Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 tôn vinh cơ quan nhà nước
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 có điểm mới là thay đổi hạng mục giải thưởng, chú trọng hơn đến các cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.
Bệ phóng thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các giải pháp số
Ngày 16/4/2024, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), tạp chí VietTimes chính thức phát động Chương trình bình chọn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam lần thứ 7 - Vietnam Digital Awards năm 2024 (VDA 2024).
Theo đại diện Ban Tổ chức, VDA 2024 sẽ đặc biệt tôn vinh các cơ quan nhà nước (CQNN), các doanh nghiệp (DN) thực hiện CĐS xuất sắc, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp CĐS tiêu biểu nhằm thúc đẩy xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Phát động sự kiện, TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng VDA 2024, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, chuyển đổi số (CĐS) là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, DN. Công cuộc CĐS quốc gia thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng chính phủ số, chính quyền số của các CQNN từ Trung ương tới địa phương. CQNN các cấp cần tiên phong, đi đầu trong công cuộc CĐS để phục vụ người dân và DN tốt hơn. Giải thưởng VDA phát hiện và vinh danh các CQNN, cũng như DN CĐS xuất sắc, bên cạnh các sản phẩm, giải pháp CĐS tiêu biểu.
“Tin tưởng rằng các Giải thưởng sẽ tôn vinh trong năm nay sẽ là những mô hình, giải pháp tiêu biểu đã có đóng góp thiết thực và hiệu quả cho quá trình CĐS ở nước ta”, ông Hồng cho biết thêm.
Cũng tại sự kiện, theo ông Hồ Đức Thắng, Quyền Cục trưởng Cục CĐS Quốc gia (Bộ TT&TT), năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển kinh tế số dựa trên 4 trụ cột chính: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), số hóa các ngành công nghiệp, quản trị số và dữ liệu số. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững của đất nước.
Giải thưởng CĐS Việt Nam là bệ phóng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các giải pháp số trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, bao gồm y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, cũng như sản xuất công nghiệp.
“Cục CĐS quốc gia đặc biệt đánh giá cao những cải tiến trong tổ chức giải thưởng sau 6 năm triển khai. Từ chỉ 2 hạng mục ban đầu, đến thưởng đã mở rộng thành 5 hạng mục, tạo điều kiện để nhiều DN và cơ quan hơn nữa có thể được ghi nhận và tôn vinh”, ông Thắng nói.
Ngoài ra, nhiều mô hình DN đã đạt được thành công rực rỡ từ Giải thưởng CĐS Việt Nam. Ví dụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tích cực triển khai kết nối với các nền tảng số, và đạt 100% dịch vụ trực tuyến, góp phần làm cho hoạt động của EVN trở nên hiệu quả và minh bạch hơn, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng là một ví dụ nổi bật, với doanh thu tăng trưởng 21%/năm nhờ vào việc áp dụng CĐS.
Cũng theo ông Thắng, Giải thưởng CĐS Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng DN và tổ chức, đồng thời khẳng định ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ của nó, tạo động lực cho các ngành khác nhau trong nền kinh tế áp dụng giải pháp CĐS. Điểm nổi bật của Giải thưởng là không chỉ trao giải cho những đơn vị cung cấp giải pháp CĐS xuất sắc mà còn cho cả những đơn vị triển khai ứng dụng những giải pháp này một cách hiệu quả.
Giải thưởng cũng đã ghi nhận và tôn vinh các tổ chức quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các thách thức của Việt Nam bằng giải pháp CĐS, phản ánh sự công nhận và đánh giá cao của Việt Nam đối với các DN nước ngoài trong sự phát triển kinh tế - xã hội số tại Việt Nam.
“Trong thời gian tới, tôi mong muốn VDCA mở rộng việc quảng bá giải thưởng này đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Giải thưởng này không chỉ là biểu tượng của niềm tự hào mà còn là dấu ấn của sự công nhận đối với những tổ chức, DN và cá nhân có những đóng góp xứng đáng trong lĩnh vực CĐS của Việt Nam và là niềm tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực CĐS”, ông Thắng khẳng định.
Đã tiếp cận hơn 16.000 lượt cơ quan, tổ chức, DN qua 6 mùa tổ chức VDA
Về những điểm mới của giải thưởng năm nay, theo ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Tạp chí VietTimes, Phó trưởng Ban Tổ chức giải thưởng cho biết, đầu tiên là thay đổi hạng mục các vị trí giải thưởng, trong đó hạng mục đầu tiên dành cho CQNN CĐS xuất sắc, bởi vì khi đối tượng này đi trước thì sẽ xây dựng các điều kiện, các tiêu chuẩn để DN thực hiện.
Thứ hai là điểm yếu của Giải thưởng những năm trước - giải thưởng dành cho các tổ chức nước ngoài. Để khắc phục, Giải thưởng VDA 2024 đã có sự tham gia của Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài.
“Cuối cùng là sự hỗ trợ, nuôi dưỡng với các đơn vị được giải thưởng thông qua các hoạt động truyền thông trước, trong và sau sự kiện để CQNN tiếp tục theo dõi, ủng hộ”, ông Kiên chia sẻ thêm.
VDA 2024 hưởng ứng chủ đề hoạt động năm 2024 của Ủy ban quốc gia về CĐS: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
VDA 2024 sẽ vinh danh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích CĐS xuất sắc trên 5 hạng mục: CQNN CĐS xuất sắc; DN, đơn vị sự nghiệp CĐS xuất sắc; Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc; Sản phẩm, giải pháp CĐS vì cộng đồng; Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ nước ngoài
Ban Tổ chức nhận hồ sơ trực tuyến từ ngày 16/4 đến ngày 30/6/2024 tại website chương trình ở địa chỉ: www.vda.com.vn. Sau đó, Hội đồng bình chọn sơ tuyển và Hội đồng bình chọn chung khảo sẽ làm việc để lựa chọn ra những đơn vị, sản phẩm xứng đáng nhất vinh danh trong Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 10/2024. Lễ trao giải sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia và livestream trên các nền tảng mạng xã hội lớn.
Qua 6 mùa tổ chức, Vietnam Digital Awards đã tiếp cận hơn 16.000 lượt cơ quan, tổ chức, DN trên 63 tỉnh, thành phố, thu hút gần 1.800 hồ sơ tham dự; vinh danh gần 400 cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc và các sản phẩm, giải pháp CĐS tiêu biểu./.