Giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh của gia công phần mềm

Hoàng Linh| 19/07/2022 19:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Bà Nguyễn Khánh Diệp, Phó Tổng Giám đốc công ty VMO Holdings, một công ty hoạt động trong lĩnh vực IT outsourcing (gia công phần mềm), đã có những chia sẻ và đề xuất để thúc đẩy các công ty CNTT Việt Nam tham gia vào sân chơi CNTT nước ngoài.

Kinh nghiệm thâm nhập thị trường nước ngoài

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 ngày 18/7, bà Nguyễn Khánh Diệp cho biết VMO Holdings là công ty được thành lập năm 2012, đến năm 2019 có 90 nhân sự và đến nay đã phát triển gấp nhiều lần với 1200 nhân sự, hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm. Doanh thu của công ty đã đạt trên 500 tỷ đồng.

Thị trường chính của VMO Holdings là thị trường nước ngoài, với 48% là ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương, 10% là thị trường châu Âu, 22% là thị trường Mỹ và 20% là thị trường Nhật Bản. Hiện tại công ty có 7 văn phòng tại Hà Nội và các văn phòng tại Singapore, Nhật Bản và Mỹ.

Chia sẻ một số kinh nghiệm kinh doanh tại nước ngoài, bà Diệp cho biết VMO Holdings có chính sách thâm nhập thị trường gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có thể nói là quăng lưới, bắt cá nhỏ (go fishing). Trong giai đoạn này có hai phần công việc phải làm là: nghiên cứu thị trường và thâm nhập thị trường để cạnh tranh. Đối với nghiên cứu thị trường, VMO Holdings trước tiên xác định thị trường mục tiêu và có nhu cầu về gia công phần mềm. Tiếp theo, công ty sẽ xác định được các lợi thế cạnh tranh của VMO Holdings có phù hợp với thị trường và sẽ thâm nhập thị trường bằng các lợi thế cạnh tranh này.

Bà Diệp chia sẻ thêm VMO Holdings có thể dành 1 - 1,5 năm thâm nhập thị trường Mỹ, bằng lợi thế cạnh tranh của công ty như mức giá tốt và tiếp xúc với lãnh đạo C-level của DN phụ trách về CNTT.

Giai đoạn 2 (quăng chài câu cá mập) là cố gắng chăm sóc các khách hàng cũ để bám rễ và lan tỏa tại thị trường, từ đó tiếp cận với các khách hàng mới nhằm chuyển từ dịch vụ gia công phần mềm sang tư vấn cho khách hàng và làm dịch vụ phần mềm từ A đến Z.

Cần có định hướng, chính sách và nguồn lực

Trong quá trình làm gia công phần mềm cho nước ngoài, bà Diệp bày tỏ mong muốn có được các sân chơi chất lượng cho các thị trường nước ngoài, ngoài thị trường Nhật. "VMO Holdings thấy rằng các công ty Việt Nam làm rất tốt tại thị trường Nhật Bản và thậm chí bây giờ các thỏa thuận gia công phần mềm đều nói đến Việt Nam nhưng thương hiệu của lĩnh vực này chưa đủ lớn. Các Hiệp hội chủ yếu đang tập trung vào thị trường Nhật Bản nhưng còn các thị trường khác như Mỹ, Úc…

Bà Diệp cho biết VMO Holdings mong muốn có một cộng đồng các công ty gia công phần mềm Việt Nam mạnh mẽ và tham gia dẫn dắt sân chơi như thế này để cùng nhau chia sẻ, nhắm tới các thị trường mục tiêu một cách bài bản.

Để phát triển ở lĩnh vực này tại nước ngoài, bà Diệp đề xuất Nhà nước cần có định hướng, chính sách và nguồn lực.

Về định hướng, cần tạo ra các sân chơi chất lượng cho các thị trường nước ngoài (ngoài Nhật Bản), cụ thể là nghiên cứu lập văn phòng chung hỗ trợ khởi nghiệp tại nước ngoài. Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy nước này thành lập một số văn phòng chung để hỗ trợ các công ty của Ấn Độ khởi nghiệp tại nước ngoài như tại Mỹ. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) có lợi thế cạnh tranh hơn, lớn hơn bởi vì các công ty không phải lo về việc thành lập công ty ngay lập tức hay phải lo thủ tục đưa nhân sự ra nước ngoài.

Bà Diệp cho biết ở giai đoạn đầu ra nước ngoài, VMO Holdings phải theo sát khách hàng mới mở được văn phòng tại nước ngoài. Việc đưa nhân sự chất lượng cao ra nước ngoài là một khó khăn nữa. VMO Holdings hiện tại muốn xin visa cho nhân lực chất lượng cao sang Mỹ phải mất nhiều tháng hay sang Singapore để đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Về chính sách, bà Diệp bày tỏ mong muốn có một chiến lược bài bản từ nhà nước để làm gia công phần mềm chất lượng hơn, đó là cần phải có thương hiệu cho gia công phần mềm Việt Nam vì khi nhắc đến gia công phần mềm, nhiều nước không nghĩ đến Việt Nam. Các công ty nước ngoài khi thuê gia công phần mềm thường nghĩ đến Ukraine, các nước khác. VMO Holdings làm việc với các công ty nước ngoài luôn phải giới thiệu về các lợi thế của Việt Nam.

Giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh của gia công phần mềm - Ảnh 1.

Hình ảnh công ty VMO Holdings (Nguồn: sandev.vn)

Bà Diệp cũng khẳng định các công ty Việt Nam chắc chắn là có lợi thế hơn nhiều so với các trung tâm (hub) chuyên về gia công phần mềm như là Ukraine, Nga, Ba Lan. Tuy nhiên các lợi thế cạnh tranh này chưa được quảng bá một cách phù hợp đến các thị trường mục tiêu. Cho nên thương hiệu gia công phần Việt Nam vẫn tương đối thiếu ở các nước nói tiếng Anh.

Về mặt nguồn lực, bà Diệp cho biết hiện tại nhân sự nói tiếng Anh vẫn là một vấn đề lớn, khiến cho nhân sự Việt Nam không có nhiều lợi thế về mặt giao tiếp với khách hàng. Bên cạnh đó, nguồn sinh viên đào tạo hàng năm cũng không đủ đáp ứng về số lượng và chất lượng. Hiện tại VMO và nhiều công ty đang phải mở lớp đào tạo các sinh viên CNTT để biết lập trình, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nguồn nhân sự VMO cần mỗi năm.

Các DN đào tạo lập trình viên cho các vị trí việc làm khác như phân tích nghiệp vụ, quản lý phần mềm… là những vị trí việc làm có thể chiếm tới 40% các dự án, mang lại giá trị lớn cho các DN khi các DN không còn là DN gia công phần mềm đơn thuần. Thường những vị trí này các trường không muốn đào tạo và DN đào tạo dựa vào kinh nghiệm thì chưa đạt chuẩn, bà Diệp cho hay.

Nếu so sánh với gia công phần mềm tại Việt Nam và Ấn Độ, bà Diệp cho biết khách hàng của VMO Holdings thường nói là lập trình viên của Việt Nam tốt nhưng thực hiện quản trị, phân tích dự án của Việt Nam thì kém. "Đó là lý do tại sao không có sự thay đổi thích hợp thì sẽ mãi mãi các công ty sẽ đứng ở vị trí gia công, không phải là người đi tư vấn với hàm lượng CNTT cao cho khách hàng. Các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể làm được việc này. VMO Holdings có các những nhân viên chuyên về kinh tế, tiếng Anh tốt chỉ cần đào tạo từ nửa đến một năm là có thể đảm đương được các công việc tư vấn CNTT rất tốt. Nhà nước nên có định hướng đẩy mạnh đào tạo nhân lực vì giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh", bà Diệp cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh của gia công phần mềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO