Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử

Đỗ Thêu| 28/07/2022 08:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử (CQĐT), đưa thành phố dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực. Thời gian vừa qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng nền tảng CQĐT.

Đi vào đời sống

Nhằm xây dựng nền tảng CQĐT, thời gian qua, Hà Nội đã bàn thảo xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề này. Theo đó, thành phố đã ban hành 22 danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL); Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, ngày 28/7/2020 của Chính phủ, quy định về CSDL hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2021; Kế hoạch Phát triển hạ tầng Bưu chính - Viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số (CĐS) thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Vào tháng 9/2021, UBND thành phố phê duyệt Kiến trúc CQĐT thành phố Hà Nội - xây dựng theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam phiên bản 2.0 với tầm nhìn "Đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng CQĐT Hà Nội, đưa thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển CQĐT, tạo tiền đề phát triển chính quyền số, thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực". 

Đồng thời, thành phố đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT thành phố Hà Nội để bảo đảm công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động xây dựng CQĐT, chính quyền số thông suốt, liên tục, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của CQĐT, chính quyền số.

Trên cơ sở pháp lý đã ban hành, CQĐT bước đầu phát huy hiệu quả trong đời sống. Bên cạnh các hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi như dân cư, doanh nghiệp (DN), bảo hiểm... được duy trì, khai thác hiệu quả, thành phố đã ban hành các văn bản, kế hoạch để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và DN đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử...

Thành phố tiếp tục duy trì Cổng Dịch vụ công (DVC) thành phố và các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của thành phố; tiếp tục triển khai cung cấp cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp 1.685 thủ tục hành chính (gồm các dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.217 thủ tục hành chính (TTHC), DVCTT mức độ 4 là 468 TTHC.

Việc giải quyết hồ sơ TTHC, DVCTT các cấp trên thành phố thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). Hà Nội cũng đã tích hợp 444 DVCTT lên Cổng DVC quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Người dân tiếp cận TTHC dễ dàng hơn qua ứng dụng CNTT

Tiếp tục đẩy mạnh

Mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng việc phát triển, ứng dụng CNTT tại Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố, vẫn còn một số hạn chế. Một số hệ thống thông tin mới chỉ phát triển theo chiều rộng, triển khai còn rời rạc, nhỏ lẻ, chưa có tính tổng thể, đồng bộ; vẫn thiếu các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng CQĐT; chưa có cơ chế xác thực hồ sơ DVCTT mức độ 3, 4; chưa có chuyên gia giỏi về CNTT.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT gắn với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, trên cơ sở lấy người dân và DN làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CQĐT; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội cần chú trọng thực hiện một số giải pháp. Trong quá trình tham mưu, triển khai ứng dụng CNTT, phải thường xuyên so sánh, đối chiếu với các thành phố, các quốc gia khác, từ đó có định hướng đầu tư, tránh lãng phí các nguồn lực. Hà Nội cũng cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN ở thành phố Hà Nội, để thực hiện thành công khâu "đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư". 

Đồng thời, CQNN cần hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Ngoài ra, Hà Nội cần bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai CQĐT tại địa phương./.

Bài liên quan
  • Bưu điện vận động 80.000 người tham gia BHXH tự nguyện tại TP. Hà Nội
    Phát huy khí thế của ngày ra quân, các Bưu điện trung tâm trên địa bàn TP. Hà Nội quyết tâm hoàn thành mục tiêu, phấn đấu 31/12/2024 phát triển được trên 80.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO