Kinh tế số

Kinh tế số là nền tảng để Bình Dương phát triển

TT 07:20 09/09/2024

Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh Bình Dương là 11,34%, trong đó kinh tế số lõi 7,41%, kinh tế số ngành lĩnh vực 3,92%, xếp thứ 14 cả nước và thứ 2 vùng Đông Nam Bộ.

Công nghệ số đã từng bước đi vào cuộc sống hằng ngày

Tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế số và xã hội số trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Bình Dương” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Dương, Trường Chính trị tỉnh và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tháng 5/2024, Sở TT&TT tỉnh Bình Dương đã có báo cáo về “Thực trạng phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Bình Dương” thời gian qua.

Theo đó, tính đến năm 2023 toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 68.000 doanh nghiệp (DN), có khoảng 7.000 DN công nghệ thông tin (CNTT) với tổng doanh thu khoảng 11.000 tỷ đồng và 4.219 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ USD.

Tỷ trọng kinh tế số (KTS) trong GRDP của tỉnh là 11,34%, trong đó KTS lõi 7,41%, kinh tế số ngành lĩnh vực 3,92%, xếp thứ 14 cả nước và thứ 2 vùng Đông Nam Bộ. Toàn tỉnh có khoảng gần 49.000 DN đang sử dụng các nền tảng số như khai báo thuế, Bảo hiểm xã hội (BHXH), hóa đơn điện tử, kế toán, quản lý kho, lưu trú trực tuyến,…

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong tỉnh tiếp tục phát triển và trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước. Đến nay, có 544 DN và 2.990 sản phẩm tham gia giao dịch trên sàn TMĐT https://binhduongtrade.vn, trong đó có hơn 300 sản phẩm nông nghiệp được quảng bá trên sàn. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 303.852 tỷ đồng, tỷ trọng TMĐT đạt bình quân khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Song hành cùng với KTS, lĩnh vực xã hội số luôn được tỉnh chú trọng và đẩy mạnh phát triển, công nghệ số đã từng bước đi vào cuộc sống hằng ngày.

Các sở, ngành, địa phương trên toàn tỉnh đã quyết liệt triển khai 8 thành phần cơ bản của xã hội số, gồm: cáp quang băng rộng, điện thoại thông minh, tài khoản định danh và xác thực điện tử, chữ ký số (CKS) cá nhân, tài khoản thanh toán số, tài khoản dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), kỹ năng số cơ bản, kỹ năng an toàn thông tin (ATTT) cơ bản để dần hình thành công dân số.

1.png
Trung tâm giám sát và điều hành thông minh tỉnh Bình Dương. (Ảnh: binhduong.gov.vn)

Toàn tỉnh có khoảng 1,76 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức 2, phối hợp số hóa, so khớp 931.000 trường dữ liệu hộ tịch cùng với thực hiện Đề án 06; 70% đối tượng an sinh xã hội (30.674 đối tượng) được chi trả qua tài khoản.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh của tỉnh đạt trên 92%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang 86.3%; số tài khoản ngân hàng được mở trên địa bàn khoảng 3,1 triệu tài khoản; đã triển khai được 73.304 CKS; khoảng 4.500 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đi vào hoạt động ổn định góp phần hướng dẫn người dân về CĐS.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 266 điểm truy cập WiFi công cộng được đặt tại các nhà văn hóa, công viên, văn phòng ấp,... trên địa bàn 9 huyện, thành phố và hàng ngàn điểm truy cập WiFi công cộng khác tại các bệnh viện, trường học, siêu thị… đã giúp người dân dễ dàng kết nối Internet nhanh chóng, thuận tiện mà không mất phí.

Ngoài ra, khu CNTT tập trung và khu Đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng đã xây dựng phương án, bổ sung vào quy hoạch tỉnh. Đây là một trong những nội dung nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển KTS, công nghiệp CNTT và truyền thông của tỉnh.

Phát triển KTS ngày càng được hưởng ứng

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Yên, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương cho biết: Tỷ trọng KTS trong GRDP của tỉnh là 11,34%, Bình Dương đứng thứ 14 của cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Đông Nam Bộ về phát triển KTS.

“Với việc ứng dụng thành công mô hình hợp tác ba nhà trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh Bình Dương, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng lòng của cộng đồng DN, công tác CĐS, phát triển công nghiệp 4.0, phát triển KTS ngày càng được hưởng ứng và đạt được những kết quả tốt”.

Hiện tại, hạ tầng số và băng thông rộng của tỉnh được hoàn thiện và liên tục nâng cấp, hướng đến ứng dụng công nghệ 5G phục vụ công nghiệp và phát triển mạnh mẽ mạng 5G thương mại trong thời gian tới.

Hệ sinh thái ĐMST của tỉnh, bao gồm hệ thống các trung tâm về tự động hóa, sản xuất thông minh, ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)... được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, với mô hình “Phòng thí nghiệm dùng chung” phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, phát triển, đào tạo và đào tạo lại của hệ sinh thái DN toàn tỉnh.

Song song đó, tỉnh đang định hướng triển khai các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa thực hiện CĐS; thực hiện thay đổi công nghệ để ngày càng thích ứng nhanh và sâu hơn, cạnh tranh tốt hơn không những khu vực trong nước mà còn tại các thị trường quốc tế.

Tỉnh sẽ tăng cường đẩy mạnh CĐS toàn diện trong các khu, cụm công nghiệp và nhà máy; Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp (sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...); tự động hóa cảng biển, logistics, kho vận… để giảm ít nhất 50% chi phí các loại và nâng cao chất lượng hoạt động logistics.

Tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, hình thành khu CNTT tập trung, trung tâm dữ liệu, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử, chip bán dẫn, các sản phẩm IoT, AI, an toàn, an ninh mạng, dữ liệu lớn...; Hình thành vùng động lực công nghiệp CNTT tại khu vực 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT... phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và CĐS tại Việt Nam.

Tỉnh cũng ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư các lĩnh vực như: điện tử, chip bán dẫn; AI; an toàn, an ninh mạng… Đồng thời, đẩy mạnh TMĐT bao gồm: TMĐT xuyên biên giới, đẩy mạnh hoạt động bán lẻ trên sàn TMĐT, xây dựng nền tảng số cho hoạt động bán buôn.

screenshot-62-.png
Sàn TMĐT https://binhduongtrade.vn

Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP vào năm 2030

Ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 6238/KH-UBND, triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã h​ội số (XHS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, giai đoạn 2023 - 2030, Kế hoạch xác định phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KTS, XHS trên địa bàn tỉnh theo quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng KTS của tỉnh đạt 20% GRDP; tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử (HĐĐT) đạt trên 80%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ DN sử dụng HĐĐT đạt trên 80%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trên 50%; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ TMĐT đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%...

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng KTS của tỉnh đạt 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ DN sử dụng nền tảng HĐĐT đạt 100%; tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động KTS trong lực lượng lao động đạt trên 3%....

Cũng tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế số và xã hội số trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Bình Dương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, sau 27 năm phát triển, Bình Dương chuyển mình, vươn lên trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và thu nhập bình quân cao nhất cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài nằm trong Top 3 cả nước, tạo được những dấu ấn trên trường quốc tế.

Mới đây, theo trao đổi với báo Bình Dương, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết cần có những nghiên cứu chuyên sâu về KTS, đặc biệt là về bộ tiêu chí tổng hợp đánh giá được phát triển KTS của tỉnh Bình Dương, thực trạng của KTS theo khái niệm tổng quát và thống nhất; ước lượng quy mô KTS và đánh giá được tác động của KTS đến cơ cấu nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng; xác định được các yếu tố thúc đẩy phát triển KTS tại tỉnh. Qua đó, tỉnh có thể đánh giá tổng thể về KTS tại địa bàn, có định hướng về chính sách và các giải pháp cụ thể để phát triển KTS đến năm 2030./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số là nền tảng để Bình Dương phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO