GoTo tạo cuộc chiến ba bên cho sự thống trị công nghệ Đông Nam Á?

HL| 24/05/2021 11:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Hai kỳ lân công nghệ Gojek và Tokopedia vừa công bố sáp nhập trong một thương vụ gây tiếng vang trong khu vực và thế giới và được xem là có tác động lớn đối với không gian công nghệ ở Đông Nam Á khi cả hai nắm giữ nhiều hoạt động từ gọi xe, giao đồ ăn đến thanh toán số và mua sắm trực tuyến.

Cuộc chiến "tay ba" trong không gian công nghệ Đông Nam Á

Theo tờ Nikkei Asia Review, cùng với các công ty đa quốc gia Grab, Sea của Singapore, việc sáp nhập Gojek-Tokopedia thành GoTo được dự báo có thể thiết lập cuộc chiến ba bên cho sự thống trị không gian công nghệ ở Đông Nam Á.

Tờ báo này so sánh: hãy tưởng tượng nếu gã khổng lồ thương mại điện tử (TMĐT) của Mỹ là Amazon, công ty giao đồ ăn DoorDash và ứng dụng đặt xe Uber Technologies cùng liên minh. Đó là tiềm năng mà quan hệ đối tác Gojek-Tokopedia mang lại cho Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới và là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất.

Gojek có hơn 2 triệu tài xế đã đăng ký chạy xe ôm và taxi, trong khi Tokopedia là một trong những công ty TMĐT hàng đầu của Indonesia. "Các lái xe của Gojek sẽ cung cấp nhiều gói Tokopedia hơn nữa. Và "các đối tác thương mại thuộc mọi quy mô sẽ được hưởng lợi từ các giải pháp kinh doanh được tăng cường", đồng Giám đốc điều hành của Gojek, Andre Soelistyo cho biết trong thông báo về việc sáp nhập.

Các công ty sẽ tận dụng tối đa mối quan hệ đối tác của họ tại một thị trường với 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Nếu thành công, GoTo có thể tạo ra một dịch vụ logistics và TMĐT mà Amazon có thể ghen tị.

Tuy nhiên, không gian công nghệ của Đông Nam Á đang bị cạnh tranh gay gắt và việc hình thành GoTo sẽ càng làm cho không gian này khốc liệt hơn. Gojek đang đối đầu gay gắt với Grab, trong khi Tokopedia đang cạnh tranh với Sea, công ty đã nhanh chóng mở rộng thị phần TMĐT khắp Đông Nam Á, bao gồm cả Indonesia. Các công ty cũng đang trong cuộc chiến ba bên để giành ưu thế về thanh toán số trên toàn khu vực.

Gojek và Grab đang trong một cuộc chiến đối đầu đặc biệt khốc liệt để đưa người dùng vào hệ sinh thái "siêu cấp" tương ứng của họ. Về lý thuyết, điều này sẽ khiến các công ty khó có thể cùng tồn tại trong cùng một thị trường, vì chiến lược này đòi hỏi phải thu hút được lượng người dùng lớn nhất có thể. Gojek và Grab năm ngoái đã tổ chức các cuộc thảo luận sáp nhập để khắc phục vấn đề này nhưng không thống nhất được tỷ lệ sở hữu cổ phần của một pháp nhân kết hợp.

GoTo mới ra mắt tạo cuộc chiến ba bên cho sự thống trị công nghệ Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Một lái xe Gojek giao một gói hàng Tokopedia ở Jakarta. Sự hợp nhất này tạo ra công ty công nghệ lớn nhất ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới và Đông Nam Á. Ảnh: Gojek Indonesia.

Trên mặt trận TMĐT, Tokopedia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Sea, công ty Singapore điều hành Shopee, nền tảng TMĐT được truy cập nhiều nhất ở Indonesia, theo công ty nghiên cứu của iPrice. Còn theo Ipsos Indonesia, ShopeePay là dịch vụ thanh toán số được sử dụng nhiều nhất trên toàn quốc, mặc dù xếp hạng có xu hướng khác nhau giữa các nhà nghiên cứu.

Liệu có chỗ cho "tay ba"?

Shirley Wong, doanh nhân tại Viện Sáng tạo & Doanh nhân SMU, đồng thời là đối tác quản lý tại TNF Ventures cho biết: "Bất chấp sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong việc ứng dụng số trên khắp Đông Nam Á và tầng lớp trung lưu đang tang lên thì vẫn còn chỗ cho sự mở rộng".

"Theo thời gian, nhiều khả năng thị trường Đông Nam Á sẽ bị độc quyền bởi một số ứng dụng siêu thị trường. Tuy nhiên, do sự đa dạng của văn hóa và thói quen người tiêu dùng, chúng ta có thể thấy một số điểm không đồng nhất trong các ứng dụng chiếm ưu thế ở các quốc gia khác nhau".

Bà cho biết, một trong những thách thức lớn hơn đối với GoTo và các công ty khác sẽ là sự khác biệt hóa.

Nirgunan Tiruchelvam, Trưởng bộ phận nghiên cứu công bằng người tiêu dùng tại Tellimer Research cho rằng các công ty có thể cùng tồn tại trong khu vực. "Có một thị trường rộng lớn ở Đông Nam Á với 650 triệu dân và chúng ta mới chỉ chạm vào bề nổi của nền kinh tế số".

GoTo mới ra mắt tạo cuộc chiến ba bên cho sự thống trị công nghệ Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Thị trường thương mại số Đông Nam Á đông đúc: các chiến tuyến mới đang được các startup và các công ty hậu thuẫn.

Theo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, lên 300 tỷ USD vào năm 2025 so với năm 2020.

Nhưng Tiruchelvam cũng cho biết sẽ mất "một vài năm để các đối thủ đạt đến điểm uốn, thời điểm việc "đốt tiền" dừng lại và khi các công ty này có lãi. Nếu bạn nhìn vào lịch sử của Alibaba và Amazon, có một điểm uốn nhất định - chúng ta vẫn chưa hiện diện ở đó".

Trong thời gian chờ đợi, ông cho biết, các công ty sẽ tiếp tục chi tiền để nắm bắt tăng trưởng, đồng thời nói thêm rằng Gojek và Tokopedia nên tìm kiếm các cơ hội tiết kiệm chi phí khi đã sáp nhập.

Cả ba công ty đều đang đầu tư mạnh để bổ sung thêm các dịch vụ mới và mở rộng các dịch vụ này ra khắp Đông Nam Á. Ví dụ, Grab đã bổ sung 6 dịch vụ, như dịch vụ tài chính số, kể từ năm 2019 và đang gấp rút đưa các dịch vụ vào các quốc gia như Philippines và Thái Lan. Chi phí hoạt động năm 2021 của Sea đã tăng hơn gấp đôi trong quý đầu tiên khi công ty chi lớn cho tiếp thị để cạnh tranh với các đối thủ của mình.

Nhu cầu liên tục về tiền mặt đang thúc đẩy Grab và GoTo theo đuổi việc lên sàn chứng khoán (IPO). Vài tuần trước khi thương vụ của Gojek và Tokopedia công bố, Grab tuyên bố sẽ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) để huy động 4,5 tỷ USD. Sea, đã được niêm yết tại New York, có giá trị vốn hóa thị trường hơn 100 tỷ USD.

GoTo cũng sẽ theo đuổi đợt IPO vào cuối năm nay để khai thác thị trường đại chúng nhằm huy động tiền mặt nhằm cạnh tranh với các đối thủ, với các nguồn tin cho biết họ có ý định huy động số tiền tương tự như Grab.

Chủ tịch Tokopedia Patrick Cao, người giữ chức chủ tịch GoTo, cho biết công ty sẽ theo đuổi IPO "để có thể huy động thêm vốn đầu tư vào việc phục vụ khách hàng và mở rộng quy mô của chúng tôi".

Là các công ty tư nhân, Nikkei Asia Review nhận định Grab, Gojek và Tokopedia đã có thể dựa vào các nhà đầu tư dài hạn, có túi tiền lớn như SoftBank, những người không ngại chấp nhận các rủi ro.

Tuy nhiên, phát hành cổ phiếu ra công chúng có nghĩa là các tập đoàn công nghệ có giá trị nhất Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với một loạt tiêu chí khác khi họ chiến đấu để giành được đầu tư của nhà đầu tư. Câu hỏi cơ bản, rõ ràng nhất: Khi nào họ có lãi?

Vì các công ty đã ưu tiên tăng thị phần và tăng trưởng doanh thu, nên Grab, Gojek, Tokopedia và thậm chí Sea đã không tạo ra lợi nhuận. Grab cho biết thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao sẽ không khả quan cho đến năm 2023, trong khi khoản lỗ ròng của Sea cho năm 2020 tăng lên 1,62 tỷ USD từ 1,46 tỷ USD một năm trước đó.

Việc niêm yết theo kế hoạch của Grab và GoTo sẽ là một bài kiểm tra đáng kể về cách thị trường đại chúng nhìn nhận về triển vọng tăng trưởng và rủi ro của mỗi công ty. Sea, công ty Internet niêm yết công khai đáng chú ý duy nhất trong khu vực, đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần 5 lần vào năm ngoái, phần nào phản ánh sự khan hiếm các cơ hội đầu tư thay thế ở Đông Nam Á. Sau khi Grab và GoTo tham gia giao dịch công khai, các nhà đầu tư sẽ có thể so sánh hiệu quả hoạt động của từng công ty mỗi quý và đánh giá của họ sẽ nhanh chóng được phản ánh trong các biến động giá cổ phiếu.

Cơ cấu quản trị của mỗi công ty cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Theo hồ sơ của SPAC Altimeter Growth, nơi Grab sẽ hợp nhất để niêm yết, Giám đốc điều hành Grab Anthony Tan, đồng sáng lập Tan Hooi Ling và chủ tịch Ming Maa sẽ có cổ phiếu loại B, có nhiều quyền biểu quyết hơn. Vì vậy, trong khi họ sẽ nắm giữ 3,3% tổng số cổ phiếu, họ sẽ kiểm soát 60,4% quyền biểu quyết có trọng số.

Điều này có thể đẩy nhanh quá trình ra quyết định, nhưng cũng có thể dẫn tới sự chỉ trích từ các nhà đầu tư sau khi công ty niêm yết cổ phiếu. Các cơ cấu cổ phần kép, trong khi không hiếm các công ty công nghệ toàn cầu, thường bị chỉ trích vì không cung cấp quyền bình đẳng cho tất cả các cổ đông. Các sàn giao dịch Hồng Kông và Singapore chỉ cho phép các công ty có cơ cấu cổ phần như vậy IPO vào năm 2018.

GoTo mới ra mắt tạo cuộc chiến ba bên cho sự thống trị công nghệ Đông Nam Á? - Ảnh 3.

Tập đoàn công nghệ Singapore Grab đã bổ sung 6 dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ tài chính số, kể từ năm 2019 và đang gấp rút đưa chúng vào các quốc gia như Philippines và Thái Lan. Ảnh: Grab.

Cơ cấu cổ phần của GoTo thậm chí còn phức tạp hơn. Sau khi hợp nhất, các cổ đông của Gojek nắm giữ khoảng 58% cổ phần của tập đoàn mới, theo hồ sơ gửi lên chính quyền mới đây, trong khi Tokopedia có 42%. SoftBank của Nhật Bản và Alibaba của Trung Quốc, những cổ đông lớn nhất của Tokopedia trước khi sáp nhập, hiện nắm giữ cổ phần hàng đầu trong GoTo, lần lượt là 15,3% và 12,6%.

Ngoài ra còn gã khổng lồ công nghệ của Mỹ là Google, nhà đầu tư nhà nước của Singapore, Temasek và các cổ đông khác bao gồm Facebook, công ty cổ phần tư nhân toàn cầu KKR, Tập đoàn Astra International của Indonesia và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent.

Yếu tố nào để quyết định "nhà vô địch" trong cuộc đua công nghệ giá cao

Nhìn lại những ngày đầu của Amazon có thể giúp dự đoán tương lai của bối cảnh công nghệ Đông Nam Á. Được thành lập vào năm 1994, Amazon ra mắt Nasdaq vào năm 1997 và nhanh chóng trở thành "con cưng" của dot-com. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của nó sụt giảm khi bong bóng vỡ, và công ty bám trụ để tồn tại, không báo cáo lợi nhuận ròng cả năm cho đến năm 2003 - 9 năm sau ngày thành lập. Nhiều công ty dot-com khác đã ngừng kinh doanh, chưa bao giờ thu được lợi nhuận.

Gojek và Tokopedia đã có tuổi đời hơn một thập kỷ và Grab đã tổ chức lễ kỷ niệm 9 năm thành lập vào năm nay. Tăng trưởng cho đến thời điểm này được thúc đẩy bởi nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ cổ phần tư nhân và các nhà đầu tư chiến lược.

GoTo, Grab và Sea có thể sớm phải chứng minh với các nhà đầu tư rằng họ có một mô hình kinh doanh bền vững, tăng trưởng cao - yếu tố quan trọng nhất để quyết định doanh nghiệp nào sẽ trở thành nhà vô địch trong cuộc chiến công nghệ giá cao ở Đông Nam Á

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
GoTo tạo cuộc chiến ba bên cho sự thống trị công nghệ Đông Nam Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO