Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam

Ngọc Diệp| 18/09/2021 08:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát nhưng chưa có thời điểm nào thương mại điện tử (TMĐT) phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội phát triển trong thời gian tới, TMĐT cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ.

COVID-19: Cú huých thúc đẩy TMĐT

Chia sẻ tại toạ đàm "Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do Ban Kinh tế Trung ương, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 16/9, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, cho biết TMĐT đang có những bước tiến mạnh mẽ không chỉ trong kinh doanh phát triển trên nền tảng số mà tất cả các lĩnh vực dịch vụ khác như giáo dục, y tế, văn hóa xã hội.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công thương, từ 2016 đến nay, doanh số TMĐT tăng 25 - 30%/năm, năm 2016 quy mô thị trường TMĐT đạt 5 tỷ USD doanh thu B2C, năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt doanh thu B2C là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ cả nước trong một năm, đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì 2025 là 600 USD/năm.

Giải pháp nào để hỗ trợ các DN TMĐT?

Bất chấp khó khăn từ dịch COVID-19, các sàn TMĐT vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến trong tiêu dùng. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội phát triển trong thời gian tới, TMĐT cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ.

Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam, chia sẻ tại toạ đàm

Cũng tại tọa đàm, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam, cho biết, thời gian qua, khi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, doanh nghiệp (DN) này đã gặp nhiều thử thách để duy trì chuỗi cung ứng. 

Bà Vân đề xuất nên đẩy mạnh hợp tác công tư giữa chính phủ và DN để vận dụng nền tảng công nghệ, nhằm duy trì hoạt động chống dịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Ví dụ, Grab đã đề xuất đưa nền tảng công nghệ của Grab cho thành phố sử dụng để vận hành chương trình đi chợ hộ tại TP. Thủ Đức. "Nếu sự hợp tác này diễn ra sớm hơn và trên diện rộng hơn thì sẽ hỗ trợ nhiều trong công tác chống dịch và duy trì kinh tế"- Tổng giám đốc Grab Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, để duy trì chuỗi cung ứng, bà Nguyễn Thái Hải Vân cũng đề nghị cần có sự thống nhất trong việc nhìn nhận về vai trò của shipper trong chuỗi cung ứng. Theo bà Vân, trong giai đoạn vừa qua, shipper đã bắt đầu được nhìn nhận như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, nhiều tỉnh thành, địa phương đã có những hỗ trợ tích cực cho hoạt động của shipper và ưu tiên viêm vắc-xin. Ở nhiều nước, đội shipper được xem như một phần của lực lượng chống dịch tuyến đầu, Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm đó.

Về chính sách dài hạn, đại diện Grab đưa ra 2 vấn đề. Thứ nhất là cần có chính sách thúc đẩy TMĐT để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay DN nhỏ và vừa có thể tham gia nhanh nhất vào làn sóng này vì đây là đối tượng huyết mạch đi len lỏi rất sâu vào môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng tại Việt Nam. Do đó cần ưu tiên hỗ trợ cho những đối tượng kinh doanh truyền thống này, bao gồm là chợ truyền thống, tạp hóa, các hộ kinh doanh cá thể ở các ngành nghề độc lập... để cho họ không bị bỏ lại trong cuộc đua về kinh tế số và TMĐT ở Việt Nam.

Thứ hai là cần có cơ chế chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bởi đây là đòn bẩy phát triển nền kinh tế số trong đại dịch. Số liệu của Grab cho thấy có đến 45% người dùng Grab sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tháng 8 năm ngoái số lượng người lần đầu tiên tiếp xúc thanh toán không tiền mặt trong các dịch vụ trên Grab đã tăng tới 30%. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng và tốc độ phát triển của mảng kinh tế này. 

Không chỉ Grab, dịch COVID-19 cũng mang theo nhiều khó khăn cho các sàn TMĐT. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết lượng truy cập vào sàn của DN tăng gấp rưỡi, số lượng đơn hàng tăng gấp ba, nhưng Shopee đang gặp khó khăn để cung ứng dịch vụ này đến với người tiêu dùng do cầu nối đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Tạo điều kiện để shipper hoạt động thuận lợi hơn là một trong những đề xuất của Giám đốc điều hành Shopee.

Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam

Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm: "Sự thành bại của DN khi tham gia TMĐT còn phụ thuộc vào khả năng vận hành của DN". Chính vì thế, Shopee đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ rất lớn cho người bán, từ miễn phí vận chuyển, voucher  đến hướng dẫn vận hành các shop, tiếp thị, quản lý sản phẩm, kho bãi.

Còn theo ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Tiki, có 3 trụ để phát triển TMĐT là chính sách, công nghệ và con người vận hành. Trong những năm gần đây chính sách đã được cởi mở nhiều, Tiki đã phối hợp cùng Sở Công thương, các hiệp hội để tham gia những chiến lược hỗ trợ các thành phố trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ.

Ông Long cho biết: Kinh tế số có tốc độ phát triển rất nhanh, do đó các chính sách khi đưa ra cần có hướng dẫn kịp thời để các DN không bị lạc lối, hiểu sai. Đối với trụ công nghệ, Tiki đã áp dụng các công nghệ mới như điện toán đám  mây, AI, thậm chí thử nghiệm robot trong logistic. Tuy nhiên, khi đại dịch tới lượng hàng thực phẩm bán tăng gấp 10 lần thì nhiều công việc vẫn phải làm bằng tay. Trong thời gian tới Tiki sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư cho ứng dụng công nghệ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO