Truyền thông

Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn

Đỗ Thêu 16:21 16/08/2023

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản số 2578/UBND-KGVX yêu cầu các đơn vị của thành phố tăng cường, chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

nhan-vien-y-te-tiem-vaccine-phong-covid-19-cho-nguoi-dan-ha-noi-anh-hung-thap.jpg
Ảnh minh họa.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng… không để dịch bùng phát trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, phải tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là dịch sốt xuất huyết Dengue đang có xu hướng gia tăng bằng sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân.

Trong đó, cần tập trung vào các thông tin, hướng dẫn các triệu chứng nhận biết sớm mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế, các thông tin, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh như: vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng, chống muỗi đốt... và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động xử lý dịch bệnh tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch (thông báo khu vực có dịch bệnh, thông báo lịch triển khai các hoạt động xử lý dịch bệnh và các hoạt động người dân cần phối hợp để triển khai công tác xử lý dịch bệnh...);

Chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch bệnh và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19;

Phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng…, đặc biệt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và công tác vận động, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trong phòng, chống sốt xuất huyết.

Kết quả đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh được đánh giá qua số lượng bệnh nhân và kết quả xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

Đối với dịch sốt xuất huyết huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.

Rà soát, tiếp tục thực hiện Đề án Phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư, trang thiết bị, hóa chất diệt muỗi, côn trùng đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại địa phương bằng nguồn lực tại chỗ, báo cáo UBND Thành phố các nội dung vượt thẩm quyền (gửi về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo).

Kiện toàn các Tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của Sở Y tế; phát huy vai trò của các tổ giám sát, đội xung kích trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt vai trò trong công tác giám sát người nghi mắc bệnh sớm tại cộng đồng, truyền thông phòng chống dịch bệnh và vận động người dân phối hợp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý, không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... thuộc phân cấp quản lý của UBND các quận, huyện, thị xã và xã phường, thị trấn.

Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng... trên địa bàn TP; đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND TP các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP một cách khoa học, kịp thời, phù hợp.

Sở Y tế cũng tăng cường giám sát dịch tễ bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng... triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát…

Đồng thời, Sở Y tế rà soát, xây dựng kế hoạch bổ sung, đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và thu dung điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó lưu ý việc đảm bảo có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt khi trẻ tới trường.

Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án về xây dựng trên địa bàn TP đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh tại các công trường lao động và nơi ăn ở sinh hoạt của công nhân; Phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng tại các dự án về xây dựng trên địa bàn.

Thành phố giao Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị trong ngành sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, đặc biệt công tác phối hợp, hỗ trợ hoạt động xử lý dịch bệnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO