Giảm giờ làm, tăng năng suất bằng chuyển đổi số

Hà Linh| 26/07/2022 10:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Xu hướng của nhiều nước trên thế giới là càng ngày thời gian làm việc mỗi tuần càng giảm đi. Điều này có làm ảnh hưởng đến năng suất lao động hay không? Câu trả lời được đưa ra là có thể giảm giờ làm mà năng suất lao động vẫn tăng nhờ các giải pháp khác, trong đó quan trọng là ứng dụng công nghệ.

Làm thêm giờ không có nghĩa là năng suất lao động tăng

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội, khi còn là Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh là người khá trăn trở với câu chuyện tăng năng suất lao động. Một trong những vấn đề ông đặt ra là và kiên trì phát biểu tại diễn đàn Quốc hội là xu hướng "giảm giờ làm mà vẫn đảm bảo tăng năng suất lao động" trên thế giới. 

Theo ông, cuối thế kỷ 19, người lao động phải làm việc 10 - 16 giờ mỗi ngày, nên đã hình thành phong trào đấu tranh giảm giờ làm. Vào 1/5/1886, công nhân Chicago (Mỹ) biểu tình, đòi ngày làm việc 8 giờ và yêu cầu không giảm tiền lương. Sau đó ngày 1/5 được chọn làm ngày Quốc tế lao động.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cách đây 130 năm, doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực ôtô ở Mỹ là Herry Ford đã áp dụng ngày làm việc 8 giờ, mỗi tuần 6 ngày. "Sau đó, Herry Ford thử nghiệm ngày làm việc 8 giờ nhưng chỉ 5 ngày mỗi tuần thì năng suất không giảm mà vẫn tăng. Từ đó nhiều nước làm theo", ông Nhân nêu ra. 

Năm 1940, Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật quy định mỗi tuần người lao động chỉ làm việc 40 giờ. Những năm 1950 - 1960, nhiều nước trên thế giới cũng chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ mỗi tuần. Theo ông Nhân, đến năm 1999, Việt Nam mới chuyển sang chế độ ngày làm việc 8 tiếng, mỗi tuần 5 ngày trong khu vực nhà nước là đã "chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ". 

Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ: Từ năm 2000 đến nay, nhiều nước phát triển giảm số giờ làm mỗi tuần xuống chỉ còn 36 - 38 giờ, đơn cử "Đức là một trong những nước có năng suất lao động cao nhất thế giới, nhưng người lao động chỉ làm việc 26 giờ mỗi tuần".

Ở Việt Nam hiện nay, việc chênh lệch số giờ làm ở khu vực nhà nước (40 giờ mỗi tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ mỗi tuần) được ông Nguyễn Thiện Nhân cho là "không bình đẳng". Ông nhấn mạnh: "Không có nước nào mà luật lao động lại quy định công chức làm ít giờ, công nhân làm nhiều giờ. Hầu hết các nước chỉ quy định chung về số giờ làm cho tất cả các khu vực". 

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân,

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, "đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm". Ảnh: quochoi.vn

Vì vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, Việt Nam cần có lộ trình giảm giờ làm bình thường cho người lao động từ 48 giờ xuống 40 giờ mỗi tuần trong 10 năm; trước mắt sẽ giảm còn 44 giờ, đến sau 2030 thì giảm còn 40 giờ. "Nếu thực hiện được điều này, chúng ta vẫn đi sau thế giới 80 năm", ông nói.

"Làm thêm giờ không có nghĩa là năng suất lao động tăng. Đã có những thống kê, nếu người lao động làm hơn 40 giờ mỗi tuần thì năng suất không tăng. Muốn tăng năng suất lao động thì phải giải quyết vấn đề gốc rễ là đổi mới công nghệ.", đây là quan điểm của ông Nguyễn Thiện Nhân.

Về kinh tế, người lao động mong muốn là có thu nhập, có việc làm, có nhà và 95,4% mong muốn gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan, tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt. "Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 - 10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu. Thế giới từ bỏ điều này 133 năm nay rồi", ông Nhân từng nói trước Quốc hội.

Tăng năng suất lao động bằng đòn bẩy chuyển đổi số

Theo phân tích của ông Nguyễn Thiện Nhân, "đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm". Như vậy, với quan điểm của ông Nhân cho thấy ngay cả với việc giảm giờ làm mỗi tuần, năng suất vẫn có thể tăng nhờ đổi mới công nghệ. "Chúng ta cần xác định mục tiêu của chuyển đổi số, số hóa dữ liệu mang đến hiệu quả cuối cùng là tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp, nhà quản trị phải thấy được khi số hóa, năng suất tăng, chi phí giảm thì họ mới có động lực làm", ông Nhân nêu ý kiến.

Vẫn giữ quan điểm này khi còn là Bí thư Thành ủy TP. HCM, tại một hội nghị về chuyển đổi số, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dân số thành phố ngày càng tăng, để phục vụ tốt hơn, nhanh hơn thì chỉ có con đường tăng năng suất lao động, ứng dụng CNTT. Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin thì công chức, viên chức không đủ thời gian giải quyết công việc để về nhà lúc 6h tối với vợ con.

Ông Nhân nhận định khi ứng dụng công nghệ vào công việc, các thông tin có thể xử lý trong 1 khoảng thời gian sẽ nhiều hơn, năng suất làm việc cao hơn. Qua những giải pháp công nghệ cụ thể, doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nhận ra hiệu quả của việc chuyển đổi số, họ cần được nhìn thấy trước giải pháp và thành quả có thể đạt được. Khi họ nhìn thấy và nhận thấy hiệu quả đạt được, họ mới có động lực để thực hiện theo.

Quan điểm về việc chuyển đổi số để tăng năng suất cũng được nhiều chuyên gia chia sẻ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang bùng nổ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, sự thay đổi này được cho sẽ là một trong những giải pháp mang tính đòn bẩy giúp tăng năng suất lao động.

Nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm chuyển đổi số để tăng năng suất

Nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm chuyển đổi số để tăng năng suất

Theo nghiên cứu của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn 2020 - 2030, nếu tiến trình chuyển đổi số diễn ra như kỳ vọng, dự đoán trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số có thể đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Như vậy, có thể thấy, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng cho việc phát triển hiệu quả nền kinh tế, cải thiện và tăng nhanh năng suất lao động.

Xét về tốc độ tăng năng suất lao động, Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%). Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của ILO, vẫn thấp hơn 7 lần so với Malaysia; thấp hơn 4 lần so với Trung Quốc; thấp hơn 3 lần so với Thái Lan; thấp hơn 2 lần so với Philippines và thấp hơn 26 lần so với Singapore.

Báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO -2020) cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với Nhật Bản, ước tính khoảng 60 năm, thấp so với Malaysia khoảng 40 năm và thấp so với Thái Lan khoảng 10 năm.

Trong bối cảnh ấy, nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: "Sáng tạo về ứng dụng công nghệ thông tin là câu chuyện mang tính toàn cầu, dám ứng dụng hay không là vấn đề của lãnh đạo địa phương. Cuộc cách mạng công nghệ, phá hủy những cái đã cũ, ứng dụng, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giảm giờ làm, tăng năng suất bằng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO