Giải quyết 3 thách thức lớn khi doanh nghiệp chuyển đổi số
Các doanh nghiệp (DN) đã có nhiều kiến thức về chuyển đổi số (CĐS) nhưng lại khó tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. DN cần được hỗ trợ vượt qua các thách thức về vốn, nguồn nhân lực, bảo mật công nghệ thông tin (CNTT) trong suốt quá trình CĐS.
Theo Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, CĐS trong DN là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.
Báo cáo thường niên về mức độ sẵn sàng CĐS của DN Việt Nam do Cục Phát triển DN (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho biết các DN Việt Nam trong giai đoạn 2021-2022 đã có sự thay đổi rất nhanh trong nhận thức về CĐS. Đây là tiền đề cho các DN tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo, 2023 - 2025, thúc đẩy hoạt động CĐS cụ thể trên nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Xây dựng chiến lược CĐS chi tiết với các phân kỳ về chi phí, dòng tiền để giải quyết bài toán về vốn
Tuy đa phần DN đã có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết phải CĐS, nhưng chương trình CĐS chưa đạt mục tiêu kỳ vọng, trong đó nguồn lực tài chính là một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất.
Kết quả khảo sát cho thấy, chưa đến 40% các DN có ngân sách để đáp ứng nhu cầu CĐS từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp CĐS. Trong khi đó, có đến 43,3% DN có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Đáng lo ngại có tới 20% DN hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS. Như vậy, việc thiếu ngân sách dành cho CĐS trở thành thách thức phổ biến tại các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn CĐS FPT Digital, nguồn lực về tài chính luôn là trở ngại lớn với các DN khi CĐS. Tuy vậy, lãnh đạo nên nhìn nhận việc đầu tư cho CĐS dưới 1 khoản đầu tư dài hạn hướng đến các mục tiêu, định hướng kinh doanh của DN.
Để hóa giải thách thức “thiếu vốn” CĐS và tối ưu các chi phí này, ông Tuấn Anh cho rằng, DN cần xây dựng bản chiến lược CĐS chi tiết cho DN mình với phân kỳ về chi phí, dòng tiền để chuẩn bị ngân sách phù hợp, hạn chế việc đầu tư dàn trải, không hướng mục tiêu gây ra lãng phí nguồn lực tài chính vốn đã không dư dả hiện nay.
“Chiến lược CĐS luôn đồng bộ với định hướng phát triển, kinh doanh và cần phải được ưu tiên thực hiện. DN nên hoạch định nguồn tài chính cho CĐS như khoản đầu tư vì đó là một hành trình chuyển đổi liên tục, dài hạn, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng và chủ động của toàn bộ DN”, ông Tuấn Anh nói.
Vượt qua rào cản con người và bảo mật thông tin
Ngoài khó khăn về tài chính, nhân lực cũng là một rào cản rất lớn với DN. Theo DxReport của FPT Digital về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số, nguồn cung nhân lực số tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu cho các chương trình CĐS của tổ chức, DN. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực CNTT trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt hơn 1%.
Vì vậy, các DN cần chủ động trong việc tìm kiếm tuyển dụng, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực số thông qua các chính sách hỗ trợ người lao động, kiến tạo môi trường làm việc “số” và đẩy mạnh các chương trình đào tạo về số tại DN.
“Ngoài ra, với các DN nguồn nhân sự là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công và tốc độ trong quá trình CĐS. Bên cạnh hoạt động tìm kiếm, tuyển dụng nhân lực CNTT thì công tác đào tạo nội bộ, nâng cao nhận thức về thực hành CĐS cũng cần được chú trọng nhằm bổ sung các năng lực số mới trên toàn DN”, ông Tuấn Anh nói.
Dưới vai trò đầu tàu, bên cạnh việc xây dựng định hướng đúng đắn, lãnh đạo DN còn cần thể hiện sự cam kết, quyết tâm cao độ xuyên suốt. Các DN cũng cần chú trọng hoạt động truyền thông, đào tạo nội bộ để toàn bộ nhân sự trong tổ chức có thể hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong bức tranh CĐS “thì mới có thể CĐS thành công được”, chuyên gia tư vấn của FPT Digital chia sẻ.
Một vấn đề nữa khi CĐS đó là hiện nay nhiều DN tại Việt Nam chưa có nhận thức đúng đắn về bảo mật CNTT. Vì vậy, đứng trước các mối đe dọa an ninh thông tin ngày càng tăng, để nâng cao khả năng bảo mật, chuyên gia tư vấn CĐS của FPT Digital cho rằng không còn cách nào khác là các tổ chức, DN Việt Nam và trên thế giới cần phải “tăng ngân sách” cũng như các nguồn lực cho công tác bảo mật và liên tục cập nhật tường lửa, sao lưu dữ liệu thường xuyên, mã hóa dữ liệu,…
DN cần xây dựng các quy trình an toàn, bảo mật CNTT gắn liền với các quy trình quản trị rủi ro vận hành hàng ngày tại DN. Hơn nữa, khi sự phát triển của CĐS ở mức độ cao hơn, vấn đề bảo mật sẽ là mối quan tâm tiếp theo của DN.
Kết quả khảo sát của FPT Digital cũng cho thấy, các DN đã có nhiều kiến thức cho CĐS nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Nhiều DN chủ yếu chỉ đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra nên đã ngừng sử dụng, hoặc vẫn đang sử dụng nhưng còn gặp khó khăn, chưa thực sự thuận lợi do nhiều nguyên nhân.
Thực tế, DN cần được hỗ trợ vượt qua các thách thức về vốn, nguồn nhân lực, bảo mật CNTT,... ở hầu như tất cả giai đoạn CĐS, từ giai đoạn nền tảng ban đầu của quá trình như chuẩn hoá các quy trình hoạt động của DN, xây dựng lộ trình CĐS cho đến giai đoạn triển khai thực hiện hay tiếp nhận các giải pháp công nghệ phục vụ CĐS./.