Gót chân Asin của người khổng lồ Amazon

Quý Minh| 28/11/2019 11:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ một công ty bán sách khởi nghiệp trong một chiếc gara vào tháng 7 năm 1994, chỉ hơn 20 năm, Amazon đã vụt trở nên lớn mạnh như một nhân vật khổng lồ như trong thần thoại khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Giữa mùa hè của năm ngoái, tháng 7/2018, tài sản của Jeff Bezos - ông chủ Amazon, đã vượt mốc 150 tỷ USD đưa Jeff Bezos lên vị trí số một trong danh sách các tỷ phú thế giới. Chưa đầy 2 tháng sau đó, ngày 4/9/2018, Amazon đã chạm mốc vốn hoá một ngàn tỷ USD. Sau những sự kiện nóng hổi đó chưa được bao lâu, các phương tiện truyền thông lại có thêm tin tức nóng bỏng về cuộc ly hôn của vợ chồng Bezos.

Nhiều dự đoán đã được đưa ra, không ít giả thiết đã cho rằng công ty Amazon có thể “tan đàn sẻ nghé” bởi vụ ly hôn tỷ đô này và Jeff Bezos sẽ phải rời khỏi vị trí người giàu nhất hành tinh. Tuy nhiên những giả thiết này đã không xảy ra. Cặp vợ chồng McKenzie và Jeff Bezos đã đạt được thoả thuận ly hôn trong ổn thoả, giúp Amazon tiếp tục ổn định và phát triển, Jeff Bezos vẫn giữ vị trí người giàu nhất thế giới. Dường như thần may mắn vẫn tiếp tục mỉm cười với Amazon và ông chủ của nó.

Tuy nhiên, ngay cả nhân vật thần thoại trong chuyện cổ Hy Lạp, dũng sĩ Asin có sức mạnh vô song bách chiến bách thắng, thì cũng có gót chân là điểm yếu chết người.

Thương trường như chiến trường với vô vàn cạnh tranh khốc liệt. Thương trường thế giới đã chứng kiến không ít thăng trầm của các đại công ty và các vị tỷ phú bởi dù quy mô lớn đến đâu thì các công ty đều có thế mạnh và điểm yếu, có thành công và thất bại.

Những thất bại của Amazon

Amazon đang ở thời hoàng kim với giá trị vốn hóa trên mức 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty của tỷ phú Jeff Bezos từng có những cú vấp ngã, những thất bại dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD.

Gần đây là nhất là việc dừng cung cấp dịch vụ Amazon StoryWriter vào cuối tháng 6/2019. Dịch vụ này giúp các nhà biên kịch dễ dàng hơn trong việc tạo kịch bản. Sản phẩm của họ sẽ được gửi trực tiếp đến Amazon Studios để xét duyệt. Tuy nhiên Amazon đã thông báo công ty sẽ dừng cung cấp các tính năng của Amazon Story Writer và Amazon Story Builder từ ngày 30/6.

Điều đáng nói đó là các dịch vụ StoryWriter và Story Builder nằm trong chuỗi phát triển các dịch vụ truyền thống của Amazon, công ty vốn được khởi đầu bằng việc bán sách và việc xuất bản, phát hành sách in và sách điện tử vẫn là một mảng kinh doanh lớn hiện nay trong hệ thống của Amazon.

Cũng trong tháng 6/2019, Amazon Restaurants ngừng hoạt động tại Mỹ. Ra mắt vào năm 2015, dịch vụ Nhà hàng Amazon cung cấp thực phẩm tươi từ các nhà hàng địa phương cho khách hàng thông qua mạng lưới giao hàng trong ngày.

Sau đó, dịch vụ này được mở rộng tới 20 thành phố tại Mỹ trước khi thất bại và ngừng hoạt động vào ngày 24/6/2019. Dịch vụ này cũng ra mắt tại London vào năm 2016, tuy nhiên đã dừng hoạt động trong năm 2018.

Tháng 3/2019, Amazon tuyên bố đóng cửa tất cả 87 cửa hàng pop-up và dừng dự án này sau 5 năm triển khai. Đây là địa chỉ giúp các khách hàng quan tâm đến các thiết bị thông minh của Amazon có thể trải nghiệm tính năng sản phẩm ngoài đời thực. Giải thích về việc này, người phát ngôn của Amazon nói rằng: Sau khi xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi đã đi đến quyết định ngừng chương trình của cửa hàng pop-up. Thay vào đó, công ty sẽ mở rộng Amazon Books và Amazon 4 Sao để có thể cho khách hàng nhiều trải nghiệm và nhiều sự lựa chọn hơn.

Năm 2018, Amazon đã tạm ngừng dịch vụ Instant Pickup (nhận hàng ngay tức thì). Dịch vụ này mới ra mắt một năm năm 2017, với mục tiêu giúp khách hàng có thể nhận hàng chỉ vài phút sau khi đặt hàng. Khách hàng có thể đặt hàng từ ứng dụng Amazon và sử dụng mã vạch để truy cập tại các địa điểm Pickup được chỉ định.

Sau đó, một nhân viên của Amazon sẽ vận chuyển hàng hóa cần thiết đến các điểm Pickup trong vòng vài phút sau khi nhận được lệnh đặt hàng từ khách hàng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi ra mắt, dịch vụ này đã tạm ngừng.

Năm 2017, Amazon đã tuyên bố đóng cửa Quidsi. Năm 2010, Amazon mua lại Quidsi với giá 545 triệu USD. Quidsi – được thành lập bởi Marc Lore và Vinit Bharara – là công ty mẹ của tập đoàn thương mại điện tử Diapers.com, sau đó được mở rộng thành Soap.com, Wag.com, BeautyBar.com, Casa.com và YoYo.com. Sau 7 năm khai thác, Amazon cho biết họ không thu được lợi nhuận từ Quidsi. 

Một ứng dụng khác là MyHabit.com đã bị đóng cửa trong năm 2016. Khi ra mắt năm 2011, MyHabit.com được xem là website flash-sale của Amazon, tuy nhiên nó cũng chỉ hoạt động được 5 năm. Amazon thông báo công ty quyết định đóng cửa MyHabit nhằm đơn giản hóa các lựa chọn mua sắm cho khách hàng và không cho phép người truy cập trang MyHabit.com chuyển tới trang Fashion của Amazon.com.

Amazon Webstore: cũng đã từng được xem là nền tảng tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiết lập cửa hàng trực tuyến của riêng họ. Tuy nhiên, năm 2015 Amazon tuyên bố ngừng dự án này và tiến hành hợp tác với Shopify để có thể tiếp tục phục vụ các khách hàng có nhu cầu sử dụng kiểu dịch vụ như vậy.

Amazon Destination: Ngoài mua sắm trực tuyến, Amazon cũng có một trang web đặt phòng khách sạn có tên Amazon Destination. Dịch vụ này dành cho khách hàng có nhu cầu tìm kiếm một nơi nghỉ chân nhanh chóng tại các thành phố lớn như New York hay Seattle. Tuy nhiên, nền tảng này cũng bị nhanh chóng bỏ qua chỉ sau 6 tháng hoạt động. Ra mắt vào tháng 4/2015, Amazon Destination đã dừng hoạt động vào tháng 10 cùng năm đó.

Cũng trong năm 2015, trang web “giao dịch hàng ngày” Amazon Local ngừng hoạt động. Không có gì đáng ngạc nhiên về sự kết thúc của Amazon Local, bởi lẽ 2 trang web hoạt động tương tự là Groupon và LivingSocial đã chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục vào thời kỳ đầu và sau đó lao dốc không phanh sau một thời gian.

Ví Amazon: Ra mắt vào năm 2014, đây là một ứng dụng Android giúp lưu trữ thẻ quà tặng và thẻ khách hàng thân thiết cho các cửa hàng khác nhau. Tuy nhiên, ứng dụng này bị dừng hoạt động vào năm 2015, chỉ 6 tháng sau khi ra mắt.

Fire Phone: Về cơ bản, đây là một máy tính bảng Fire dưới dạng điện thoại, được tỷ phú Jeff Bezos giới thiệu vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, sản phẩm bị khách hàng chê do giá đắt và thiếu tính năng. Sau đó, Amazon giảm giá Fire Phone từ 200 USD xuống chỉ còn 0,99 USD đi kèm hợp đồng 2 năm với nhà mạng AT&T. Năm 2015, một năm sau khi ra mắt, Amazon ngừng sản xuất điện thoại này.

Vào tháng 10 cùng năm, báo cáo tài chính của Amazon cho biết Fire Phone khiến hãng lỗ 170 triệu USD. Tuy nhiên, đợt cháy rừng Amazon gần đây đã tình cờ khiến Fire Phone của Amazon trở thành một cái tên được tìm kiếm rất nhiều, do sự trùng lặp chữ nghĩa. Không rõ rằng bao nhiêu người tìm kiếm thông tin về cháy rừng Amazon đã mua loại điện thoại này.

WebPay: Dịch vụ thanh toán điện tử được coi là phiên bản PayPal của Amazon. Ra mắt năm 2009, dịch vụ này ngừng hoạt động năm 2014. Sau đó nền tảng này được chuyển đổi thành Amazon Pay, dich vụ hỗ trợ thanh toán giữa người mua hàng và thương gia.

Trước đó, một dịch vụ hỗ trợ thanh toán khác là Amazon PayPhrase bị ngừng hoạt động trong năm 2012. Với PayPhrase, khách hàng của Amazon có thể tạo ra một chuỗi ký tự mà họ sẽ nhập mỗi khi muốn thanh toán nhanh chóng. Chuỗi này sẽ được gắn với một tùy chọn và địa chỉ thanh toán được chọn trước. Theo đó, khách hàng chỉ cần nhập các ký tự và mã PIN, tương tự như Amazon 1-Click. Ra mắt năm 2009, dịch vụ này ngừng hoạt động vào năm 2012.

Nền tảng bán lẻ thời trang trực tuyến Endless.com được khai trương vào năm 2007, tập trung vào bán giày và phụ kiện. Năm 2012, Amazon đóng cửa Endless.com. Khách hàng khi truy cập vào trang web này sẽ được chuyển hướng đến Amazon.com/f Fashion.

Ngoài ra còn có một số ứng dụng dịch vụ khác đã được Amazon tung ra với nhiều kỳ vọng rồi buộc đóng cửa hoặc tìm cách chuyển hướng khắc phục sau một thời gian do kém hiệu quả.  Ngay tại thời điểm này là Whole Food 365, một công ty con thuộc sở hữu của Amazon, không phát triển thêm cửa hàng nào dưới thương hiệu 365.

Chuỗi cửa hàng này được thiết kế nhằm phục vụ cho những khách hàng trẻ tuổi với các sản phẩm, nhãn hiệu gần gũi và phù hợp với túi tiền. Lý do được Amazon đưa ra cho sự việc này là do sự chênh lệch giá có xu hướng giảm dần giữa cửa hàng 365 và cửa hàng Whole Food bình thường.

Amazon Dash là thiết bị điện tử nhỏ gọn được làm bằng nhựa, có thiết kế như một tấm thẻ, bên trên có một nút bấm kết nối với mạng Wifi, các nút có thể được gắn trong tủ hoặc trên máy giặt của gia đình.

Nút Dash được lập trình để khi người dùng bấm vào đó, nó sẽ tự động thực hiện việc đặt một món hàng đã định trước từ Amazon, giúp việc mua hàng của người dùng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Khi được tung ra thị trường vào năm 2015, nút Dash có giá 4,99 USD. Nút đặt mua hàng tự động Amazon Dash từng được coi là một cuộc cách mạng trong công nghệ mua sắm.

Tuy nhiên, mới đây Amazon thông báo ngừng bán nút đặt hàng tự động này vì khách hàng dùng những cách khác khác để mua hàng.

Sự cạnh tranh khốc liệt từ Walmart

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Walmart và Amazon để giành vị trí hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Sau khi mua lại Jet.com để thúc đẩy các nỗ lực thương mại điện tử của mình trong năm 2016, Walmart đã bắt đầu tăng tốc để chuyển đổi từ một ông lớn ngành bán lẻ sang các đối tác tập trung vào công nghệ. Những thoả thuận này bao gồm một lần hợp tác với Waymo của Alphabet để cung cấp các chuyến đi đến các cửa hàng.

Họ cũng đã hợp tác với Rakuten của Nhật để có đầu đọc điện tử Kobo; hợp tác với Uber, Lyft và Postmates để cung cấp các dịch vụ giao hàng tạp hoá, v.v...Walmart đã có những thay đổi để không bị tụt hậu so với đối thủ, đặc biệt là về mặt công nghệ.

Tháng 7/2018, Walmart đã công bố rằng họ sẽ chuyển toàn bộ hoạt động đám mây sang Microsoft Azure và Office 365, và sẽ làm việc với Microsoft trong các dự án trí tuệ nhân tạo trong một thoả thuận 5 năm. Microsoft hiện đang là đối thủ chính của Amazon trong ngành công nghiệp điện toán đám mây. Quan hệ đối tác với Microsoft có thể sẽ giúp mở ra những cửa hàng bán lẻ truyền thống mà không có thu ngân để cạnh tranh với cửa hàng Amazon Go.

Tiến thêm một bước mới nữa về công nghệ, hãng Walmart đã bắt tay Google mang đến hình thức mua hàng thông qua hỗ trợ giọng nói. Walmart sẽ kết hợp các sản phẩm của mình với Google Express. Qua đó, người tiêu thụ có thể đặt hàng bằng giọng nói, và có những gợi ý riêng dựa vào các đơn đặt hàng trước đó.

Công cụ này có thể coi là đối thủ trực tiếp của công cụ hỗ trợ giọng nói Alexa của Amazon. Walmart đang nhắm đến việc mở rộng khả năng mua sắm bằng giọng nói trong năm tới, và mang dịch vụ này đến 4.700 cửa hàng của mình. Đây là sự hợp tác được kỳ vọng mang lại lợi ích lớn cho cả Walmart và Google.

Thế mạnh của Google trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo có thể đảm bảo dịch vụ mua sắm có chất lượng tốt. Họ cũng hướng tới việc mở rộng phát triển loa thông minh trong nhà, cạnh tranh với Echo của Amazon.

Chưa dừng lại ở đó, Walmart đang phát triển trí khôn nhân tạo (AI - artificial intelligence) cho dịch vụ mua sắm bằng tin nhắn Jetblack để cạnh tranh với các dịch vụ mua sắm trực tuyến của Amazon. Đây được xem là vũ khí quan trọng của Walmart trong cuộc chiến giành thị phần mua sắm trực tuyến và đã có hàng trăm cư dân thành phố New York chấp nhận trả 600 USD phí thành viên một năm cho Jetblack để có thể đặt mua bất cứ thứ gì bằng cách nhắn tin. Trong vòng từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ các món đồ đặt mua từ tã giấy cho đến giày dép, trừ thực phẩm tươi sống, sẽ được đưa đến tận nhà của khách hàng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng Jetblack. Để có thể trở làm thành viên của dịch vụ mua sắm này, khách hàng phải nhận được lời mời từ Walmart hoặc từ các thành viên khác của Jetblack. Những khách hàng của Jetblack chủ yếu là giới mua sắm giàu có ở thành phố New York City.

Rõ ràng là sự cạnh tranh đã khiến những công ty lớn nhất thế giới phải xem xét lại những giá trị cốt lõi của họ. Doanh số bán năm 2018, của Walmart là $514 tỷ trong đó chỉ 9.7% là từ mua sắm trực tuyến. Còn doanh số của Amazon lại chủ yếu đến từ mua sắm trực tuyến, khoảng 233 tỷ USD.

Việc Walmart đã hợp tác với các công ty công nghệ để cạnh tranh với Amazon và tạo ra những bước tiến trong các thị trường mà có tiềm năng sẽ trở nên quan trọng trong tương lai. Walmart tin tưởng rằng họ có thể trở nên đủ nhanh nhạy để cạnh tranh với Amazon và không hề thua kém về công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ.

Đâu là gót chân Asin của Amazon?

Trong truyện cổ Hy lạp, dũng sĩ Asin là nhân vật á thần có sức mạnh vô song. Mỗi khi sức lực cạn kiệt, Asin chỉ cần chạm gót chân xuống đất là lại được thần linh truyền cho sức mạnh huyền thoại để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Gót chân chính là điểm duy trì sức mạnh và cũng là điểm yếu của Asin.

Trong việc đầu tư và kinh doanh cũng có điểm tương tự: nơi nào và khi nào có lợi nhuận cao thì độ rủi ro cũng cao,  đó là quy luật tương quan giữa rủi ro và lợi nhuận. Điểm yếu và điểm mạnh luôn song hành và nhiều khi ở cùng một vị trí. Những doanh nhân thành đạt luôn nắm chắc điều này, biết rõ đâu là yếu điểm cần bảo vệ, đâu là thế mạnh để củng cố duy trì phát huy.

Ông chủ của Amazon, Jeff Bezos, không dấu diếm việc ông đầu tư rất lớn để phát triển các công nghệ vũ trụ thông qua công ty hàng không vũ trụ Blue Origin. Đối với Jeff Bezos, việc đầu tư này rất quan trọng đối với hành tinh trái đất và các thế hệ tương lai. Theo ông, phát triển công nghệ vũ trụ là điều cần thiết cho tương lai lâu dài, loài người chúng ta phải lên vũ trụ nếu chúng ta muốn tiếp tục duy trì một nền văn minh thịnh vượng. Bezos nhấn mạnh: “Dân số đang ngày càng tăng lên và hành tinh này tương đối nhỏ.

Ngoài ra, còn có những thứ như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường hay công nghiệp nặng. Chúng ta đang phá hủy hành tinh này”. Thảm họa cháy rừng Amazon ở Brazil và gần 200 tỷ tấn băng ở Greenland tan chảy trong mùa hè 2019 là minh chứng rõ rệt cho nhận định của ông chủ Amazon.  

Theo dự định của Jeff Bezos, công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của ông sẽ đưa những nguyên liệu thô sơ lên vũ trụ để tiến hành lắp ráp và sản xuất những thứ phức tạp trong không gian rồi sau đó sẽ gửi những thứ này trở lại trái đất. Với cách này, nhân loại sẽ không còn cần các nhà máy lớn hay các ngành công nghiệp gây ra sự ô nhiễm trên trái đất.

Bezos nói: “Chúng ta cần bảo vệ hành tinh của chính mình” và “Mọi người sẽ có thể sống ngoài không gian nếu họ muốn” Trên kênh truyền hình CBS, Bezos cho biết, “Điều này có thể sẽ mất hàng trăm năm, nhưng Blue Origin đang phát triển những công nghệ để biến nó thành hiện thực”.

Mặc dù biết rằng đầu tư cho nghiên cứu không gian, biến dự định nói trên thành hiện thực là một hành trình rất dài, nhiều nguy hiểm và đầy rủi ro, nhưng Jeff Bezos vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch của mình.

Điều này là rất khác biệt với cách đầu tư của tỷ phú Bill Gates và tỷ phú Warren Buffett. Cả hai tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett đều dành những khoản tiền lớn để làm từ thiện và để duy trì sự ổn định bền vững cho tài sản của mình, hiện nay họ đang đầu tư vào lĩnh vực của nhau. Điển hình là ông chủ của Microsoft sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu BRK.B, cổ phiếu công ty Berkside Hathaway của Warren Buffett.

Ở chiều ngược lại, tỷ phú Warren Buffett gần đây đã phá bỏ tiền lệ trước đây là chỉ đầu tư vào các công ty tài chính và các ngân hàng để chuyển sang đầu tư cho Apple và một vài công ty công nghệ khác. Sự đầu tư của Gates và Buffett có thể nói là rất an toàn, ít rủi ro và lợi nhuận cũng không hề nhỏ.

Quay trở lại với Amazon và ông chủ của nó, rõ ràng Blue Origin là một sự đầu tư đầy mạo hiểm và rất nhiều rủi ro của Jeff Bezos. Tuy nhiên, không có sự thành công to lớn nào mà không có rủi ro và thất bại trước đó. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, đế chế Amazon ngày càng hùng mạnh là bởi Jeff Bezos khẳng định Amazon có văn hóa chấp nhận thất bại, thậm chí coi thất bại là điều cần thiết để đi đến thành công.

“Tôi từng vứt đi hàng tỷ USD sau những lần thất bại tại Amazon”, Jeff Bezos cho biết. Việc đem phần lớn lợi nhuận từ Amazon đầu tư vào Blue Origin rất có thể sẽ thất bại. Tuy nhiên lợi ích mà nó có thể mang lại sẽ là vô cùng lớn, vô cùng có ý nghĩa không chỉ đối với Bezos mà với cả chúng ta, những người đang sống trên hành tinh trái đất này.

Quả thật, những rủi ro của việc đầu tư vào không gian là không thể lường trước, rất có thể sự đầu tư đó sẽ lấy đi phần lớn lợi nhuận của Amazon và khiến cho công ty này tuột dốc, khiến Jeff Bezos mất vị trí tỷ phú số 1 cùng nhiều tỷ USD. Rất có thể đó chính là gót chân Asin của Amazon và ông chủ của nó.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào không gian của Jeff Bezos cũng có thể sẽ đem đến những lợi ích và lợi nhuận trong tương lai vô cùng to lớn, không thể nào đo đếm được ở thời điểm này.

Bài đăng kỳ in Tạp chí Thông tin và Truyền thông - Bưu chính, Viễn thông và CNTT tháng 9/2019

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gót chân Asin của người khổng lồ Amazon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO