Kinh tế số

Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số

TT 08:31 18/09/2024

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, cuối tháng 12/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hải Phòng đạt 29,7%, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành uỷ đề ra là 25% vào năm 2025.

Phát triển kinh tế số đóng góp vào phát triển kinh tế của Hải Phòng

Ngày 10/7/2024 tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số (CĐS) của Ủy ban Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo về tình hình triển khai CĐS quốc gia và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2024; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Theo đó, công tác CĐS trong 6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), Thành phố đã quan tâm thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thu hút đầu tư của Thành phố liên tục đứng top đầu của cả nước, đã góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế lõi ICT.

Nhiều DN lớn, như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... hoạt động trong lĩnh vực ICT đã đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thành phố. Cùng với đó, trên địa bàn hiện có gần 1.000 DN công nghệ số hoạt động và gần 9.000 DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trong hoạt động…

Kinh tế số hiệu quả đã đóng góp vào phát triển kinh tế của thành phố. 6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng đã thu hút thêm khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư.

Theo Cục Thống kê Hải Phòng, trong 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của kỳ 7 tháng trong 3 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì mức tăng 15,6%, đóng góp 14,68 điểm phần trăm vào mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản xuất xe có động cơ; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp, sản xuất thiết bị truyền thông…

Về phát triển hạ tầng, thúc đẩy số hoá các ngành kinh tế, Hải Phòng đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Ngoài việc triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại các khu đô thị trung tâm, để thúc đẩy các ngành mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp, Thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ để thí điểm xây dựng cảng thông minh và triển khai thành công mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên trên toàn quốc tại công ty Pegatron (Khu công nghiệp DEEP C II).

Hải Phòng cũng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển. Tại các cảng biển, các DN đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam, nền tảng chuyển đổi số (CĐS) cảng biển, góp phần tạo sự chuyển động nhanh trong hoạt động.

Hiện, 100% số cảng tại Hải Phòng đã có hệ thống quản lý cảng TOS; trong đó, có 22 cảng (chiếm hơn 40% số cảng) đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số chỉ trong thời gian nhanh từ 2 - 4 tuần, với chi phí bằng 10 - 20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài.

Việc ứng dụng nền tảng cảng biển số đã góp phần đưa năng lực đón tàu của hệ thống cẩu tăng khoảng 50%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%. Cùng với đó, các thủ tục hành chính, dịch vụ cảng giảm mạnh từ 6 - 8 giờ với 12 điểm chạm xuống chỉ còn 3 phút với 2 điểm chạm…

2.jpg
Hải Phòng cũng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển. (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)

Bên cạnh việc CĐS tại từng cảng, hiện nay, UBND TP. Hải Phòng đã giao Sở Công Thương nghiên cứu triển khai nền tảng CĐS liên ngành lĩnh vực logistics nhằm liên kết các cơ quan nhà nước và DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, chia sẻ dữ liệu để tăng khả năng CĐS nhanh hơn nữa lĩnh vực này.

Về phát triển thương mại điện tử (TMĐT), năm 2023, Hải Phòng đứng thứ 5/63 tỉnh thành về chỉ số phát triển TMĐT. Đạt được kết quả này là do Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hoá đơn điện tử, thuế điện tử…

Đến nay, hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đều thực hiện thu thuế bằng hình thức điện tử, liên thông với Kho bạc Nhà nước TP. Hải Phòng, Cục Thuế TP. Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng, Bảo hiểm xã hội Thành phố... Thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 là 27.212 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm 2023.

Số lượng DN triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, số lượng DN sử dụng hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 99%.

Với những nỗ lực trên, kết quả đạt được theo công bố của Tổng cục Thống kê cuối tháng 12/2023, tỷ trọng kinh tế số (KTS) trong GRDP của Hải Phòng đạt 29,7%, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành uỷ đề ra là 25% vào năm 2025.

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã sớm ban hành Nghị quyết về CĐS TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và quyết liệt triển khai nhằm thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban quốc gia về CĐS.

Với mục tiêu KTS đạt tỷ trọng 25% trong GRDP vào năm 2025 và 35% trong GRDP vào năm 2030, TP. Hải Phòng đang nỗ lực thúc đẩy KTS phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực CĐS.

Để thúc đẩy KTS phát triển mạnh hơn nữa, TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, đẩy mạnh TMĐT, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; Cho phép TP. Hải Phòng triển khai liên kết cụm cảng, cảng mở, xây dựng trung tâm logistics tầm cỡ khu vực.

TP. Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo giao một cơ quan chuyên môn phụ trách xây dựng trung tâm dữ liệu và nền tảng số quốc gia quản lý việc chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực logistics, nhằm liên kết các đơn vị trong chuỗi dịch vụ logistics, hạn chế cát cứ dữ liệu, hạn chế thất thoát dữ liệu xuyên biên giới do hiện nay dữ liệu lĩnh vực này đang nằm ở nhiều nơi như DN xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan, thuế, cảng vụ, biên phòng…

1.jpg
Khách hàng tìm mua sản phẩm nông sản của Hải Phòng trên sàn TMĐT. (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số

Ngày 26/4/2024, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND về Phát triển hạ tầng số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025, trong đó xác định phát triển hạ tầng số tạo động lực phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực, phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển KTS, xã hội số, thúc đẩy chương trình CĐS toàn diện của Thành phố.

Cụ thể các chỉ tiêu đặt ra, về hạ tầng viễn thông tiếp tục nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G, phổ cập Internet băng rộng trên toàn địa bàn thành phố với 100% thôn, tổ dân phố được phủ băng rộng di động công nghệ 3G, 4G và 50% thôn, tổ dân phố được phủ băng rộng di động công nghệ 5G; thiết lập mới 300 trạm phát sóng 5G…

Về sử dụng dịch vụ viễn thông, 100% người đăng ký thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh; 95% người dân sử dụng Internet, hộ gia đình có truy cập internet băng rộng cáp quang…

Kế hoạch cũng đề ra, Hải Phòng phát triển hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số nhằm ứng dụng rộng rãi phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, DN và người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Sở TT&TT Hải Phòng tại Diễn đàn CĐS Hải Phòng 2023: "Kiến tạo dữ liệu số - nền tảng phát triển kinh tế, xã hội" do UBND TP. Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức cuối năm 2023, CĐS tại Hải Phòng đang có được sự chuyển biến rất nhanh chóng, với nhiều kết quả tích cực: Năm 2023, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 (hơn 1.700 dịch vụ), năm 2023 xử lý hơn 956.000 hồ sơ trực tuyến, chiếm 90,7% tổng số hồ sơ, tăng rất nhanh chóng từ 20% năm 2021, 60,2% năm 2022 ; Tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm đến 50%; Tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GDP ước đạt 24,5%, đứng 4/63 tỉnh.

Đặc biệt, về phát triển dữ liệu số, năm 2022 và 2023 là năm TP. Hải phòng tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) số, và cơ bản đã đạt được mục tiêu. 9 Bộ CSDL của 9 ngành, lĩnh vực đã và đang liên tục được xây dựng. CSDL đất đai đã có hơn 650.000 thửa đất có dữ liệu không gian, đạt hơn 50%, và đã bắt đầu đưa vào khai thác. CSDL giáo dục đã có 800 cơ sở giáo dục trên 32.000 giáo viên và 521.000 học sinh. Học bạ điện tử và sổ điểm điện tử đã được triển khai toàn diện. 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý và liên thông dữ liệu với bảo hiểm xã hội. Hơn 2,6 triệu dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành đạt 90%. TMĐT đã kết nối được 250 mã sản phẩm nông sản, 179 sản phẩm OCOP...

3.jpg
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TP. Hải Phòng. (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: Năm 2023 đã cơ bản định hình được hệ thống CSDL của Thành phố. Thành phố có quan điểm, vừa xây dựng, vừa khai thác và hoàn thiện. Vì vậy, trong năm 2024 và 2025, Thành phố sẽ tập trung vào triển khai các giải pháp phân tích giúp tối ưu nguồn lực, hỗ trợ quản trị điều hành. Thành phố cũng mong muốn hợp tác với các DN đưa ra các giải pháp, mô hình dịch vụ giá trị gia tăng mới, tạo ra các không gian phát triển kinh tế mới dựa trên dữ liệu. Thành phố có thể xây dựng chiến lược CĐS đến năm 2030, hình thành mô hình CĐS cấp huyện, phát triển nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO