Hai người Việt Nam đầu tiên nhận chứng chỉ phòng, chống rửa tiền từ ACAMS
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc Pháp chế VBA đã trở thành hai người đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành khóa học và nhận chứng chỉ phòng, chống rửa tiền từ ACAMS.
Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng, không chỉ khẳng định cam kết không ngừng nâng cao kiến thức chuyên sâu của các chuyên gia thuộc VBA, mà còn góp phần thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong ngành tài chính số và blockchain tại Việt Nam. Điều này cũng hướng tới bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản về phòng chống rửa tiền để sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Trước đó, trong khuôn khổ của Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung" do VBA tổ chức, ông Samuel Lay, Giám đốc Phát triển kinh doanh khu vực Châu Á đã trao huy hiệu ACAMS cho ông Phan Đức Trung và ông Nguyễn Trần Minh Quân. Đây là hai người Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận chứng chỉ chuyên gia phòng, chống rửa tiền quốc tế (CAMS – Certified Anti-Money Laundering Specialist) do ACAMS cấp.

Đánh giá về sự kiện này, ông Samuel Lay cho biết, đội ngũ nhân sự của VBA đạt được chứng chỉ từ ACAMS đã thể hiện rõ vai trò tiên phong, đồng hành cùng các cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động phòng chống rửa tiền (AML).
“Khi ngày càng có nhiều chuyên gia được chứng nhận, uy tín của Việt Nam trong hệ thống tài chính toàn cầu cũng sẽ được củng cố và nâng cao”, ông Samuel Lay chia sẻ.
Đại diện của ACAMS cũng tin tưởng, sự hợp tác giữa VBA và ACAMS sẽ giúp nâng cao cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường tuân thủ, giải quyết các rủi ro liên quan đến phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố (CFT) trong lĩnh vực tài sản mã hoá.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA khẳng định, đây là sự ghi nhận cho nỗ lực kết nối Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế, và là bước tiến quan trọng trong hành trình thúc đẩy sự phát triển và quản lý thị trường tài sản mã hóa Việt Nam một cách minh bạch, an toàn và bền vững. “Hiệp hội Blockchain Việt Nam cam kết đồng hành cùng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng hệ sinh thái tài chính số chuẩn mực quốc tế”, ông Trung cho biết.
Ông Trung cho biết thêm, việc được ACAMS công nhận là cột mốc quan trọng, là thành quả của chuỗi nỗ lực mà VBA đã triển khai, bao gồm tổ chức chuỗi 9 hội thảo chuyên đề về tài sản mã hoá và nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hoá (VA/VASPs) cũng như thúc đẩy thực hiện Quyết định 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là tiền đề cho việc hiện thực hóa cam kết hành động thứ 6 của Chính phủ nhằm tăng cường tuân thủ pháp lý và thúc đẩy cộng đồng. Hợp tác giữa VBA và ACAMS không chỉ hướng đến nâng cao tính tuân thủ trong lĩnh vực tài sản mã hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam ra khỏi danh sách xám, cũng như góp phần luật hóa và thực thi hiệu quả Luật phòng, chống rửa tiền đã được thông qua.
Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý, ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc Pháp chế của VBA cho rằng, việc hoàn thành chứng chỉ CAMS giúp các chuyên gia pháp lý tại Việt Nam tư vấn, hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định phòng, chống rửa tiền quốc tế. “Sự am hiểu và tuân thủ các quy định về kiểm soát giao dịch là điều bắt buộc trong bối cảnh tài chính quốc tế hiện nay”, ông Quân khẳng định.

Sự kiện cũng đánh dấu nỗ lực của cá nhân ông Phan Đức Trung, ông Nguyễn Trần Minh Quân nói riêng và VBA nói chung trong việc sớm thúc đẩy đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Theo đó, Luật Phòng chống rửa tiền 2022 được áp dụng nghiêm ngặt, các tổ chức thuộc đối tượng báo cáo bắt buộc phải bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và được đào tạo bài bản về phòng chống rửa tiền nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và quy định quốc tế. Điều 4 đạo luật này nêu cụ thể các đối tượng báo cáo, bao gồm các tổ chức tài chính và các tổ chức phi tài chính có liên quan. Chắc chắn các đối tượng cung cấp dịch vụ liên quan tới tài sản mã hoá, bao gồm sàn giao dịch, sẽ sớm được đưa vào danh sách đối tượng báo cáo của luật này.
VBA và ACAMS cũng chính thức công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chuyên sâu về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam. VBA sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa các tổ chức đào tạo trong nước, như Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, với các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế của ACAMS.
Theo kế hoạch, ABAII sẽ là đối tác chính thức triển khai các khóa học ACAMS về phòng, chống rửa tiền, chống gian lận và tài trợ khủng bố với nhiều cấp độ khác nhau.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tài sản số và tăng cường kiểm soát các hoạt động tài chính nhằm phòng chống rửa tiền, chứng chỉ CAMS đang trở thành một tiêu chuẩn quan trọng đối với đội ngũ chuyên gia và các tổ chức tài chính.
Hiệp hội các Chuyên gia Phòng chống Rửa tiền (ACAMS) được thành lập vào năm 2001, là tổ chức hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các chứng chỉ và đào tạo về phòng chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố. Với mạng lưới chuyên gia ở hơn 160 quốc gia cùng các chứng chỉ uy tín như CAMS (Certified Anti-Money Laundering Specialist), CGSS (Certified Global Sanctions Specialist), CAFS (Certified Anti-Fraud Specialist) và CCAS (Certified Crypto-Asset Specialist), ACAMS đã xây dựng một hệ sinh thái giáo dục và chứng chỉ toàn cầu./.