Các công ty edtech có thể cách mạng hóa hệ thống giáo dục Singapore?
Các công ty công nghệ giáo dục như Doyobi đang dần thay đổi quan niệm truyền thống về sự thành công trong bối cảnh giáo dục cạnh tranh của Singapore bằng cách thúc đẩy các kỹ năng thích ứng, phục hồi và tư duy phản biện.
Singapore là quốc gia có diện tích và dân số khá nhỏ, xanh sạch đẹp, con người văn minh. Không những thế, quốc đảo Sư Tử còn biết đến với một nền giáo dục đẳng cấp thế giới, một hệ thống giáo dục tiên tiến, linh hoạt. Hệ thống giáo dục Singapore xưa nay nổi tiếng với thành tích "sản xuất" ra những đứa trẻ luôn đứng đầu thế giới trong các kỳ thi chuẩn hóa như kỳ thi PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)), gồm các môn toán, đọc và khoa học dành cho học sinh độ tuổi 15.
Dù đạt được thành tích rất cao trong các kỳ thi quốc tế, học sinh ở Singapore phải chịu nhiều áp lực ngay từ bậc tiểu học, đôi khi dẫn đến trầm cảm, sức khỏe kém và thậm chí là tự tử. Do đó, hệ thống giáo dục nước này cũng bị chỉ trích vì tạo ra áp lực học tập căng thẳng và quá chú trọng vào điểm số. Cùng với sự phát triển của công nghệ giáo dục (edtech) đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, các công ty edtech được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người, mở ra một con đường mới cho nền giáo dục Singapore.
Định nghĩa lại sự thành công trong hệ thống giáo dục của Singapore
Hệ thống giáo dục của Singapore từ lâu đã được đặc trưng bởi văn hóa thi cử, với sự chú trọng đặc biệt vào kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) và việc ganh đua vào các trường cấp hai danh tiếng. Kỳ thi quốc gia này đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định lộ trình học tập và các cơ hội trong tương lai của học sinh. Do đó, nó đã tạo ra một môi trường đầy áp lực và cạnh tranh, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.
Một trở ngại chính trong việc chuyển đổi hệ thống này là sự phản ứng của phụ huynh, những người thường tin vào quan niệm thông thường về sự thành công trong học tập. Đối với nhiều phụ huynh, niềm tin sâu xa rằng điểm PSLE cao và các trường ưu tú sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng cho học sinh vẫn tồn tại. Do đó, các bậc phụ huynh có thể ngần ngại áp dụng những tiếp cận giáo dục mới và sáng tạo, vì sợ rằng việc đó có thể ảnh hưởng tới triển vọng phát triển và tương lai của con cái.
Tuy nhiên, việc chú trọng và tập trung vào các kỳ thi cũng như điểm số khiến học sinh có thể không được trang bị đầy đủ để đáp ứng những thách thức của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, thiếu năng lực thích ứng và phục hồi cần thiết. Bằng cách ưu tiên thành tích học tập trên tất cả, hệ thống giáo dục hiện tại của Singapore có nguy cơ tạo ra một thế hệ học sinh có thể xuất sắc trong các môn học truyền thống nhưng lại gặp khó khăn trong việc điều hướng sự phức tạp để thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang phát triển.
Nhưng những người như John Tan, người sáng lập công ty công nghệ giáo dục Doyobi, đang nỗ lực để thay đổi điều đó. Ngày 17/3/2023, một bài đăng trên LinkedIn của Tan đã thu hút được nhiều sự chú ý, trong đó anh viết: “Hệ thống giáo dục ở Singapore quá cố thủ. Phụ huynh không thể nhìn xa hơn PSLE. Ngay cả những đồng nghiệp của tôi trong lĩnh vực công nghệ, những người có học thức cao và giàu có cũng bị cuốn vào cuộc đua thi cử đầy rủi ro”.
Thay đổi định hướng phát triển edtech ở Singapore
Trong những năm gần đây, lĩnh vực edtech ở Singapore đã tăng trưởng theo cấp số nhân với nhiều công ty cung cấp các loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Để đáp ứng tư duy cạnh tranh phổ biến trong hệ thống giáo dục của Singapore, nhiều công ty edtech đã cung cấp những dịch vụ giúp học sinh vượt trội trong học tập, ví dụ: Koobits cung cấp các giải pháp học tập thích ứng để luyện thi, Quipper cung cấp tài nguyên và dạy kèm trực tuyến, còn Cialfo đơn giản hóa việc nộp đơn vào đại học và lập kế hoạch nghề nghiệp.
Mặc dù các công ty này đều nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên đạt được mục tiêu học tập, nhưng lại có thể vô tình nhấn mạnh vào điểm số và thước đo truyền thống về sự thành công trong học tập. Hơn nữa, các công ty thường chỉ tập trung vào việc xây dựng các khả năng trong phạm vi cần thiết để vượt qua kỳ thi. Tuy nhiên, những người có tầm nhìn như John Tan đang nỗ lực chuyển trọng tâm sang năng lực thích ứng và tư duy phản biện thông qua các sáng kiến công nghệ giáo dục sáng tạo như Doyobi.
Doyobi và sứ mệnh toàn cầu
John Tan chia sẻ về con đường đúng đắn dành cho học sinh: “Điều quan trọng là chúng tôi khuyến khích con cái mình nghĩ xa hơn về triển vọng kiếm được mức lương cao sau khi tốt nghiệp. Chúng ta cần truyền cảm hứng để các em có ước mơ lớn hơn và suy nghĩ rộng hơn về tương lai của mình”.
Sản phẩm của John Tan, Doyobi, là một công ty công nghệ giáo dục với sứ mệnh chuyển trọng tâm giáo dục từ thành tích học tập sang xây dựng các kỹ năng cơ bản về đọc, nghe, nói, viết và tư duy phản biện. Doyobi, cung cấp các lớp học cho trẻ em trong Doyobiverse, một metaverse khép kín, nhằm giúp các em trở thành những người giải quyết vấn đề quan trọng và hiểu rõ hơn về các xu hướng công nghệ hiện tại. Môi trường học tập nhập vai này ưu tiên sự tham gia tích cực, khám phá và hợp tác giữa các học sinh.
Ví dụ, Doyobi cung cấp các cuộc phiêu lưu hợp tác cho trẻ em từ 8-13 tuổi, tập trung vào việc phát triển các kỹ năng tiếng Anh thực tế cho các tình huống trong thế giới thực. Mỗi tháng, người học tham gia vào một cuộc phiêu lưu theo chủ đề mà kết nối việc học của mình với các vấn đề toàn cầu và kiến thức của tương lai chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và Web3.
Mục tiêu của Doyobi là tập trung vào các kỹ năng giải quyết vấn đề và các nhiệm vụ xác thực, thay vì các tiêu chuẩn giáo dục truyền thống. Là một phần trong sứ mệnh toàn cầu của mình, Tan có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của Doyobi ra ngoài Singapore để hợp tác với các bậc cha mẹ và nhà giáo dục có cùng chí hướng trên toàn thế giới.
Để giúp trẻ em khám phá vị trí và vai trò của mình trên thế giới và hiểu được bức tranh toàn cảnh hơn, Tan cho rằng điều quan trọng là phát triển các kỹ năng phi kỹ thuật của trẻ. Anh cho biết: “Phụ huynh và nhà trường nên tập trung vào việc nuôi dưỡng các kỹ năng của con người như giao tiếp và đồng cảm, những thứ mà trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế được, thay vì chỉ đơn thuần theo đuổi điểm số cao”.
Tan khẳng định rằng trẻ em cũng nên được khuyến khích đưa ra quyết định để phát triển kỹ năng tư duy phản biện.
Thích ứng với một thế giới đang thay đổi
Các sự kiện gần đây như đại dịch COVID-19 và sự bùng nổ mới của AI như ChatGPT, đã nêu bật nhu cầu cấp thiết đối với xã hội là phải thích ứng và phát triển. Điều này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho các thế hệ tương lai trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và không chắc chắn. Đối với Singapore, việc thích ứng với một thị trường việc làm đang phát triển và đổi mới giáo dục là rất quan trọng để duy trì vị thế là một quốc gia thịnh vượng và cạnh tranh.
Để tránh những rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống giáo dục hiện tại, Singapore cần nhanh chóng thực hiện các quyết định quan trọng để định hình lại hệ thống giáo dục của mình. Các công ty edtech có một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này, cung cấp các phương pháp học tập mới và sáng tạo, ưu tiên các kỹ năng thích ứng, phục hồi và tư duy phản biện. Bằng cách thúc đẩy một mô hình giáo dục mới, các công ty này có thể giúp học sinh, sinh viên thích ứng với sự thay đổi của thế giới hiện đại và đạt được lợi thế vượt trội trong nhiều ngành nghề khác nhau.
“Có một khoảng cách rất lớn giữa những gì được dạy trong trường học và những gì trẻ em phải học để chuẩn bị cho sự nghiệp trong tương lai. Sự tò mò, trí tưởng tượng và sự đồng cảm cũng quan trọng như kỹ năng đọc và tính toán”, John Tan nói.
Khi thế giới thay đổi nhanh chóng, điều quan trọng đối với học sinh là phát triển khả năng thích ứng và ứng phó với những thách thức mới. Điều này đòi hỏi phải xem xét các phương pháp giáo dục thay thế mà ưu tiên những kỹ năng này, bên cạnh thành tích học tập, để trang bị cho thế hệ người học tiếp theo sự điều hướng sự phức tạp trong bối cảnh toàn cầu đang phát triển./.