Hà Nội quyết tâm cao trong CCHC

Đỗ Thêu| 26/07/2022 10:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian vừa qua, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính (CCHC). Theo đó, Chính quyền thành phố Hà Nội luôn nỗ lực cải thiện các chỉ số nhằm duy trì nền hành chính hiện đại, thông thoáng.

Nhìn từ những con số

Kết quả triển khai công tác CCHC của TP Hà Nội được các cơ quan, tổ chức đánh giá qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đáng chú ý, chỉ số PAPI năm 2021 của TP xếp thứ 9/63 tỉnh TP, tăng 39 bậc so với năm 2020, trong đó cả 8/8 chỉ số thành phần tăng về thứ hạng. Đặc biệt chỉ số thành phần "Quản trị điện tử" tăng 21 bậc, dẫn đầu cả nước về thứ hạng. Có thể thấy, chỉ số PAPI năm 2021 của TP Hà Nội vừa tăng về điểm số, vừa tăng về thứ hạng.

Chỉ số PAR-Index năm 2021 của TP thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu của cả nước. Chỉ số SIPAS năm 2021 của TP đạt 87,11% và tăng 3 bậc so với năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra.

Về công tác rà soát, đơn giản hóa và công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC) của TP, từ đầu năm đến nay, UBND TP đã phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng Hà Nội là 4 thủ tục; 22 thủ tục của Sở Kế hoạch và Đầu tư. UBND TP đã ban hành 17 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tư pháp, nội vụ, công thương, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường… trong đó công bố 3 TTHC, danh mục 500 TTHC, thay thế 33 TTHC, bãi bỏ 476 TTHC...

Đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP là 1.895 thủ tục, trong đó khối sở và cơ quan tương đương sở là 1.522 thủ tục; cấp huyện là 263 thủ tục và cấp xã là 110 thủ tục.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung CCHC nhằm nâng cao chỉ số (PAR-Index) và chỉ số Hài lòng của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Theo đó, TP đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện TTHC lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài nguyên, môi trường, tư pháp, thuế trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngoài ra, TP đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan hành chính thuộc TP Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, TTHC, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Mặc dù CCHC Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác CCHC thời gia cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Công tác phối hợp trong giải quyết công việc, TTHC liên thông cùng cấp, theo ngành dọc còn chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng tới thời gian trả kết quả giải quyết TTHC, nhất là liên quan đến đất đai, lao động, thương binh xã hội.

Đội ngũ cán bộ, công chức tại các sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn hầu hết đều kiêm nhiệm và luôn biến động nên có ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công việc. Dư địa trong công tác CCHC của TP còn rất lớn và còn nhiều việc cần phải làm.

Từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội tiếp tục xác định tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Cùng với đó là đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh TP Hà Nội; triển khai kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP năm 2022.

Hà Nội quyết tâm cao trong CCHC - Ảnh 2.

Người dân có thể chấm điểm sự hài lòng khi tới giao dịch hành chính

Tổ công tác cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC của TP sẽ lựa chọn một số chuyên đề, đề án trọng điểm về CCHC để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cùng với đó, tăng cường nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về số hóa dữ liệu và chuyển đổi số, các giải pháp nâng cao chỉ số PAR-Index, PAPI, SIPAS.

Hiện, TP đang tập trung hoàn thiện mô hình mẫu Bộ phận một cửa theo hướng điện tử gắn với Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: "Xác định thực hiện Đề án 06 của Chính phủ là bước đột phá chiến lược về hạ tầng, góp phần chuyển đổi số quốc gia, TP Hà Nội sẽ phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò là Thủ đô, có trách nhiệm đi đầu trong các địa phương triển khai tốt, hiệu quả Đề án này".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết tâm cao trong CCHC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO