Diễn đàn

Việt Nam dẫn dắt nhiều sáng kiến về chuyển đổi số trong ASEAN

Hoàng Linh 17/10/2024 20:08

Chuyển đổi số trong ASEAN là một trong những lĩnh vực được các nước trong khu vực hợp tác chuyên sâu hơn 15 năm qua. Việt Nam là quốc gia đang chủ trì, dẫn dắt nhiều sáng kiến về chuyển đổi số trong khu vực.

Một tuần sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức tại Vientiane - Lào, ngày 17/10/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN cho các phóng viên, biên tập viên chuyên trách về ASEAN với các nội dung: Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45; phát triển kinh tế số ASEAN và nỗ lực của ASEAN trong việc hình thành và thiết lập các biện pháp hỗ trợ lao động di cư trong khu vực.

Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN

Tại Hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết ASEAN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý và giải quyết nhiều vấn đề của thế giới.

hoi-nghi-tap-huan-asean-3.jpg
Ông Triệu Minh Long: Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác.

Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN nói chung cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

“Một tuần trước, Hội nghị Cấp cao ASEAN đã được tổ chức thành công tại nước CHDC Nhân dân Lào. Sau hội nghị này, ASEAN đang ngày càng khẳng định vị trí của mình với vai trò trung tâm cùng các cơ chế hợp tác toàn diện trong khu vực”, Vụ trưởng Triệu Minh Long cho biết.

Chia sẻ về bối cảnh chung, ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết thế giới và khu vực đang biến động phức tạp, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, các điểm nóng gia tăng căng thẳng, kinh tế thế giới phục hồi nhưng nhiều rủi ro.

hoi-nghi-tap-huan-asean-5.jpg
Ông Trần Đức Bình: Sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới.

Sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN, năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng chung là 4,2%.

Vốn đầu tư FDI vào khu vực ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ). Quy mô nền kinh tế ASEAN dự kiến đứng thứ 4 trên thế giới vào năm 2030. Ở thời điểm đó, quy mô nền kinh tế số ASEAN dự báo là 2.000 tỷ USD.

Trong cơ chế hợp tác của ASEAN, có 3 trụ cột cơ bản là trụ cột về chính trị, an ninh, trụ cột về kinh tế và trụ cột về văn hóa xã hội

Theo Vụ trưởng Vụ ASEAN, kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN đang được triển khai đồng đều trên cả 3 trụ. Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN năm 2045 là “Tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.

Trong bối cảnh chung, ông Trần Đức Bình nhấn mạnh vai trò của ASEAN rất quan trọng. Các đối tác đều khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao,…

CĐS là một động lực tăng trưởng của ASEAN

Thông tin về trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2025, cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA).

hoi-nghi-tap-huan-asean-6.jpg
Bà Nguyễn Việt Chi: ASEAN đã có định hướng về CĐS là một trong những động lực tăng trưởng của khu vực trong giai đoạn hiện nay và cũng trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Việt Chi, DEFA là một trong những sáng kiến chính của Lộ trình CĐS Bandar Seri Begawan (BSBR), dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2025. DEFA sẽ thiết lập một nền tảng vững chắc để đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu

DEFA gồm 9 điều khoản cốt lõi nhằm thúc đẩy thương mại số xuyên biên giới liền mạch, an toàn, và minh bạch nhờ công nghệ và tiêu chuẩn thống nhất. Các điều khoản này dựa trên các thực tiễn tốt nhất, ý kiến từ khu vực tư nhân và quá trình thảo luận chặt chẽ với các các nước thành viên ASEAN (AMS) và cơ quan chuyên ngành. Các nước thành viên cần hiểu rõ các mức độ sẵn sàng kỹ thuật số, cấu trúc kinh tế và ưu tiên quốc gia khác nhau để tạo ra tác động

Bà Nguyễn Việt Chi cũng cho biết ngoài hợp tác truyền thống về thương mại hàng hoá, dịch vụ đầu tư, trong tương lai gần, ASEAN sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa đối thoại hợp tác trong các lĩnh vực liên ngành và liên trụ cột liên quan đến CĐS, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Về tiến trình CĐS trong ASEAN, thực hiện lộ trình BSBR đã được thông qua tại Hội nghị Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 20 vào năm 2021, bà Nguyễn Việt Chi cho biết trong những năm gần đây, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có định hướng về CĐS là một trong những động lực tăng trưởng của khu vực trong giai đoạn hiện nay và cũng trong thời gian tới. Hiện nay, có 3 sáng kiến liên quan là:

Thanh toán xuyên biên giới: Hiện ASEAN đã triển khai thành công các liên kết thanh toán mã QR xuyên biên giới song phương theo đúng khung chính sách thanh toán trong ASEAN trong hệ thống thanh toán bán lẻ xuyên biên giới;

Mã số định danh doanh nghiệp (DN) duy nhất (UBN) tương thích trong toàn ASEAN, hướng tới xây dựng một lộ trình hoàn thiện kho dữ liệu lưu trữ mà UBN cho phép các cá nhân, tổ chức, DN trong ASEAN có thể truy cập các thông tin để nhằm thuận lợi hoá thương mại, lưu thông dòng chảy thương mại trong khu vực;

DEFA - một trong những sáng kiến chính của Lộ trình CĐS hiện đang được đàm phán. “Đây được kỳ vọng sẽ thiết lập một nền tảng vững chắc để đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu, đóng vai trò một văn kiện toàn diện tổng hợp các kế hoạch hành động liên quan đến CĐS và kinh tế số thành một chiến lược toàn diện duy nhất”, bà Nguyễn Việt Chi chia sẻ.

Theo báo cáo của e-ConomySEA năm 2022, ASEAN hiện nay là khu vực được các chuyên gia đánh giá có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số cao nhất hiện nay với tỷ lệ tăng trưởng kép đạt 21% với 200 tỷ USD vào năm 2022 và thị trường TMĐT của ASEAN ước tính sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, nghiên cứu của nhóm Boston DCG, với mức độ tăng trưởng hiện nay trong ASEAN, giá trị thị trường TMĐT sẽ đạt mốc 1000 tỷ USD vào năm 2030.

Nếu DEFA hoàn tất đàm phán và được thông qua vào năm 2025, bà Nguyễn Việt Chi cho biết giá trị thị trường TMĐT trong ASEAN có thể lên tới 2000 tỷ USD vào năm 2030 và không chỉ có tác động tích cực đến các vấn đề thương mại mà DEFA còn là yếu tố liên quan đến nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử, thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân. Như vậy, DEFA được kỳ vọng là cơ sở thiết lập nền tảng vững chắc và toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu.

hoi-nghi-tap-huan-asean-4.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Việt Nam đang dẫn dắt nhiều sáng kiến về CĐS trong ASEAN

Trao đổi thêm câu hỏi của PV Tạp chí TT&TT về tình hình triển khai CĐS trong ASEAN, ông Triệu Minh Long Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết trong ASEAN có rất nhiều hoạt động chuyên sâu về CĐS, bao gồm phát triển hạ tầng số, an ninh mạng, nâng cao năng lực về phát triển các nền tảng số, chính phủ số, ứng dụng công nghệ, mạng di động mới như 5G.

Bộ TT&TT là cơ quan thường trực của Việt Nam trong lĩnh vực CĐS đang dẫn dắt nhiều sáng kiến trong ASEAN như phát triển mạng 5G.

5 năm qua, Bộ TT&TT đã chủ trì sáng kiến phát triển mạng 5G để các nước ASEAN cùng thảo luận xây dựng một hệ sinh thái, ứng dụng để thương mại hoá 5G. Sắp tới, tháng 11/2024, Bộ TT&TT tổ chức Tuần lễ số quốc tế thường niên, trong đó có một số các hoạt động liên quan về CĐS. Hội nghị phát triển mạng 5G được tổ chức lần thứ 5 của ASEAN cũng là một trong những hoạt động của Tuần lễ số lần này.

“Hàng năm, Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kỹ thuật số các nước ASEAN đều nhóm họp và CĐS là một hoạt động hợp tác chuyên sâu trong ASEAN trong hơn 15 năm qua”, ông Triệu Minh Long thông tin./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam dẫn dắt nhiều sáng kiến về chuyển đổi số trong ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO