Chuyển đổi số

Gỡ bỏ những rào cản, thách thức trong quá trình chuyển đổi số

Luật sư Nguyễn Danh Huế 13/11/2024 08:55

Chuyển đổi số là một quá trình không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tóm tắt:
- Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0, giúp tối ưu
hóa nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, nhưng việc áp dụng khoa học, công nghệ còn chưa đồng bộ, gây ra nhiều hạn chế.
- Rào cản trong CĐS:
+ Nguồn lực đầu tư hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về tài chính do đại dịch và khủng hoảng kinh tế.
+ Cơ sở hạ tầng công nghệ còn yếu kém, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi.
+ Thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao.
+ Cơ chế, chính sách pháp luật chưa đồng bộ và rõ ràng, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án CĐS.
- Giải pháp:
+ Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ số.
+ Đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT.
+ Xây dựng khung pháp lý rõ ràng và đồng bộ, hỗ trợ cho CĐS.
+ Tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội và các chủ thể liên quan, khuyến khích sự hợp tác và giám sát quá trình thực hiện CĐS.
+ Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.

Việc áp dụng công nghệ số không chỉ tạo ra các cơ hội mới mà còn giúp tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia. Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế đang phát triển, việc áp dụng khoa học, công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội còn chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Vì vậy, thúc đẩy nhanh quá trình CĐS trở thành một nhiệm vụ cấp bách để phát triển kinh tế xã hội, để hội nhập quốc tế và để không bị tụt hậu trong cuộc đua toàn cầu.

CĐS - yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế

Mặc dù nhận thức về tầm quan trọng của CĐS đã được nâng cao trong các cấp lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, quá trình CĐS ở Việt Nam đang diễn ra rất chậm chạp. Tuy đã nhận thức đúng về tầm quan trọng của CĐS và có quyết tâm chính trị rất cao nhưng thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản về nguồn lực đầu tư cho CĐS, về cơ sở hạ tầng cũng như những bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến CĐS.

Trong những năm gần đây, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy CĐS. Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là một minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đưa công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội. Một số ngành, lĩnh vực đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong quá trình CĐS. Chẳng hạn, ngành ngân hàng với việc phát triển dịch vụ ngân hàng số, hay ngành y tế với hệ thống quản lý bệnh viện trực tuyến, hồ sơ sức khỏe điện tử...

Tuy vậy, thành tựu này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu phát triển của đất nước và những ngành như ngân hàng hay y tế vẫn là “những cánh chim lẻ loi” giữa bầu trời công nghệ số bao la.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với quá trình CĐS tại Việt Nam là nguồn lực đầu tư cho CĐS còn khá khiêm tốn. Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do khủng hoảng kinh tế thế giới và chiến tranh thì nguồn lực đầu tư công trong lĩnh vực CĐS còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu CĐS rất cao hiện nay.

Ở lĩnh vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp (DN) cũng đang phải vật lộn để tồn tại khi mà sức mua toàn cầu đang ở mức rất thấp, vì thế CĐS chưa phải là mục tiêu ưu tiên trong bối cảnh phải “lấy ngắn nuôi dài” làm sao để DN tồn tại được. CĐS thực sự cần một nguồn lực đầu tư rất lớn là một thách thức đang đặt ra lớn nhất hiện nay.

Một rào cản quan trọng nữa đối với CĐS ở nước ta hiện này là cơ sở hạ tầng công nghệ còn yếu kém, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, những vùng giao thông đi lại còn khó khăn. Điều này dẫn đến việc tiếp cận công nghệ số không đồng đều giữa các vùng, miền, gây ra sự bất bình đẳng trong việc hưởng lợi từ CĐS dẫn đến việc nhận thức về CĐS giữa các vùng miền còn có sự khác nhau rất lớn.

rao-can-cds.png

Ngoài ra, nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại Việt Nam còn thiếu hụt. Mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến công nghệ ngày càng tăng, nhưng chất lượng đào tạo và kỹ năng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hiện nay cả nước cũng chỉ có một số cơ sở đào tạo nhân lực về CĐS có chất lượng, việc học chưa đi đôi với “hành” nên chất lượng đào tạo còn rất nhiều hạn chế. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cũng còn chưa được chú trọng dẫn đến việc nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc CĐS.

Một yếu tố rất quan trọng nữa là cơ chế, chính sách pháp luật về CĐS còn thiếu sự đồng bộ và rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và thực hiện các dự án CĐS ở các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khối các cơ quan Nhà nước. Trong bối cảnh công cuộc phòng chống tham nhũng diễn ra rất quyết liệt như hiện nay thì việc các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, thiếu rõ ràng là một rào cản rất lớn khiến cho công cuộc CĐS diễn ra rất chậm chạp, thậm chí bị tê liệt ở nhiều ngành, nhiều địa phương.

Ví dụ như việc xác định giá một gói thầu về công nghệ làm căn cứ để tổ chức mua sắm hay đấu thầu là rất khó xác định và ranh giới giữa đúng và sai đôi khi lại hết sức mong manh, thế nên tốt nhất là không làm để giữ an toàn cho mình trong thời điểm hiện nay là tâm lý rất phổ biến.

Ngoài ra, còn nhiều những nguyên nhân khác như nhận thức về tầm quan trọng của CĐS của một bộ phận không nhỏ những người giữ những vị trí lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, vì nhận thức hạn chế nên họ không thấy được sự cần thiết và quan trọng nên họ không thúc đẩy quá trình CĐS tại ngành, địa phương mình phụ trách. Đối với khối DN ngoài nhà nước, đặc biệt là tại các DN vừa và nhỏ thì ngoài việc thiếu hụt về nguồn vốn vì đầu tư cho công nghệ số là một gánh nặng lớn, thì vấn đề an ninh mạng bảo mật dữ liệu cũng là một e ngại lớn khi triển khai CĐS.

Bên cạnh đó là tâm lý ngại thay đổi của DN và người lao động, nhiều DN còn e ngại và chưa sẵn sàng CĐS do thiếu kinh nghiệm và chưa nhận thức được đầy đủ về hiệu quả của CĐS, nhiều người lao động còn ngại tiếp cận với công nghệ mới.

Một số giải pháp khắc phục hạn chế và thúc đẩy quá trình CĐS

Để khắc phục những hạn chế hiện nay và thúc đẩy quá trình CĐS, Việt Nam cần phải thực hiện một loạt các biện pháp điều chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật. Dưới đây là một số khuyến nghị cụ thể:

Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Trước tiên cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu và các nền tảng công nghệ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho việc phát triển hạ tầng ở các vùng nông thôn, miền núi để đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ số. Muốn thực hiện được điều này thì nhà nước cần bố trí nguồn ngân sách lớn, coi chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông. Việc xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số từ cơ bản đến nâng cao, kết hợp với việc khuyến khích DN tham gia vào quá trình đào tạo sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xây dựng khung pháp lý rõ ràng và đồng bộ

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy CĐS là xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ và linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Điều này bao gồm việc hoàn thiện các quy định về bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường số và các chính sách thuế liên quan đến kinh tế số. Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào công nghệ số, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS.

Tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội và của tất cả mọi chủ thể

Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của riêng Chính phủ mà còn cần sự tham gia tích cực của các DN, tổ chức xã hội và người dân. Cần phải có cơ chế khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan, từ đó tạo ra một hệ sinh thái số toàn diện và bền vững. Chính phủ cần đảm bảo rằng các chính sách pháp luật không chỉ được ban hành mà còn được thực thi một cách hiệu quả. Việc tăng cường giám sát, kiểm tra và đánh giá quá trình thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp kịp thời phát hiện và khắc phục những bất cập.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Chính phủ cần tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số, đặc biệt là những DN có tiềm năng sáng tạo và đổi mới. Việc hỗ trợ tài chính, cung cấp không gian làm việc, và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực sẽ thúc đẩy sự phát triển của các DN này, góp phần vào quá trình CĐS quốc gia.

Như vậy để quá trình chuyển đổi diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả, cần phải có những điều chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp. Điều này không chỉ giúp tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế số. Việc xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, rõ ràng và linh hoạt, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật và nguồC công nghệ cao, sẽ là chìa khóa để Việt Nam thành công trong quá trình CĐS.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gỡ bỏ những rào cản, thách thức trong quá trình chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO