Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Người ghi dấu ấn đậm nét trong nền khoa học-công nghệ vũ trụ Việt Nam

. | 26/01/2022 15:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Không chỉ là một nhà vật lý nổi tiếng, Giáo sư, Viện sĩ (GS, VS) Nguyễn Văn Hiệu còn là người khai mở nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ cao cho đất nước. Quá trình hình thành và phát triển của ngành khoa học-công nghệ vũ trụ Việt Nam ghi đậm dấu ấn

Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về những cống hiến không ngừng của GS, VS Nguyễn Văn Hiệu đối với nền khoa học-công nghệ vũ trụ nước nhà.

Tham gia đặt những viên gạch đầu tiên

Năm 1978, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu sang Liên Xô ký Hiệp định hợp tác toàn diện Liên Xô - Việt Nam.

Trong quá trình hội đàm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Bregnhiev đề xuất với Tổng Bí thư Lê Duẩn sáng kiến mời Việt Nam tham gia Chương trình hợp tác nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình của các nước xã hội chủ nghĩa do Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô chủ trì, gọi là Chương trình Intercosmos.

Thực hiện sáng kiến đó, Chính phủ Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tham gia Chương trình Intercosmos và thành lập Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ do Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu làm Phó Chủ tịch.

Trong khuôn khổ Chương trình Intercosmos, năm 1980 đến lượt phi công vũ trụ Việt Nam bay lên vũ trụ cùng với phi công vũ trụ Liên Xô. Để tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam, Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyến bay do Phó Thủ tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có 2 Phó Trưởng ban, một người phụ trách tuyển chọn và huấn luyện phi công vũ trụ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Xuân Chiêm; GS Nguyễn Văn Hiệu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ định làm Phó Trưởng ban phụ trách tổ chức thực hiện các thí nghiệm do phi công vũ trụ Việt Nam thực hiện trên tàu vũ trụ.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Người ghi dấu ấn đậm nét trong nền khoa học-công nghệ vũ trụ Việt Nam - Ảnh 2.

Lễ kỷ niệm 5 năm sau chuyến bay hữu nghị Việt Nam - Liên Xô (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu, phi công vũ trụ Phạm Tuân và một số chuyên gia Việt Nam và Liên Xô). (Ảnh: Sưu tầm)

Trong chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam có thí nghiệm quan trọng nhất là chụp ảnh đa phổ lãnh thổ Việt Nam bằng máy chụp ảnh đa phổ 6 kênh MKF-6 của Cộng hòa Dân chủ Đức khi tàu vũ trụ bay trên lãnh thổ Việt Nam. Phi công vũ trụ Phạm Tuân là người thực hiện việc chụp ảnh lãnh thổ Việt Nam bằng máy ảnh đa phổ MKF-6 này.

Để xác định ảnh hưởng của lớp khí quyển và tìm ra quy trình giải đoán chính xác những bức ảnh chụp bằng máy MKF-6 trên tàu vũ trụ, cần tiến hành đồng thời thí nghiệm trên 3 tầng: tàu vũ trụ, máy bay, và nghiên cứu thực địa trên mặt đất. Cục Đo đạc và Bản đồ quân sự được giao nhiệm vụ chụp ảnh đa phổ bằng máy ảnh MKF-6 trên máy bay, trong khi đó Viện Khoa học Việt Nam chịu trách nhiệm điều tra thực địa trên mặt đất tại các vùng được chụp ảnh đồng thời từ vũ trụ và từ máy bay.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Người ghi dấu ấn đậm nét trong nền khoa học-công nghệ vũ trụ Việt Nam - Ảnh 3.

Bảng điều khiển của máy ảnh đa phổ MKF-6. (Ảnh: Sưu tầm)

Sau chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam năm 1980, một lĩnh vực khoa học công nghệ mới là công nghệ viễn thám (tiếng Anh là remote sensing) đã hình thành ở nước ta và không ngừng phát triển suốt hơn 40 năm qua; đến nay đã đạt được trình độ khoa học rất cao và được phổ biến khá rộng rãi trên cả nước.

Công nghệ viễn thám sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất là một trong những công nghệ tốt nhất, ảnh hưởng sâu rộng nhất trong các ứng dụng của cộng nghệ vũ trụ, góp phần hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của một quốc gia được đưa ra bởi Liên hợp quốc. Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, thể hiện ở thiệt hại khoảng hơn 1% GDP mỗi năm do thiên tai, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD. Ảnh vệ tinh có thể giúp kịp thời cảnh báo chính xác hơn tình trạng bão, lũ, ngập...

Bên cạnh việc sơ tán, giảm thiệt hại về người, mỗi năm chúng ta có thể giảm thiểu 10% thiệt hại kinh tế, tương đương với 350 triệu USD… Ngoài ra, vệ tinh quan sát Trái đất còn hỗ trợ giám sát nông nghiệp, tài nguyên, giám sát lưu lượng nước, lũ lụt, giám sát hàng hải, quy hoạch lãnh thổ và đặc biệt trong an ninh - quốc phòng.

Truyền lửa đam mê về công nghệ vũ trụ cho thế hệ trẻ

Mặc dù Việt Nam đã có những hoạt động nghiên cứu bước đầu trong lĩnh vực viễn thám từ những năm 1980, nhưng các nghiên cứu làm chủ công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh, mới chỉ được bắt đầu thực hiện từ năm 2006 khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020”.

Cho đến nay, ngành khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, đáng chú ý là việc phóng 2 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, 2; 1 vệ tinh quan sát Trái đất VNREDSat-1 và các hệ thống trạm thu - trạm điều khiển vệ tinh. Riêng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã phát triển và phóng 3 vệ tinh nhỏ, gồm PicoDragon năm 2013, MicroDragon năm 2019, và NanoDragon năm 2021. Hiện quá trình xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa lạc đang được khẩn trương hoàn thành, và dự kiến trung tâm sẽ  phóng vệ tinh LOTUSat-1 lên không gian vào cuối năm 2023. Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt vào 2/2021.

Ngay khi bắt đầu thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020”, GS Nguyễn Văn Hiệu đã rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho tương lai phát triển vũ trụ Việt Nam. Năm 2008, GS Hiệu đã mời tôi phối hợp cùng với các giáo sư của Pháp lên đề án thành lập Trường Đại học Việt - Pháp (USTH) và sau đó tham gia làm đồng Chủ nhiệm Khoa Vũ trụ và Ứng dụng của trường. Hay tại Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội, nơi GS Hiệu là hiệu trưởng sáng lập, cũng đã đào tạo sinh viên chuyên ngành công nghệ vũ trụ từ năm 2007.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Người ghi dấu ấn đậm nét trong nền khoa học-công nghệ vũ trụ Việt Nam - Ảnh 4.

GS, VS Nguyễn Văn Hiệu tại buổi một buổi Tọa đàm về “Lịch sử phát triển và ước mơ vũ trụ Việt Nam” tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ngày 22/6/2017.

Hằng năm, GS Nguyễn Văn Hiệu đã giới thiệu nhiều suất học bổng Vallet cho sinh viên, nghiên cứu sinh của ngành khoa học và công nghệ vũ trụ nhằm định hướng cho các bạn trẻ tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao này. Ông cũng luôn trăn trở và mong muốn hỗ trợ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện được ý tưởng thành lập quỹ đào tạo thế hệ trẻ cho khoa học và công nghệ vũ trụ.

Bên cạnh đó, GS Hiệu đã tham gia nhiều tọa đàm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về công nghệ vũ trụ. Tại buổi các tọa đàm, giáo sư đã chia sẻ đam mê, kinh nghiệm, đồng thời cổ vũ các bạn trẻ, những nhà khoa học trẻ trực tiếp tham gia xây dựng, phát triển và đưa nền khoa học - công nghệ vũ trụ Việt Nam tiến lên đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, thực hiện mong ước của Bác Hồ kính yêu trong bức thư Người gửi đến học sinh, sinh viên toàn quốc nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đó là “đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Người ghi dấu ấn đậm nét trong nền khoa học-công nghệ vũ trụ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO