bắt đầu trao đổi về dự án này và chính thức khởi động từ tháng 2/2020. Lý giải cho sự hợp tác này, FPT Telecom luôn mong muốn trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới ra mắt công nghệ điều khiển giọng nói không chạm (hands-free voice control) ngay trên box để biến FPT Play Box thành một Trợ lý ảo đúng nghĩa với các trải nghiệm giải trí, mua sắm trên Omni Shop và điều khiển nhà thông minh hoàn toàn bằng giọng nói tiếng Việt thông qua Rogo Home.
Tuy nhiên, để có thể “bắt tay” với Google, FPT Telecom cũng gặp những khó khăn nhất định, đầu tiên là việc thuyết phục Google lựa chọn FPT thay vì các đối tác khác như Xiaomi, Sony, hay TCL.
Ngoài ra, FPT Telecom còn gặp những khó khăn khác như do là sản phẩm đầu tiên trên thế giới nên không có bất kì mô hình nào đi trước để các bên có thể tham khảo trong quá trình hợp tác, trao đổi, thậm chí ngay cả Google cũng lần đầu làm dự án như thế này. Chính vì thế, khi thực hiện, dự án gặp khá nhiều vấn đề về phần cứng, hệ điều hành mà chưa lường trước được.
“Ngoài cuộc đua với thời gian, khó khăn còn nằm ở chỗ khá nhiều thứ mình không quyết định được, vì chip phụ thuộc đối tác Amlogic, hệ điều hành phụ thuộc Google”, ông Đức nói.
Trong những dự án trước đây, các đơn vị sản xuất phần cứng ở nước ngoài thường cử kỹ sư sang bàn thảo trực tiếp. Tuy nhiên do dịch COVID-19 tới, các đối tác chỉ có thể trao đổi online với đội dự án của FPT. Lệch múi giờ với Mỹ, Trung Quốc, khiến những người phát triển FPT Play Box S phải làm cả ngày đêm, làm suốt cuối tuần, gặp rất nhiều vấn đề về trao đổi thông tin.
Mặc dù vậy, theo ông Đức, với quyết tâm từ FPT Play Box để có thể tạo ra sản phẩm đột phá đầu tiên trên thế giới, đội ngũ phát triển đã liên tục nâng cấp dịch vụ sử dụng giọng nói được Google ghi nhận trong các sự kiện Summit toàn cầu. “Chưa kể đến, với mong muốn có được một sản phẩm hỗ trợ tốt nhất cho người dùng, đội ngũ kỹ thuật FPT Play Box dù với nguồn lực có hạn nhưng đã cố gắng vượt qua mọi rào cản về địa lý, ngôn ngữ, dịch bệnh, thời gian để chung tiếng nói công nghệ với các đối tác, từ đó cho ra mắt sản phẩm kịp tiến độ”, ông Đức chia sẻ thêm.
Trong quá trình thực hiện, để FPT Play Box được trau chuốt từ trong ra ngoài, nhóm kỹ thuật đã làm việc với đối tác sản xuất để thử nghiệm các phiên bản, sóng, âm thanh. Đội sản phẩm chăm sóc hình hài, tạo ra một box “đúng đẳng cấp từ cái hộp trở đi”. Quá trình làm sản phẩm cũng hoàn toàn bí mật.
Để có thể tạo ra những trải nghiệm tối ưu như chuyển kênh, mua sắm hay tìm kiếm bằng tiếng Việt, thậm chí mang lại những trải nghiệm “đo ni đóng giày” cho người dùng, ông Đức cho biết nhóm dự án đã mất nhiều công sức để thuyết phục Google mở rộng phạm vi hỗ trợ. “Nhìn thấy quyết tâm lớn của team, Google đã chỉnh sửa hệ thống cloud sao cho phù hợp với FPT và box của mình nói được tiếng Việt”, ông Đức nói.
Chia sẻ về ý tưởng phát triển FPT Play Box S, ông Đức cho rằng nó được đến từ cả 2 phía. Trong các phiên thảo luận hội thảo toàn cầu, FPT luôn đề xuất tại sao không đưa Mic-array (hệ thống mic hoạt động song song - PV) vào sản phẩm TV Box để tận dụng giọng nói tối đa cho nhiều tác vụ hơn mà không cần cầm remote (điều khiển). Khi đó, Google đã ghi nhận ý kiến của FPT và tình cờ trong chiến lược của Google cũng tồn tại 1 dự án tương tự, đang nhen nhóm phát triển.
Để rồi, sau khi thảo luận cùng Amlogic và đánh giá các đối tác tiềm năng, Google đã quyết định đề xuất với FPT để triển khai dự án The World’s First này. Google yêu cầu FPT cam kết nguồn lực triển khai tối đa và khẳng định sẽ hỗ trợ công ty trong quá trình phát triển. Đề nghị này của Google được FPT nhanh chóng đồng ý.
“FPT luôn quyết tâm muốn đi xa hơn, rộng hơn. Do đó, đứng trước sự tin tưởng và lời mời hợp tác từ tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, tại sao tôi phải suy nghĩ và đắn đo, cuối cùng, FPT Play Box S chính là minh chứng cho quyết tâm của FPT”, ông Đức lý giải về quyết định đồng ý gần như ngay lập tức khi được Google ngỏ lời.
Về lý do tại sao Google lại chọn FPT thay vì những đơn vị khác, ông Đức cho rằng, đó là nhờ sự "máu lửa" của người FPT cũng như sự cần cù, quyết liệt của người Việt Nam. Lý giải cho sự "máu lửa" này, theo ông Đức, ngay từ lúc hợp tác với Google phát triển nền tảng Android TV, FPT luôn là đơn vị đi đầu trong việc triển khai việc triển khai tại Việt Nam, khu vực và thế giới. Ngay cả đối tác Google châu Á cũng được đánh giá cao trong nội bộ Google tập đoàn khi có đối tác như FPT. FPT cũng giữ vị trí số 1 ở Việt Nam với số lượng thiết bị Android TV kích hoạt nhiều nhất và thuộc top đầu trong khu vực APEC.
“Do đó, việc lựa chon FPT và thị trường Việt Nam làm đối tác đồng phát triển Hands-free Android TV Box có lẽ là lựa chọn tương đối dễ hiểu trong tập đoàn Google”, ông Đức nói.
Mang giá trị “Make in Vietnam” vào sản phẩm để “Go global”
Theo thông tin từ FPT, điểm nổi bật nhất cũng như là điểm nhấn công nghệ của sản phẩm FPT Play Box S chính là tính năng Hands-free Voice Control (điều khiển không chạm) với phạm vi sử dụng lên đến 5 mét, hoàn toàn phù hợp với mọi không gian sống trong ngôi nhà của mỗi gia đình. Người dùng không cần cầm điều khiển vẫn có thể chuyển kênh bằng giọng nói, mở các bộ phim yêu thích, tương tác với trợ lý ảo Google Assistant, điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà bằng tiếng Việt.
Không chỉ là TV Box phục vụ nhu cầu giải trí, FPT Play Box S còn được tích hợp như một Hub của ngôi nhà thông minh, để điều khiển các thiết bị khác trong nhà bằng giọng nói tiếng Việt. Ví dụ, người dùng có thể mở một kênh truyền hình yêu thích trong khi ra lệnh cho máy hút bụi tự vận hành, bật tắt đèn hay kiểm tra các thông tin về thời tiết, thị trường... Ngoài ra, ứng dụng còn liên tục cập nhật các thông số về nhiệt độ, độ ẩm không khí... ngay trên giao diện TV.
Trí thông minh AI dựa trên Chip xử lý S905X3 của FPT Play Box S sẽ thực hiện ngày càng chính xác công việc của một người trợ lý đắc lực qua việc học hỏi thói quen của bạn hằng ngày.
FPT Play Box S cũng cho phép bạn lập lịch điều khiển các thiết bị Smart-home như bóng đèn, công tắc, rèm cửa theo các múi giờ cố định hay theo tín hiệu cảm biến chuyển động, cảm biến cửa, cảm biến ánh sáng. Sản phẩm này tương thích với hơn 5.000 thiết bị thông minh từ hơn 150 nhà cung cấp thông qua nền tảng Google Home.
So với bản tiền nhiệm trước đó, FPT Play Box S vẫn chạy trên hệ điều hành mới nhất là Android TV 10 của Google, thiết bị còn được trang bị 2GB RAM và 16GB bộ nhớ. Tuy nhiên, FPT Play Box S sẽ được nâng cấp chip xử lý AML 905X3, đồ họa ARM Mali-G31 MP2 hỗ trợ xuất video đầu ra tối đa ở độ phân giải 4K-60P cho trải nghiệm tối ưu hơn về hiệu năng và hiệu suất khi sử dụng, tăng 20% so với phiên bản trước, đồng thời hỗ trợ trí tuệ nhân tạo AI.
Về kết nối, FPT Play Box S hỗ trợ Wi-Fi băng tầng kép (hỗ trợ kết nối đồng thời 5.0GHz và 2.4GHz), được trang bị Bluetooth BLE Mesh, Zigbee Mesh (thông qua USB mở rộng) giúp kết nối đồng thời nhiều thiết bị. Ngoài ra, FPT Play Box S còn được trang bị sáu mắt “IR Blaster” giúp bật/tắt các thiết bị như TV, máy lạnh, quạt,... hiện có trong gia đình thông qua tín hiệu hồng ngoại.
Thiết kế của FPT Play Box S cũng là điểm nhấn nổi bật so với các bản tiền nhiệm trước đó. Với thiết kế hình tròn bọc vải màu xám đen kết hợp với loa phát âm thanh. Mặt trên của thiết bị được thiết kế 4 chấm đèn LED để giao tiếp các chức năng báo hiệu với người dùng và nút tăng giảm âm lượng loa mà không cần mở TV. Cạnh bên dưới được trang bị nhiều cổng kết nối tiện ích giúp kết nối với TV và các thiết bị khác như cổng HDMI 2.1, USB 3.0, cổng âm thanh quang Optical, khe cắm thẻ nhớ Micro SD và nút tắt micro.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, so với loa Google Home Mini, box FPT Play Box S to và nặng hơn hẳn, độ nhậy trong việc nhận diện giọng nói cũng khá tương đồng nhau. Play Box S cũng được nhận diện qua ứng dụng Google Home, để từ đó có thể điều khiển các thiết bị tương thích Google Assistant. Việc mở kênh với các câu lệnh như mở VTV1, mở VTV3 khá mượt mà. Mặc dù mỗi lần mở kênh qua giọng nói, thiết bị phải tải lại ứng dụng, rồi mở đến kênh người dùng yêu cầu nhưng độ trễ rất thấp, tương đương với việc dùng remote chuyển kênh theo cách truyền thống.
Tuy nhiên, sản phẩm Play Box S cũng gặp phải một số lỗi khá khó chịu như nếu tắt box thông qua remote thì tính năng điều khiển thông qua giọng nói không sử dụng được; Chưa thể điều khiển một số mẫu điều hòa của các hãng như Daikin, Panasonic.. thông qua cổng hồng ngoại trên box; Bị xung khắc khi vừa điều khiển giọng nói bằng tiếng Anh và tiếng Việt hay mới chỉ điều khiển hồng ngoại được tivi và điều hòa, còn các thiết bị khác như quạt, đầu âm thanh... thì chưa thể thêm vào để ra lệnh từ xa.
Với một thiết bị mới đầu tiên trên thế giới, viêc gặp các lỗi là điều khó tránh khỏi trong những phiên bản firmware đầu, vì ngay cả với Macbook M1, chip Apple Silicon cũng gặp phải những “sự cố” và được hãng sửa chữa thông qua các bản cập nhật sau.
Theo kỹ thuật FPT Play Box S, những lỗi này sẽ được khắc phục thông qua những bản cập nhật firmware trong thời gian tới. Thậm chí, những bản cập nhật tới có thể cho phép box tự học lệnh thông qua cổng hồng ngoại như những thiết bị điều khiển trên thị trường của Broadlink, Tuya... và được bổ sung thêm một số tính năng khác, thông qua các góp ý của người sử dụng trên diễn đàn, mạng xã hội.
Khi được hỏi FPT Play Box S có phải một sản phẩm “Make in Vietnam” hay không, ông Đưc khẳng định, đây là thiết bị Android TV Box kết hợp loa thông minh đầu tiên trên thế giới. Sản phẩm đến từ Việt Nam chứ không phải nơi nào khác trên thế giới và FPT tự hào đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Sản phẩm FPT Play Box S sử dụng công nghệ Cloud-to-Cloud, kết hợp giữa server FPT Play và Google Assistant, được áp dụng đầu tiên ở Việt Nam, giúp các kết quả tìm kiếm luôn nằm top 1 tại thị trường Việt. Thiết bị giúp điều khiển nội dung chính xác hơn, mở cánh cửa điều khiển nhà thông minh hoàn chỉnh hoàn toàn bằng tiếng Việt.
“Khi ra mắt một sản phẩm toàn cầu, FPT hiểu không thể một mình làm việc đó và cần hợp lực với các ông lớn trên thế giới để có thể mang các giá trị “Make in Vietnam” vào các dòng flagship toàn cầu. Việc nhận được tán dương từ chính các đối tác như Google và Amlogic là minh chứng cho sự nỗ lực này của FPT”, ông Đức bày tỏ.
Mong muốn bắt tay với các DN Việt để tận dụng lợi thế của nhau
Về kế hoạch phát triển Smarthome của FPT, ông Đức cho rằng, giống như một bào thai trong bụng mẹ, trái tim là vật cần phát triển đầu tiên, FPT Play Box S được định vị như thế trong ngôi nhà smarthome. Để rồi, sau khi trái tim phát triển, các hệ sinh thái chân tay tự nhiên sẽ dễ dàng triển khai hơn.
Trên cơ sở đó, FPT đang có một chiến lược dài hạn phát triển các dịch vụ tổng thể cho các hộ gia đình ở Việt Nam. FPT có các dịch vụ Internet, Truyền hình, OTT, Camera, sensor. Bước tiếp theo, công ty tìm các đối tác trọng điểm để cùng mang thêm nhiều dịch vụ nữa theo định hướng không chỉ Smarthome (ngôi nhà thông minh) mà là còn mà Smart Living (căn hộ thông minh) cho các hộ gia đình ở Việt Nam. “Smarthome là thị trường được dự báo bùng nổ trong thời gian tới. Do đó, FPT đang đồng hành cùng các đối tác để mở cửa thị trường đầy tiềm năng, dự báo bùng nổ từ cuối 2022 này”, ông Đức nói.
Khi được hỏi về khả năng cạnh tranh với các sản phẩm Smarthome “trôi nổi” trên thị trường, ông Đức khẳng định, với quan điểm muốn đi xe phải đi cùng nhau, các doanh nghiệp Việt nên cùng kết hợp để có thể tận dụng hết thế mạnh trong từng doanh nghiệp. Hiện FPT đã “bắt tay” với Rạng Đông và Điện Quang, để có thể tận dụng lợi thế các sản phẩm đèn, công tắc... của các đơn vị này cùng bộ hub điều khiển thông qua giọng nói tiếng Việt trên Play Box S.
Ngoài ra, các chính sách hậu mãi luôn là lợi thế của doanh nghiệp Việt trên thị trường. Khách hàng có thể hoàn toàn an tâm với các chính sách hỗ trợ lắp đặt, hỗ trợ trong quá trình sử dụng cũng như bảo hành. Các sản phẩm từ trôi nổi từ Trung Quốc không thể có được các lợi thế cạnh tranh này. “Chúng tôi đang rất mong chờ thêm những cú bắt tay giữa các doanh nghiệp Việt trong các lãnh vực điện gia dụng, chiếu sáng, bất động sản, cung cấp nền tảng để cùng nhau khai phá thị trường Smarthome để có thể bắt đầu từ Việt Nam và từng bước tiến ra thế giới”, ông Đức kết luận.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2021)