Hà Nội hướng tới xây dựng thành phố thông minh

Đỗ Thêu| 29/07/2022 06:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Với mục tiêu trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” năm 2030, hiện nay Hà Nội tập trung xây dựng nhiều khu đô thị thông minh (ĐTTM). Đây là cơ sở quan trọng tạo diện mạo mới cho thủ đô đồng thời nâng cao đời sống của người dân.

Bước đầu hình thành

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, các sở, ngành, UBND quận, huyện của thành phố (TP) đã và đang tích cực triển khai bước đầu trong việc xây dựng các khu ĐTTM. Trong đó, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại quận Nam Từ Liêm do Công ty CP đầu tư xây dựng Thái Sơn là nhà đầu tư thực hiện đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất (đạt khoảng 70% khối lượng).

Đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh do Công ty CP Trung tâm hội trợ triển lãm Việt Nam là nhà đầu tư thực hiện. Dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2792/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 và đang thực hiện công tác GPMB (đạt khoảng 80%). Hiện, nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục về giao đất.

Một trong những ĐTTM mang tầm cỡ quốc tế, có quy mô lớn đang được TP. Hà Nội đốc thúc triển khai là dự án thành phố thông minh (TPTM) tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh do Liên danh các nhà đầu tư Sumitomo Corporation, Công ty CP Tập đoàn BRG, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường và Công ty CP Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội là nhà đầu tư thực hiện. Dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3003/ỌĐ-UBND ngày 16/6/2018; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1792/QĐ-UBND ngày 4/5/2020.

Trong quá trình triển khai dự án này, TP Hà Nội tiếp tục lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án để đẩy nhanh tiến độ, triển khai một số hạng mục lớn, chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời, Bí thư Thành ủy đã giao trách nhiệm cụ thể cho UBND TP, các sở, ngành và huyện Đông Anh tiếp tục cùng với chủ đầu tư đẩy nhanh công tác GPMB, điều chỉnh cục bộ quy hoạch...

Áp dụng nhiều giải pháp

Nhằm đáp ứng tốt hơn nữa công tác phát triển ĐTTM, vừa qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội".

Mục đích của Đề án nhằm xây dựng hệ thống CSDL hợp nhất về quy hoạch, xây dựng. Hệ thống CSDL này tổng hợp đầy đủ các dữ liệu về quy hoạch, xây dựng gồm: Hiện trạng, quy hoạch, số liệu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội và các dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan để tạo ra một CSDL hợp nhất về lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị nhằm sử dụng chung cho các đơn vị trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống ứng dụng (phần mềm) để chia sẻ, phân tích dữ liệu hỗ trợ cho công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội.

Các chuyên gia đô thị đều cho rằng để kiến tạo, kiểm soát được sự phát triển đô thị nhanh, mạnh và hiệu quả theo hướng bền vững, tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân, TP nên tập trung vào yếu tố trụ cột trong phát triển ĐTTM, đó là quy hoạch ĐTTM.

TS. KTS Nguyễn Hoàng Minh (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho hay, ĐTTM được hình thành trên các tiêu chí cơ bản như: Quy hoạch ĐTTM, nền kinh tế thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, cư dân thông minh, cộng đồng thông minh, quản trị ĐTTM và xã hội thông minh. Trong đó, quy hoạch ĐTTM được coi là trụ cột trong phát triển ĐTTM.

Để thực hiện được chiến lược xây dựng ĐTTM, theo TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, trong quá trình làm quy hoạch, thông qua công cụ quy hoạch tích hợp, Hà Nội cần phát triển các đơn vị ĐTTM (khu vực xây dựng mới, khu vực hiện hữu, khu vực cải tạo chỉnh trang hoặc các khu vực tái thiết) là hạt nhân lan tỏa, kết nối và thúc đẩy phát triển TP thông minh, tạo thành hệ thống mạng lưới kết nối phát triển không gian TP thông minh.

Để thực hiện được nội dung này, TP cần giải quyết được 4 vấn đề quan trọng đang là những thách thức trong quá trình phát triển đô thị đó là: Đổi mới mô hình cấu trúc đô thị, xây dựng mô hình đơn vị ĐTTM làm hạt nhân cho xây dựng TP thông minh bền vững, tích hợp công nghệ.

Cùng với đó, phân vùng kiểm soát, gìn giữ các cấu trúc tự nhiên hệ sinh thái đô thị, tạo nên đặc trưng cảnh quan và môi trường khu dân cư đô thị. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển mô hình đô thị nén, TOD (Quy mô phát triển thành phố theo định hướng giao thông công cộng) gắn với cung cấp hệ thống giao thông công cộng đô thị, tích hợp công nghệ thông minh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo (xe điện, tàu điện). Cuối cùng là phát triển các tòa nhà thông minh, không gian công cộng sáng tạo, thông minh, tích hợp công nghệ, cung ứng dịch vụ đô thị./.

Bài liên quan
  • Bưu điện vận động 80.000 người tham gia BHXH tự nguyện tại TP. Hà Nội
    Phát huy khí thế của ngày ra quân, các Bưu điện trung tâm trên địa bàn TP. Hà Nội quyết tâm hoàn thành mục tiêu, phấn đấu 31/12/2024 phát triển được trên 80.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hướng tới xây dựng thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO