Hà Nội tiên phong chuyển đổi số trong giáo dục
Hà Nội xác định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) phải được thực hiện quy củ ngay từ trường học. Những năm qua, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động CĐS trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Hướng tới nền giáo dục minh bạch, hiệu quả
CĐS trong giáo dục là ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng đến xây dựng nền giáo dục mở. Định hướng CĐS trong giáo dục được triển khai dưới ba nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy (lớp học thông minh, lập trình…), ứng dụng công nghệ trong quản lý, ứng dụng công nghệ trong lớp học (công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất).
Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, trên 2,2 triệu học sinh, gần 139.000 giáo viên. Sở GD&ĐT Hà Nội xác định, CNTT, CĐS là công cụ quản lý tốt nhất hệ thống giáo dục Thủ đô.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đầy mạnh công tác CĐS trong giáo dục. Cụ thể, để việc ứng dụng CNTT trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2022 - 2023, các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành.
Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội đang nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, phục vụ năm học 2023 - 2024. Trong kỳ tuyển sinh năm học trước, hơn 85% hồ sơ đã đăng ký qua kênh này, góp phần tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Việc phát động, tạo điều kiện để giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu dùng chung cũng được Hà Nội chú trọng.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội tăng trưởng vượt bậc, luôn đứng trong tốp đầu cả nước.
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của Ngành GD&ĐT Hà Nội trong công tác CĐS, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%). Ông Hải hy vọng, ngoài các giải pháp tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học, thời gian tới, Hà Nội sẽ cố gắng triển khai hình thức thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm, làm công khai minh bạch toàn bộ quá trình thi, giảm áp lực cho thầy cô giáo...
Giáo viên, học sinh hào hứng nhờ ứng dụng CNTT
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục bám sát Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã ban hành để xác định mức độ CĐS của đơn vị mình. Tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường. Đồng thời triển khai hiệu quả hệ sinh thái CĐS về dạy học, kiểm tra, đánh giá, số hoá đồng bộ. Bên cạnh đó, cập nhật thông tin thường xuyên lên Trung tâm điều hành thông minh của ngành. Các nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng, đóng góp vào kho học liệu số, thanh toán không dùng tiền mặt…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, bám sát các chỉ đạo của trung ương và TP. Hà Nội, những năm qua, đơn vị luôn xác định công tác CĐS là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Điển hình, ngành GD&ĐT quận đã hoàn thành mục tiêu 100% trường tiểu học và THCS quản lý chất lượng giáo dục bằng phần mềm tin học, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Nằm trong chuỗi hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy, Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã triển khai hiệu quả mô hình thí điểm phòng học thông minh.
Cô Nguyễn Thị Thu Hảo, Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ chia sẻ: “Bước đầu mô hình đã mang lại những hiệu quả tích cực. Giáo viên vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học và tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực của học sinh. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát và đánh giá 100% học sinh trong lớp”.
Trong tiết học với chủ đề “Tự sắp xếp đồ dùng ngăn nắp”, cô giáo Xuân Hà (giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám) đã sử dụng thiết bị giáo dục EyePro Smart Class và EyePro ClassDX để đo cảm xúc của các em học sinh khi tiếp thu bài học. Với thiết bị dạy học thông minh này, giáo viên không cần phải nói đi nói lại quá nhiều lần cùng một bài giảng, tiết học sẽ chỉ còn 30 - 50% bài giảng lý thuyết, thời gian còn lại học sinh sẽ tự học nhóm, thực hành trải nghiệm với sự trợ giúp của công nghệ theo phương pháp lớp học đảo ngược, dưới sự định hướng của giáo viên.
Trong tiết dạy, giáo viên đi lại trong lớp, hệ thống AI sẽ tự động bám theo giáo viên và ghi hình để giáo viên có thể thấy hiệu quả giáo dục với các nội dung giảng dạy của mình, hiệu chỉnh kịp thời. Giáo viên có thể quan sát cảm xúc học sinh thông qua hệ thống như cảm xúc vui, buồn, ngạc nhiên, trung tính theo cấu hình thiết lập bất kỳ lúc nào. Hơn hết, qua phần mềm ứng dụng này, học sinh sẽ không bị quên kiến thức nếu không nghe kịp cô giáo giảng bài.
Lớp học thông minh sẽ giúp các thầy cô giáo có thể khơi dậy trí tưởng tượng sáng tạo không giới hạn của học sinh thông qua mỗi tiết dạy. Trường tiểu học Lê Văn Tám hiện đang từng bước số hóa thiết bị giảng dạy và tối ưu mô hình lớp học thông minh để ngày một phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học hiệu quả./.