Doanh nghiệp số

Hành trình xây dựng nhà máy thông minh của Unilever Việt Nam

Minh Thiện 21:17 29/05/2023

Unilever Việt Nam đã ghi dấu ấn và được vinh danh ở hạng mục “Top doanh nghiệp công nghiệp 4.0” nhờ vào các dự án chuyển đổi số thành công, tiêu biểu.

Unilever Việt Nam vừa được tôn vinh là doanh nghiệp (DN) công nghiệp 4.0 tại Chương trình Biểu dương “Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - Industrie 4.0 Awards” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì, với sự bảo trợ của Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hành trình chuyển đổi số (CĐS) của Unilever Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 2019 với tầm nhìn trở thành công ty hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực CĐS. Trong đó, công tác số hóa tại chuỗi sản suất và phân phối được Unilever Việt Nam đặt ra các mục tiêu, lộ trình cùng kế hoạch hành động cụ thể.

top-4.0.jpg
Unilever được tôn vinh tại Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam

Đầu tiên, công ty đã hiện thực mục tiêu số hóa toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng. Hệ thống kết nối vạn vật (IoT - Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu ứng dụng giúp kết nối mọi hoạt động trên cùng một nền tảng, từ đó tăng tốc độ hoạt động trong toàn chuỗi lên gấp 10 lần, xử lý một khối lượng dữ liệu và công việc lên gấp nhiều lần một cách chính xác, hiệu quả.

Là một mắt xích quan trọng để chuyển đổi từ kế hoạch kinh doanh thành sản phẩm cuối cùng đưa đến tay khách hàng, các nhà máy của Unilever không dừng ở việc tự động hóa dây chuyền sản xuất mà còn nhanh chóng hướng đến mô hình nhà máy thông minh (Smart Factory) và robot hóa.

tu-dong-hoa-san-xuat.jpg
Tự động hóa sản xuất với việc ứng dụng robot vào dây truyền tại nhà máy của Unilever

Đồng thời, DN cũng đang hướng tới mô hình hoạt động liên tục theo thời gian thực (real-time) để có thể đáp ứng ngay lập tức các nhu cầu của khách hàng và thị trường. Đây được coi là đích đến quan trọng của chuỗi cung ứng mà các công ty hàng tiêu dùng trên thế giới luôn hướng tới.

Để đạt được những mục tiêu trên, Unilever Việt Nam đã chủ động đầu tư vào các tài năng kỹ thuật số bằng cách thu hút nhân tài, đào tạo chuyên sâu, thực hiện các dự án trọng điểm. Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên của Unilever thành lập nhóm chuyên gia CĐS chuyên biệt, đào tạo nội bộ hơn 300 nhà phân tích dữ liệu và tạo ra phong trào CĐS khắp các phòng ban.

van-hanh1.jpg
Vận hành được số hóa tại nhà máy Unilever

DN không chỉ làm việc theo hướng số hóa mà còn thấm nhuần “tư duy CĐS” trong mọi hoạt động, tại mọi phòng ban. Số hóa đã trở thành lợi thế cạnh tranh của Unilever để thúc đẩy hiệu suất vượt trội và phát triển con người để sẵn sàng cho những cơ hội và xu thế của tương lai.

Ông Phạm Mạnh Trí, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng tại Unilever Việt Nam chia sẻ: “Từ góc độ của một DN hàng tiêu dùng gắn bó với hàng triệu gia đình Việt Nam, CĐS không chỉ giúp Unilever “nạp nhiên liệu” cho hầu hết các hoạt động, tạo động lực nâng cao năng lực sản xuất và vị thế của DN, mà còn giúp chúng tôi thúc đẩy việc tiếp cận khách hàng hiệu quả, cũng như tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế của tương lai".

tuong-lai.jpg
Unilever nhận giải thưởng nhờ dẫn đầu mô hình sản xuất số của tương lai

Bên cạnh số hóa nhà máy và chuỗi cung ứng, Unilever Việt Nam còn để lại nhiều dấu ấn CĐS đối với kênh phân phối thông qua mô hình bán hàng số, đa kênh, kết nối bởi dữ liệu; và mô hình tiếp thị dựa trên dữ liệu (data-driven marketing) cùng những công nghệ mới như máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ thực tế mở rộng (extended reality - XR).

Như vậy, một quy trình từ sản xuất thông minh tới phân phối thông minh được Unilever Việt Nam từng bước thiết lập và ứng dụng đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động CĐS chuyên sâu vẫn đang được DN tiếp tục nghiên cứu và đưa vào ứng dụng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hành trình xây dựng nhà máy thông minh của Unilever Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO