Truyền thông

Gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan báo chí và các công ty công nghệ

Trường Thanh 14:25 02/08/2024

Các cơ sở đào tạo hiện nay muốn đi nhanh và đi xa cần hợp tác với các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ để tạo nên mạng lưới đào tạo báo chí - truyền thông liên hoàn.

Tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 6/2024, các chuyên gia đánh giá: Báo chí - truyền thông đang thay đổi với tốc độ chóng mặt bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ gần như không còn đọc báo, nghe đài hay xem truyền hình như trước đây mà chủ yếu cập nhật tin tức trên thiết bị di động và xem thông tin trên mạng xã hội (MXH).

Nhiều khái niệm, thuật ngữ báo chí - truyền thông mới đã lấn át các khái niệm, thuật ngữ cũ. Chẳng hạn, "livestream" thay thế cho "truyền hình trực tiếp" vì tính phổ cập hóa, đơn giản hóa của việc tường thuật trực tiếp bằng các thiết bị cá nhân như điện thoại di động, máy ảnh số gọn nhẹ mà không cần camera chuyên dụng cồng kềnh như trước đây.

Các chuyên gia nhấn mạnh, báo chí ngày nay không còn giới hạn trong 4 loại hình cơ bản: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử mà xuất hiện nhiều loại hình mới như: báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động hay các hoạt động truyền thông có tính báo chí như mạng xã hội, app (ứng dụng) tổng hợp tin…

Điều đó, đặt ra yêu cầu cần đổi mới mục tiêu và phương pháp đào tạo báo chí - truyền thông để tạo ra nguồn nhân lực có thể đáp ứng kịp thời với sự thay đổi của báo chí - truyền thông trong thời đại số.

Nhu cầu nhân lực báo chí - truyền thông rất đa dạng

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập (TBT) Báo Tuổi Trẻ, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, nhu cầu về nhân lực báo chí - truyền thông rất đa dạng. Không chỉ các cơ quan báo chí cần tuyển đội ngũ làm báo phù hợp với thời đại số mà nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng có nhu cầu này. Họ cần những người có tư duy và tay nghề thực hiện các sản phẩm báo chí - truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quảng cáo, giải trí, giáo dục, điện ảnh, game...

nha-bao-le-xuan-trung.jpg
Nhà báo Lê Xuân Trung: Giải pháp tốt nhất là hình thành mạng lưới đào tạo báo chí gồm ba chân kiềng: Cơ sở đào tạo (các trường đại học - cao đẳng), các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ liên quan đến báo chí - truyền thông.

Vì thế, việc đào tạo báo chí - truyền thông không thể chỉ tập trung vào các loại hình báo chí truyền thống mà cần hướng đến các sản phẩm đa phương tiện, đa nền tảng và phát huy tính sáng tạo trong cách tiếp cận đề tài lẫn cách trình bày ý tưởng và nội dung báo chí - truyền thông sao cho khác biệt, mới mẻ thường xuyên.

“Để có được các sản phẩm báo chí - truyền thông mới, không chỉ cần đào tạo lại người cũ mà còn cần nguồn nhân lực mới được đào tạo bài bản. Các bạn trẻ có lợi thế nắm bắt những cái mới rất nhanh và ham thích được làm những sản phẩm mới hoặc "chế biến" lại các sản phẩm cũ để tạo ra hình thức báo chí mới. Chúng ta có thể thấy rõ xu hướng hình ảnh, audio, video ngày càng lấn lướt text vì công chúng bây giờ thích lướt, nghe, xem hơn là đọc. Họ chủ yếu tìm đến các trang MXH nhiều hơn là vào xem trực tiếp trên các trang báo chí truyền thống”, nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ.

Đưa tòa soạn đến giảng đường

Đại tá, ThS. Nguyễn Hồng Hải, Phó TBT Báo Quân đội nhân dân chia sẻ: Hiện nay, một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là đào tạo nhân lực báo chí truyền thông số. Vì suy cho cùng, chất lượng nhân lực quyết định đến tốc độ, kết quả quá trình CĐS báo chí.

Đào tạo nhân lực báo chí truyền thông trong bối cảnh CĐS hiện nay không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức và kỹ năng về báo chí, mà còn phải bảo đảm những người làm trong ngành có thể thích nghi với một môi trường truyền thông số đang phát triển nhanh chóng.

Môi trường truyền thông số hiện nay đòi hỏi những kỹ năng mà trước đây không được chú trọng đào tạo trong ngành báo chí, như: Kỹ năng làm việc với dữ liệu lớn, hiểu biết về trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng sáng tạo nội dung đa phương tiện...

“Sự chuyển dịch sang truyền thông số cũng đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để các chương trình đào tạo có thể trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để thành công trong một ngành đang trải qua những thay đổi nhanh chóng. Do đó, không chỉ đòi hỏi một sự cập nhật trong nội dung giáo trình giảng dạy, mà còn cần một sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy và học tập”.

Đại tá, ThS. Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Mô hình đào tạo “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn báo chí cần được các cơ sở đào tạo áp dụng rộng rãi, toàn diện. Nhiều trường có giải pháp khá hợp lý là mời những chuyên gia báo chí truyền thông CĐS, những nhà báo giỏi, những TBT tâm huyết... vào giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm trên các giảng đường thường xuyên.

Qua đó, sinh viên được mở ra cơ hội thực tập, thực hành ngay tại chính các tòa soạn, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các nhà báo, được sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại của tòa soạn. Vì vậy, đã có những lứa sinh viên thích ứng rất nhanh với công nghệ, phát huy kỹ năng và khả năng sáng tạo báo chí số.

Để hỗ trợ sinh viên, nhà báo CĐS toàn diện, Đại tá, ThS. Nguyễn Hồng Hải đề nghị, Nhà nước, cơ quan chủ quản, cơ sở đào tạo phải cùng phối hợp để đào tạo, bồi dưỡng, mở ra cơ hội học tập thường xuyên, chính thức cho các nhà báo.

“Đào tạo báo chí theo mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn báo chí đang là hướng đi đúng đắn. Và, nếu được sự cộng đồng, gắn kết trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước - cơ quan chủ quản - cơ quan báo chí - cơ sở đào tạo, với những cam kết chiến lược, đầy đủ cơ sở pháp lý, thì bài toán “nhân lực CĐS toàn diện” cho báo chí sẽ được giải dễ dàng, đem lại triển vọng lớn mạnh cho báo chí Việt Nam”, Phó TBT Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.

6-1-.jpg
Mô hình đào tạo “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn báo chí cần được các cơ sở đào tạo áp dụng rộng rãi, toàn diện.

Giải pháp tốt nhất là hình thành mạng lưới đào tạo báo chí gồm ba chân kiềng

Nhà báo Lê Xuân Trung nêu rõ: Giải pháp tốt nhất là hình thành mạng lưới đào tạo báo chí gồm ba chân kiềng: cơ sở đào tạo (các trường đại học - cao đẳng), các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ liên quan đến báo chí - truyền thông.

Chân kiềng thứ nhất: cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông có thế mạnh về đào tạo chuyên nghiệp, bài bản từ tuyển sinh đầu vào, tổ chức giảng dạy, thi cử, đánh giá sinh viên cho đến cấp bằng tốt nghiệp.

Chân kiềng thứ hai: các cơ quan báo chí sẵn sàng bổ sung cho các trường về phương tiện, điều kiện thực hành các sản phẩm báo chí.

Chân kiềng thứ ba: các công ty công nghệ ngày càng chi phối hoạt động báo chí nhiều hơn trước đây vì công việc làm báo hiện nay gắn chặt với công nghệ từ phần cứng cho đến phần mềm.

“Các cơ sở đào tạo hiện nay muốn đi nhanh và đi xa, cần hình thành sự liên kết với các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ để tạo nên mạng lưới đào tạo báo chí - truyền thông liên hoàn trong nghiên cứu và phát triển các mô hình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đang thay đổi rất nhanh về nguồn nhân lực trong ngành báo chí - truyền thông hiện nay”, nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhu cầu báo chí - truyền thông nói chung và sản xuất nội dung báo chí - truyền thông nói riêng đang và sẽ bùng nổ trong kỷ nguyên số. Các tổ chức công và tư đều cần phải tương tác và gắn kết với nhiều nhóm khách hàng và đối tác khác nhau trên các nền tảng số, MXH. Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang rất “khát” nhân sự làm về truyền thông và nội dung, nhu cầu này được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong những năm tới.

Điều này đặt ra nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức cho các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Vì vậy, cần xác định, đào tạo người làm báo trong kỷ nguyên số thêm nhiều kỹ năng mới. Đó là đào tạo người làm báo hướng đến năng lực toàn diện, phải làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT),… trong quản trị, sản xuất tin bài.

Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần chú trọng tổ chức các kênh kết nối đến các cơ quan báo chí, DN, công ty truyền thông, nhằm giúp học viên được cọ sát, trực tiếp học hỏi, thực tập nghề nghiệp trong môi trường thực tiễn. "Việc gắn kết, liên kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan báo chí và các công ty công nghệ trong thực tiễn đào tạo báo chí - truyền thông vì vậy rất quan trọng", PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan báo chí và các công ty công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO