Theo đó, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) đã cáo buộc Google ngăn cản các nhà sản xuất điện thoại thông minh địa phương tùy chỉnh hệ điều hành Android của hãng này.
Hệ điều hành Android của Google hiện đang chiếm thị phần lớn trên thị trường điện thoại thông minh, trước nền tảng iOS của Apple.
KFTC cho biết các điều khoản hợp đồng của Google với các nhà sản xuất điện thoại thông minh đã dẫn đến việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hạn chế cạnh tranh trên thị trường hệ điều hành di động bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh tuân thủ "thỏa thuận chống phân mảnh (AFA)" khi ký các hợp đồng quan trọng liên quan đến các giấy phép của cửa hàng ứng dụng.
Với thỏa thuận AFA này, Google đã quy định các nhà sản xuất điện thoại di động thông minh không được phát triển và cài đặt bất cứ hệ điều hành di động nào của riêng mình dựa trên nền tảng Android.
KFTC cho rằng điều này đã giúp Google củng cố vị thế thống trị của mình trên thị trường hệ điều hành di động, đồng thời kìm hãm sự đổi mới trong việc phát triển các hệ điều hành mới cho điện thoại thông minh.
Theo phán quyết của Hàn Quốc, Google sẽ bị cấm ép buộc các nhà sản xuất điện thoại di động ký thỏa thuận AFA và cho phép các nhà sản xuất áp dụng các phiên bản hệ điều hành Android đã sửa đổi trên thiết bị của họ.
Chủ tịch KFTC Joh Sung-wook cho biết, quyết định này của KFTC có ý nghĩa tạo cơ hội để khôi phục áp lực cạnh tranh trong tương lai trên thị trường ứng dụng và hệ điều hành di động.
Trong khi đó, người phát ngôn của Google cho rằng các chính sách của Android đã thúc đẩy đổi mới phần cứng và phần mềm, đồng thời mang lại thành công cho các nhà sản xuất và phát triển điện thoại Hàn Quốc.
“Quyết định của KFTC được đưa ra ngày hôm nay đã bỏ qua những lợi ích này và sẽ làm mất đi những lợi thế mà người tiêu dùng được hưởng. Google dự định sẽ kháng cáo quyết định của KFTC”, người phát ngôn của Google chia sẻ với CNBC.
Phán quyết được đưa ra cùng ngày khi Đạo luật Kinh doanh Viễn thông của Hàn Quốc - thường được mệnh danh là “luật chống Google” - có hiệu lực. Luật này yêu cầu các chủ sở hữu nền tảng lớn như Google và Apple cho phép các nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán của bên thứ ba trong ứng dụng của họ.
Trước đó, cả hai công ty đều yêu cầu các nhà phát triển chỉ sử dụng các quy trình thanh toán tích hợp trong ứng dụng và vấp phải làn sóng chỉ trích lớn vì yêu cầu các nhà triển ứng dụng nộp mức phí "hoa hồng" 30% cùng những điều kiện phức tạp nếu muốn kinh doanh ứng dụng trên App Store và Play Store./.