Diễn đàn

Hạ tầng viễn thông có vai trò chiến lược, trọng yếu

Hoàng Linh 12/11/2024 18:42

Trả lời chất vấn tại nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc phát triển hạ tầng viễn thông có vai trò chiến lược, trọng yếu như hạ tầng giao thông còn Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thì nhấn mạnh, CNTT là lĩnh vực then chốt trong thời đại công nghiệp 4.0.

toan-canh-chieu-12112024.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều ngày 12/11/2024.

Chưa có bằng chứng việc các trạm phát sóng ảnh hưởng đến sức khỏe

Chiều ngày 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, liên quan đến ý kiến của đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hiện nay còn tồn tại khoảng 800 trạm phát sóng đang gặp khó khăn vì bị người dân phản đối do ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, hiện chưa có bằng chứng việc các trạm phát sóng ảnh hưởng đến sức khỏe.

chieu-12112024_3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, hiện chưa có bằng chứng việc các trạm phát sóng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính quyền các cấp cũng chưa thực sự coi hạ tầng viễn thông là hạ tầng chiến lược, trọng yếu như là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện. Một trong những lý do hiện nay là Nhà nước không đầu tư hạ tầng viễn thông mà do doanh nghiệp đầu tư. Do đó, chính quyền các cấp ít quan tâm và chưa vào cuộc, giúp đỡ các nhà mạng.

Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên là tuyên truyền để cho người dân hiểu về tầm quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng viễn thông đối với đời sống của xã hội, và không ảnh hưởng đến sức khỏe để bà con ủng hộ phát triển các trạm phát sóng. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho người dân.

Luật Viễn thông mới cũng đã quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các cấp xử lý các hành vi vi phạm việc xây dựng hạ tầng viễn thông. Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nhà mạng sử dụng những công nghệ mới nhất, khi ít người dùng thì giảm công suất phát sóng.

Tăng số tuyến cáp quang biển lên 15 tuyến và dung lượng tăng 10 lần

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi về tính bền vững của tuyến cáp quang biển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay chúng ta có 5 tuyến cáp quang biển và có 2 tuyến các quang quốc tế trên đất liền. Năm 2022, có lúc cả 5 tuyến cáp quang biển bị ảnh hưởng và chỉ còn lại 40% dung lượng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet khá đáng kể.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân là do cả 5 tuyến cáp quang biển của nước ta đều đi một hướng qua Biển Đông. Đối với Việt Nam, 5 tuyến như vậy là ít, ví dụ như Thái Lan hiện nay có 8 tuyến, Philippines có 17 tuyến. Quý 1/2025, chúng ta sẽ có thêm 2 tuyến nữa được đưa vào vận hành khai thác, tức là tổng số 7 tuyến.

Bộ TT&TT đã ban hành chiến lược về cáp quang biển đến năm 2030, cụ thể sẽ tăng lên thành 15 tuyến cáp quang biển và dung lượng tăng 10 lần, đa dạng hóa hóa hướng tuyến đi xuống phía Nam và đi vào Singapore và Malaysia, có tuyến nối với Nhật và Mỹ; đồng thời đa dạng hóa các nhà cung cấp, các nhà lắp đặt để sửa chữa; đầu tư cho 2 tuyến cáp quang trên đất liền, đảm bảo ít nhất được 20% dung lượng.

chieu-12112024_2.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Tăng t lệ gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật lên 95%

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời nhiều đại biểu quan tâm đến việc quản lý nền tảng xuyên biên giới và quảng cáo trên không gian mạng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các nền tảng mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua Bộ TT&TT đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỷ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10 - 20% năm 2018 đến nay là tỷ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 giờ và 12 giờ. Trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 giờ, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Hiện nay, theo Bộ trưởng, các nền tảng MXH phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm. Đặc biệt, nhiều MXH lớn đã hợp tác với Bộ TT&TT về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài.

Cùng với đó, các MXH đã đóng thuế tại Việt Nam được 2,5 năm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta đã thu được khoảng trên 20.000 tỷ đồng và tăng khoảng 6 lần so với những năm trước, đây cũng là một dấu hiệu rất tích cực.

Giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.

bt-luong-tam-quang.jpg
Bộ trưởng Lương Tam Quang: Cần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật; đồng thời tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những người sử dụng MXH để tạo ra được sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật.

Các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên MXH hiện nay như: hành vi gây tạo dựng làm tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân, gây những thông tin hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân…

Một số đối tượng lợi dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng MXH để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung mà chứa tin giả, tin sai sự thật, tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự. Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán, tài chính bất động sản; có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, còn nổi lên một số các hành vi đáng chú ý khác như hành vi lập, sử dụng hội nhóm tiêu cực, tác động gây nhận thức lệch lạc, kích động những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ súy những hủ tục mê tín dị đoan, đồi trụy, kích dục như đại biểu đã phản ánh; hành vi tạo lập hội nhóm để thông tin đối phó, kích động, phản kháng, chống đối lại lực lượng chức năng…

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết cần nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, MXH. Trong đó, trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo nghị định của Chính phủ và quy định của Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe (từ 5 - 10 triệu đồng); thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.

Tiếp theo, cần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật; đồng thời tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những người sử dụng MXH để tạo ra được sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật, nhất là những thông tin xuyên tạc, kích động để đấu tranh vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, MXH.

Bộ Công an, khi hợp tác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước đều thống nhất đấu tranh và hợp tác chia sẻ thông tin; nguyên tắc không để cho bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đưa thông tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân của nước khác.

5 trụ cột để phát triển CNTT

Làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời đại của chúng ta là thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) là then chốt.

pho-thu-tuong-ho-duc-phoc.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thời đại của chúng ta là thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực CNTT là then chốt.

Để CNTT phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến 5 trụ cột cốt lõi: Hạ tầng về CNTT; dữ liệu lớn; bảo mật CNTT, an ninh mạng; nguồn nhân lực; ứng dụng CNTT như AI, Internet vạn vật, điện toán đám mây…

Về nhóm vấn đề báo chí và MXH, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận và nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương để xã hội học tập.

Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan; Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại; Định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao; Siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay; Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời; Đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Hà Nội tiếp cận khác biệt để trở thành đô thị thông minh của châu Á
    Thủ đô Hà Nội đã chọn được cách tiếp cận khác hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả phục vụ, hạnh phúc của người dân. Điều này có thể thấy qua những thành tựu lớn mà Hà Nội đã đạt được.
  • Khai thác thế mạnh của kinh tế truyền thông trong hoạt động xuất bản
    Ngày nay, kinh tế truyền thông trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế quốc gia, được Đảng và Nhà nước ta ưu tiên, quan tâm hỗ trợ và khuyến khích phát triển.
  • Riversong gia nhập thị trường Việt Nam
    Riversong, thương hiệu công nghệ với các danh mục sản phẩm như đồng hồ thông minh, thiết bị thông minh, phụ kiện điện thoại và thiết bị nhà thông minh (smart home) đã công bố gia nhập thị trường Việt Nam thông qua hợp tác chiến lược với nhà phân phối PHTD.
  • Cảnh báo lừa đảo khi mua vé chương trình ca nhạc, hòa nhạc
    Theo “Điểm tin tuần” về lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, tuần qua (25/11 - 1/12/2024), việc nhiều người hâm mộ không thể đăng ký mua được vé chương trình ca nhạc đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.
  • Biến chuồng bò thành bungalow làm du lịch cộng đồng
    Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai là người đầu tiên đưa chuồng trâu, chuồng bò ra khỏi bản làng để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ đó có không gian để làm du lịch cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng viễn thông có vai trò chiến lược, trọng yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO