Hải Phòng giải bài toán mục tiêu đảm bảo cung cấp DVCTT toàn trình
Năm 2025, TP. Hải Phòng sẽ quyết tâm hoàn thành mục tiêu cung cấp, sử dụng hiệu quả các thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để làm được điều này, Hải Phòng sẽ tập trung ưu tiên, thúc đẩy đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể, trong đó ưu tiên việc: Tạo động lực cho cán bộ và mọi người dân; Mở rộng phạm vi, đối tượng sử dụng; Tăng cường giám sát, rà soát, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… Đó là những nội dung chính được ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ TT&TT mới đây.
Cần khơi thông các điểm nghẽn
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường, Hải Phòng luôn xác định khi xây dựng, vận hành hiệu quả chính quyền số, chính quyền điện tử, nhất là hướng đến cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để phục vụ người dân chính là một nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện tốt, hiệu quả, thực chất.
Do đó, Thành phố xác định cần tập trung thực nhiệm vụ này theo cách cần phải tạo động lực khi triển khi nhiệm vụ trên, nghĩa là cần đưa DVCTT trở thành phổ biến đối với toàn thể người dân và cán bộ công chức. Đồng thời, Thành phố sẽ mở rộng phạm vi thực hiện theo cách tập trung đạt mục tiêu kép bằng cách tăng số DVCTT toàn trình và giữ vững sự phổ biến của hồ sơ trực tuyến.
Cùng với đó, Hải Phòng sẽ tập trung, liên tục tổng rà soát, đánh giá các TTHC và tiến hành cắt giảm tái cấu trúc các TTHC để tích hợp, đồng bộ, chia sẻ liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường, hiện nay Hải Phòng đã đưa được 1.140 DVCTT lên toàn trình (chiếm 60%) và 375 DVCTT một phần (20%). Hơn nữa, đến cuối năm 2024, Hải Phòng là địa phương đã đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đến 90% và tỷ lệ số hoá hồ sơ đạt 92%, tỷ lệ số hoá hồ sơ phát sinh thanh toán trực tuyến là 60%...
“Với những kết quả tích cực ban đầu này, Hải Phòng sẽ quyết tâm hơn nữa, nhất giai đoạn 2023 - 2024, TP. Hải Phòng tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chính phủ yêu cầu đạt 100% các TTHC đủ điều kiện cung cấp DVCTT toàn trình và đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia”, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.
Và để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên, năm 2025, Hải Phòng xác định cần quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, hạn chế vướng mắc, bằng cách tập trung vào việc chuyển đổi tối đa các hồ sơ chưa được đưa lên trực tuyến. Mục tiêu của Chính phủ đến hết năm 2025, tỷ lệ hồ sư trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt 70%.
Cùng với đó, Hải Phòng sẽ tập trung vào việc phân tích, đánh giá các nguyên nhân, điểm nghẽn và xác định tiếp tục rà soát các cấu trúc TTHC đang là trực tuyến một phần hoặc chưa cung cấp trực tuyến mà có nhiều hồ sơ phát sinh thì cần ưu tiên đưa lên cung cấp trên hệ thống các DVCTT toàn trình, đồng thời ưu tiên các TTHC có nhiều hồ sơ nhất để thực hiện.
Và Thành phố sẽ phấn đấu nâng số TTHC toàn trình đang đạt mức kết quả 60% lên tối thiểu 80%. Và để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng giao trách nhiệm, các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ về hồ sơ cho từng sở, ngành, đơn vị, địa phương của Thành phố, gắn trách nhiệm, chịu trách nhiệm cho lãnh đạo, người đứng đầu.
Rà soát triệt để các thành phần hồ sơ
Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cũng chỉ ra điểm nghẽn đang tồn tại hiện nay chính là: Các TTHC bản sao từ bản giấy đang chiếm tỷ lệ lớn (có khoảng 140.000 hồ sơ người dân dùng bản giấy để chứng thực trực tiếp, chiếm 21%). Việc chứng thực giấy tờ cá nhân, bằng cấp đang chiếm tỷ lệ lớn về nhu cầu sử dụng nhưng pháp luật chưa yêu cầu đưa lên trục tuyến.
Do đó, muốn khơi thông điểm nghẽn, Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành rà soát triệt để các thành phần hồ sơ, ưu tiên sử dụng kết quả các TTHC đã được số hoá hoặc các hồ sơ đã được xác thực, chứng thực điện tử, chữ ký số đã được cấp cho công dân lấy từ các cơ sở dữ liệu dùng chung hay quốc gia, chuyên ngành cung cấp.
Và trong trường hợp người dân có nhu cầu cấp bản sao, Hải Phòng sẽ cấp bản sao chứng thực điện tử song song để người dân được thuận lợi, thưc hiện các yêu cầu, mong muốn về quyền lợi. Cùng với đó, các đơn vị cần hiện đại hoá bộ phận một cửa giúp người dân có thể số hoá nhanh chóng hoặc chủ động tự số hoá các giấy tờ cũng sẽ được thực hiện.
Hải Phòng cũng đẩy mạnh thực hiện thông qua giải pháp: Kho dữ liệu dùng chung hay kho dữ liệu điện tử (có các kết nối các dịch vụ công dựa trên việc đảm bảo kết nối dữ liệu chuẩn, sạch, mới); Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, TTHC (có kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia và Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) của Bộ TT&TT); Tuyên truyền, phổ biến nâng cao chất lượng việc cung cấp, sử dụng DVCTT cho người dân, doanh nghiệp.
Không chỉ đưa ra các góc nhìn, giải pháp về điểm nghẽn, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cũng đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này như: Đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành chia sẻ cho các địa phương tái sử dụng không chỉ các thông tin giải quyết TTHC mà cần có cả các thông tin hồ sơ điện tử do người dân và doanh nghiệp đã nộp trên các hệ thống được kết nối liên thông trên trục liên thông văn bản quốc gia.
Hải Phòng đề nghị các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật để tái cấu trúc các TTHC, giảm các thành phần hồ sơ, yêu cầu; ưu tiên tái sử dụng dữ liệu sẵn có trên hệ thống kho dữ liệu quốc gia, hệ thống dữ liệu điện tử, chuyên ngành…
“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng kho dữ liệu điện tử về văn bằng, chứng chỉ, cung cấp thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia để các địa phương có thể khai thác, giúp giảm giấy tờ, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường nhấn mạnh./.