Truyền thông

Hành trình đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài

Đoàn Ngọc Dũng 01/12/2024 08:54

Tiềm năng tăng trưởng công nghệ thông tin của thị trường thế giới vẫn còn rất lớn, tăng đều ổn định hàng năm và các doanh nghiệp công nghệ số Việt đang có dư địa lớn để đầu tư ra nước ngoài.

Ghi dấu trên thị trường quốc tế

Những năm qua, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng và năng lực cạnh tranh. Cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước, góp phần thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu, cùng cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng thế giới số.

anh-bai.jpeg
Unitel là Công ty Viễn thông số 1 tại Lào của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel.

Số liệu thống kê cho thấy hiện nay tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động ước tính gần 52.000 trong đó hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Năm 2023 doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, dự kiến đạt gần 10 tỷ USD năm 2024, tốc độ tăng trưởng khoảng 30%. Cả nước hiện có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD đầu tư tại 81 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có 223 dự án với tổng vốn đăng ký 2,84 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Các dự án chủ yếu tập trung vào thị trường Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Các dự án viễn thông có quy mô lớn hơn, tập trung tại Myanmar, Peru và một số nước châu Phi. Trong khi đó, các dự án công nghệ thông tin quy mô nhỏ, tập trung vào Singapore, Mỹ, Nhật Bản.

Năm 2022, FPT đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Năm 2023, sản phẩm chip của FPT đang bước đầu hiện diện ở thị trường Mỹ, Nhật. FPT cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng… Năm 2022 là năm đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel thành công ở thị trường quốc tế với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD năm 2023. Viettel đang giữ vị trí nhà mạng 5G số 1 tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng là doanh nghiệp Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào… Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới như chip bán dẫn, Generative AI, Blockchain…

Các doanh nghiệp này có mặt trên 20 quốc gia với có hàng chục ngàn nhân sự, thực hiện chuyển đổi số cho những doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 và những tập đoàn hàng đầu thế giới. Công nghệ số được đánh giá là điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu. Trong khi các doanh nghiệp lớn đã có những bước đi thành công trong việc chinh phục thị trường quốc tế, lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực nhiều tiềm năng cho cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cơ hội và thách thức

Trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin trong nước gặp khó khăn, chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra hướng mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, khẳng định vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tại hội nghị “Đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới - Cơ hội và thách thức” ngày 17/10/2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin cho biết Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần. Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó có gần 500.000 kỹ sư. Cơ cấu ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam năm 2023, có khoảng 63% doanh nghiệp làm về phần cứng, điện tử, 17% doanh nghiệp làm về phần mềm, 14% doanh nghiệp làm về buôn bán, phân phối sản phẩm…

Bên cạnh đó, khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam có đào tạo nhóm ngành công nghệ thông tin và bổ sung các chuyên ngành mới như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, khoa học dữ liệu... Điều này cũng giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực công nghệ thông tin có tay nghề cao ở nước ta.

Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, kỳ vọng sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đồng thời từ đó góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Dự thảo cũng nhằm thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp thông qua việc đưa công nghệ số thâm nhập vào các ngành, lĩnh vực, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.

Ngoài dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam luôn sẵn sàng từ ngân sách nhà nước; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và nguồn vốn hợp pháp khác của doanh nghiệp; Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, doanh nghiệp; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích... Chính phủ cũng đã và đang có những hỗ trợ nhất định đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như các chương trình tài trợ, vay vốn và hỗ trợ tài chính. Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số thì có vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ...

Để gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư ra nước ngoài hiệu quả nhà nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số và thương mại điện tử; tận dụng các nguồn lực quốc tế nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp cận thị trường các nước, tìm kiếm đối tác; phân tích tiềm năng thị trường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.

Về phía các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu khả năng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, chú trọng đến tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, giữ uy tín, bảo mật thông tin, phối hợp, không ngừng đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm, học tập doanh nghiệp đi trước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Đề xuất một số giải pháp bảo mật cho hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
    Thực trạng bảo mật: Ngành ngân hàng Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về dịch vụ trực tuyến nhưng đối mặt với nhiều rủi ro bảo mật do hacker tấn công qua mã độc, phishing, và khai thác tâm lý người dùng. Vấn đề phổ biến: Các hình thức tấn công điển hình bao gồm mã độc, lỗ hổng hệ thống, giả mạo OTP qua SMS và lừa đảo qua tin nhắn, gây thiệt hại tài chính và mất niềm tin khách hàng.
  • Stuff phát triển podcast về tội phạm gây tiếng vang lớn
    Với chuỗi podcast về tội phạm có thật mang tên The Trial, Stuff đã đổi mới cách tiếp cận các thủ tục tố tụng tại tòa án và thu hút được lượng lớn khán giả quốc tế.
  • Công nghệ dẫn lối giao thông xanh
    Công cuộc phát triển giao thông bền vững đang đạt được những bước tiến quan trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên, để thực sự làm chậm lại tác động của biến đổi khí hậu, các sáng kiến xanh cần được mở rộng và đi sâu hơn. Tại Việt Nam, câu chuyện về giao thông xanh không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững.
  • Bảo vệ trẻ em theo Nghị định 147: Cần sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của doanh nghiệp
    Với Nghị định 147/2024/NĐ-CP, lần đầu tiên Việt Nam đã có những quy định nhằm bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội và khi chơi game. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, cần có sự phối hợp và giám sát chặt chẽ từ các doanh nghiệp.
  • Du lịch tình nguyện - mang “cần câu” đến miền núi
    Rất nhiều vấn đề đặt ra trong việc làm từ thiện đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi trong những năm qua, nhất là sau trận bão Yagi lịch sử năm 2024. Điều này đặt ra vấn đề cần phải làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, tập trung, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Hành trình đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO