Theo Kế hoạch được ban hành, công tác hậu kiểm cần có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là với các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội, cơ sở thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP).
Hoạt động hậu kiểm cần tránh chồng chéo, việc triển khai hậu kiểm của các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương theo trách nhiệm quản lý đối với sản phẩm, nhóm sản phẩm tại phụ lục II, III, IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. UBND cấp huyện hậu kiểm theo trách nhiệm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ, trong đó tập trung sản phẩm, nhóm sản phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phân cấp cho địa phương.
Các cơ quan chức năng của thành phố tiến hành hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn, chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng.
Hoạt động hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm được thực hiện thường xuyên tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về tự công bố sản phẩm.
Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng trên báo chí, internet, môi trường mạng và lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu ATTP, tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn trái phép chất tân dược thuộc các nhóm sản phẩm hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân (lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các sản phẩm được bán online).