Truyền thông

Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là nhiệm vụ kép của cơ quan báo chí

Trường Thanh 30/07/2024 08:52

Hiện nay, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là hoạt động song hành mà các cơ quan báo chí Việt Nam phải thực hiện.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, các cơ quan báo chí đang đối mặt với những vấn đề lớn cần giải quyết liên quan đến (CĐS) và phát triển kinh tế số. Vấn đề đặt ra là CĐS như thế nào và cần điều kiện gì để phát triển kinh tế số nhằm mang lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kép đó.

CĐS để giành thị phần công chúng và doanh thu truyền thông, quảng cáo

Chia sẻ vấn đề này tại Hội thảo khoa học quốc tế "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số" do Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Báo điện tử Vietnamnet, Bộ TT&TT phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tháng 6/2024, TS. Đồng Mạnh Hùng, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tác động ngày càng sâu sắc đến nền báo chí Việt Nam. Tác động rõ nhất là đẩy các cơ quan báo chí vào vòng xoáy đa cạnh tranh khốc liệt và sự thúc ép phải CĐS.

Trong bối cảnh đó, nền báo chí nói chung và mỗi cơ quan báo chí nói riêng buộc phải thay đổi tư duy quản trị, quản lý và sản xuất nhằm thích nghi với môi trường truyền thông mới để phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, làm truyền thông đại chúng không còn là “đất diễn” riêng của những tổ chức truyền thông đại chúng chuyên nghiệp như báo chí. Trước đây khi chưa có Internet, web và mạng xã hội, một cơ quan, doanh nghiệp (DN) thường tìm đến báo chí là một kênh quan trọng để đặt hàng việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình. Nhưng nay, cơ quan, DN đã có thể tự lập các website hoặc fanpage làm kênh truyền thông để quảng bá sản phẩm, thương hiệu và tương tác với khách hàng của mình mà không cần kênh báo chí.

Hơn thế nữa, một cá nhân dùng điện thoại thông minh có thể thành “nhà báo tự do” đưa tin, thậm chí thông tin họ lan truyền có thể nhanh và hấp dẫn hơn các nhà báo chuyên nghiệp. Nhiều tình huống, thông tin của “nhà báo tự do” còn đi trước và báo chí chuyên nghiệp phải dựa nguồn, “chạy theo”.

psx_20240614_114516.jpg
TS. Đồng Mạnh Hùng: CĐS là tất yếu và là việc phải làm của mỗi cơ quan báo chí, không chỉ để lan tỏa thông tin mà là một “cửa” sống còn để giành thị phần công chúng và doanh thu truyền thông, quảng cáo trong phát triển kinh tế số.

Điều này, đặt mọi cơ quan báo chí và mọi loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử) vào môi trường đa cạnh tranh. Nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí bị đào thải, các tòa soạn báo phải xoay xở để thích nghi với môi trường truyền thông mới - môi trường truyền thông 4.0. Tức là cơ quan báo chí phải tiến hành CĐS để thích ghi và tạo lập những giá trị mới.

Tuy nhiên, để CĐS hiệu quả, mỗi cơ quan báo chí cần nhận thức CĐS là một quá trình, là sự dịch chuyển về tư duy quản trị, về đầu tư công nghệ và nhân lực. CĐS phải có lộ trình, có chọn lọc, không phải đưa tất cả nội dung và hình thức của các sản phẩm báo chí ở các loại hình báo chí đang có lên Internet.

CĐS đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất nội dung phù hợp với đặc thù kênh truyền thông và nền tảng truyền thông cụ thể. Mỗi cơ quan báo chí, khi CĐS, trước khi đưa sản phẩm của mình lên nền tảng truyền thông nào thì cần phải hiểu đặc thù công chúng ở kênh đó, từ đó hiểu công chúng, chọn sản phẩm và tìm cách tiếp cận để “bán hàng” cho phù hợp.

“CĐS là tất yếu và là việc phải làm của mỗi cơ quan báo chí, không chỉ để lan tỏa thông tin mà là một “cửa” sống còn để giành thị phần công chúng và doanh thu truyền thông, quảng cáo trong phát triển kinh tế số”, TS. Đồng Mạnh Hùng cho hay.

Cần có những quy định cụ thể của Luật Báo chí về các sản phẩm báo chí

Theo TS. Đồng Mạnh Hùng, để mỗi cơ quan báo chí tồn tại và phát triển, bên cạnh việc thích ứng với CĐS thì hoạt động kinh tế báo chí cũng cần được coi trọng. Và, nếu xem báo chí là một ngành kinh tế, sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt thì nó phải vận hành theo những quy luật của kinh tế, chịu sự điều chỉnh của các quy định về kinh doanh.

Tuy nhiên, Luật Báo chí hiện hành cũng như các văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể về kinh tế báo chí, đặc biệt là kinh tế số trong hoạt động báo chí, mà mới chỉ có quy định về nguồn thu của báo chí (từ ngân sách được cấp, từ việc bán các sản phẩm báo chí, từ hoạt động quảng cáo, liên kết sản xuất…). Trong khi đó, mỗi cơ quan báo chí đang thực thi nhiệm vụ kép, đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm kinh tế, cả kinh doanh, để tồn tại.

“Cũng cần nhìn nhận từ thực tế đời sống báo chí, không làm kinh tế báo chí, không có nguồn thu thì tờ báo không duy trì hoạt động tòa soạn, trả lương cho người lao động trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của cơ quan chủ quản chỉ đáp ứng được một phần nhỏ hoạt động chi thường xuyên. Chưa nói đến đầu tư phát triển, đào tạo bồi dưỡng, hoạt động nghiệp vụ khác”.

Vì vậy, thách thức về nguồn thu của cơ quan báo chí rất lớn, nhất là các đơn vị sự nghiệp tự chủ. Nếu nguồn thu quá ít, không có nguồn trả lương cho người lao động, không có nguồn để khuyến khích sáng tạo nội dung, đầu tư thiết bị phục vụ làm báo thì rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí, thậm chí xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật.

Thực tế cho thấy những bất cập nảy sinh trong phát triển kinh tế báo chí thời gian gần đây, thậm chí đang trở nên rất nóng, có phần do khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho hoạt động kinh tế báo chí còn chậm so với thực tiễn.

“Chính vì thế, để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần có những quy định cụ thể của Luật Báo chí về các sản phẩm báo chí: Cái nào được coi là hàng hóa và cái nào là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động”, TS. Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cần quy định rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí

Cũng theo TS. Đồng Mạnh Hùng, một vấn đề nữa liên quan đến kinh tế báo chí, đó là việc đặt hàng sản xuất. Luật Báo chí cần có quy định rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí.

Việc đặt hàng cần được quy định rõ trong luật và các bộ, ngành sớm xây dựng cơ chế, quy định mức kinh phí hỗ trợ, đặt hàng các cơ quan báo chí tham gia truyền thông chính sách như: Các chính sách mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia, công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh…. Từ đó, các cơ quan báo chí có cơ sở xây dựng các đề án tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.

toa-soan-bao.jpg
Không gian làm việc mở tại tòa soạn báo điện tử VnExpress. (Ảnh: Internet)

Để phát triển một nền kinh tế báo chí, cần tách bạch rõ giữa chức năng tuyên truyền và chức năng kinh doanh của báo chí, cũng như phân định rõ các cơ quan báo chí thực hiện chức năng tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị, từ đó có chính sách hỗ trợ, đặt hàng cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu. Ưu tiên hỗ trợ đối với cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn, hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng tổ hợp truyền thông mạnh, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.

Đối với các cơ quan báo chí khác, không thực hiện chức năng tuyên truyền thì hoàn thành các quy định, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí này hoạt động hiệu quả.

Về giải pháp để các cơ quan báo chí có thể làm kinh tế một cách bền vững, lâu dài, tránh tình trạng dựa vào tin “hot”, câu view... thì cần có những quy định chặt chẽ về kinh tế báo chí và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là nhiệm vụ kép của cơ quan báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO