Các giải pháp quản lý được thực hiện một cách có trọng tâm trọng điểm, với sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Thực trạng
Những năm gần đây các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp đã được cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật (Hiện nay tại Việt Nam có 22 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp) bị kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua nhiều hình thức lại đang có xu hướng nở rộ, gây dư luận rất xấu và đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý liên quan để xử lý vấn đề này.
Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 tới gặp một số những khó khăn và thử thách mới: Việc xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép vẫn chưa đủ mạnh nên nhiều tổ chức/cá nhân vẫn tìm cách lách luật và bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời bất chính; Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép hoặc không phép đã lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận không nhỏ người dân tham gia. Do đó, các cơ quan quản lý cần có nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hiểu biết về hoạt động bán hàng đa cấp để nâng cao nhận thức của người dân hiệu quả hơn;
Bên cạnh đó các đối tượng không phép này có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số… Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này rất khó khăn. Các đối tượng này hoạt động không phép nên không được quản lý theo các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay. Do vậy việc xử lý đối với các đối tượng này cần có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý từ Trung tương tới địa phương.
Giải pháp cho công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025
Nhằm mục đích duy trì các kết quả đã đạt được, đồng thời xử lý những vấn đề do yêu cầu thực tế đã đặt ra, ngày 05/11/2020, Bộ Công thương đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 (Kèm theo Quyết định 2837/QĐ-BCT ngày 05/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương). Theo đó, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các biện pháp quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 như sau:
- Thứ nhất, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp đặc biệt là hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép (Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với yêu cầu của công tác quản lý ngành).
- Thứ hai, nâng cao toàn diện nhận thức của cộng đồng về pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hình thức lợi dụng bán hàng đa cấp kinh doanh trái phép, hướng đến một số đối tượng người dân như người cao tuổi, sinh viên, phụ nữ;
- Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hướng đến tối đa hóa việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp;
- Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương cần được triển khai đồng bộ và bao quát toàn bộ các địa bàn của từng địa phương.
- Thứ năm, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đảm bảo đảm bảo năng lực quản lý, giám sát của các cán bộ tại địa phương từ cấp tỉnh tới các cấp hành chính thấp hơn.
- Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý tại mỗi địa phương đặc biệt là Sở Công thương của các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên phạm vi địa bàn.
Việc ban hành Đề án đóng vai trò định hướng và xây dựng mục tiêu tổng thể cho các hoạt động của công tác quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2021 – 2025. Trên cơ sở đó, từng địa phương cũng đã ban hành Đề án ở cấp địa phương để thực hiện các biện pháp hỗ trợ thực thi pháp luật bán hàng đa cấp trên phạm vi địa bàn, đặc biệt là biện pháp tuyên truyền, phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép tại địa phương.