Tổng quan về sự phát triển mạng xã hội trên thế giới
Sự phát triển của MXH là một trong những xu hướng phát triển nhanh nhất hiện nay, nhiều trang MXH có đến hàng tỷ thành viên có xuất xứ từ Mỹ (Facebook, YouTube), Trung Quốc (Tiktok, Wechat…) và Nga (Vkontakte) là những trang mạng hàng đầu trên thế giới về số lượng người dùng phổ biến. Số liệu thống kê của báo cáo toàn cầu về số (Digital global report 2021) chỉ ra sự phát triển của MXH đã tăng nhanh đáng kể kể từ khi bùng phát COVID-19. Số lượng người dùng MXH đã tăng hơn 13% trong năm qua, với gần nửa tỷ người dùng mới, đưa tổng số người dùng toàn cầu lên gần 4,2 tỷ vào đầu năm 2021. Trung bình, hơn 1,3 triệu người dùng mới tham gia MXH mỗi ngày trong năm 2020, tương đương với khoảng 15 ½ người dùng mới mỗi giây.
Theo báo cáo của hãng số liệu thống kê nổi tiếng Statista năm 2021, số lượng người dùng MXH vẫn tiếp tục tăng trên thế giới, đạt khoảng 4,41 tỷ người dùng vào năm 2025.
Số liệu trên cho thấy, người sử dụng vẫn dùng nhiều MXH trong thời gian tới. Tuy nhiên, các MXH sẽ phải có chính sách để thay đổi cách cung cấp dịch vụ và cách trải nghiệm mới. Các chính sách này tập trung vào việc phục vụ nhu cầu của người dùng và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân được đặt lên hàng đầu nhằm tạo ra một môi trường MXH an toàn và lành mạnh.
Tác động của hành vi ứng xử trên MXH đối với người dùng
Trong xã hội hiện đại, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đang chiếm một phần quan trọng việc tương tác trực tiếp và ở nhiều cá nhân, đã có sự lạm dụng rộng rãi việc sử dụng đó. Nhiều người dùng đã dành nhiều thời gian trên các nền tảng MXH hầu như mọi lúc và mọi nơi, thay vì chú ý đến công việc khác như học tập, nghiên cứu, tương tác trực tiếp với người khác. Vấn đề đáng báo động hơn, nhiều người dùng MXH đang có xu hướng dành nhiều thời gian giao tiếp xã hội trên các nền tảng MXH, vì họ cho rằng, ở đó họ có thể tự do làm bất cứ điều gì và tải lên những gì họ muốn, và nói chuyện với những người họ muốn.
Tác động đến xã hội
Bằng chứng chỉ ra, các hành vi ứng xử trên MXH ảnh hưởng đến mọi người theo cách khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sử dụng và đặc điểm tính cách của người dùng. Mặc dù đó là các hành vi ứng xử trên môi trường ảo nhưng hậu quả rất nghiêm trọng trong xã hội thực. Theo khảo sát của Microsoft về chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) công bố năm 2021 cho thấy 7 loại hậu quả mạnh nhất do các hành vi không đúng mực trên mạng, bao gồm: Không còn muốn tham gia MXH, blog, forum; Tổn hại uy tín cá nhân; Mất tiền; Muốn bỏ học; Nghĩ đến việc tự tử; Bỏ việc; Tổn hại thể chất.
Như vậy, các hành vi ứng xử trên MXH vô tình có thể trở thành con dao hai lưỡi, giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho ai đó thấy tự tin và sống lạc quan hơn.
Tác động đến sức khỏe tinh thần
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), MXH mang lại nhiều lợi ích cho thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát triển các kỹ năng giao tiếp, kết bạn, theo đuổi các lĩnh vực quan tâm cũng như những chia sẻ về suy nghĩ và ý tưởng. Tuy nhiên, mặt trái của MXH có thể là những tác động tiêu cực về mặt sức khỏe, đặc biệt là nội tâm của một bộ phận thanh thiếu niên. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew trích nguồn từ các Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy, vì dành quá nhiều thời gian đăng nhập MXH (hơn 3 giờ mỗi ngày) và thường xuyên tiếp xúc với các hành vi có hại, người dùng có nguy cơ cao đối với các vấn đề liên quan đến những bệnh lý thần kinh như: Suy giảm tinh thần, rối loạn thần kinh hoặc bị trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy: Thanh niên (từ 18 đến 25 tuổi) có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao nhất là 25,8%, người ở độ tuổi (từ 26 đến 49) là 22,2% và 13,8% ở độ tuổi (50 trở lên).
Báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC-Mỹ) công bố vào tháng 5 năm 2021 cho biết, tình trạng liên quan đến bệnh lý thần kinh ở lứa tuổi học đường (13-24 tuổi) tăng cao, đạt hơn 31% trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19. Nguyên nhân là do người dùng ở lứa tuổi này dành thời gian học trực tuyến và truy nhập vào Internet nhiều hơn so với thời điểm trước dịch bệnh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm (ADAA-Mỹ), hầu hết mọi người - trẻ và già - đều có thể tiết chế việc sử dụng MXH để tránh các nguy cơ bị chiếm đoạt cuộc sống. Tuy nhiên, 20% người dùng có ít nhất một tài khoản MXH cho biết ít nhất ba giờ một lần, họ phải kiểm tra tài khoản để tránh cảm giác lo lắng. Hiện tượng này được ADAA gọi là hiện tượng “Rối loạn lo âu trên MXH” - một chứng bệnh tâm thần phổ biến nhất ở Mỹ.
Các triệu chứng của rối loạn lo âu trên MXH bao gồm: Dừng để kiểm tra MXH khi đang trò chuyện; Dành hơn 6 giờ mỗi ngày để sử dụng MXH; Nói dối về lượng thời gian dành cho MXH; Thất bại trong nỗ lực cắt giảm việc sử dụng MXH; Bỏ bê hoặc mất hứng thú với trường học, công việc và các hoạt động yêu thích; Trải qua các triệu chứng hồi hộp, lo lắng hoặc cai nghiện nghiêm trọng khi không thể kiểm tra MXH; Có mong muốn lớn được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Ngoài ra, ADAA cũng chỉ ra một số chứng bệnh phổ biến khác như: rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn bốc đồng, gián đoạn các chức năng tâm thần thích hợp, hoang tưởng và cô đơn… Các chứng bệnh này chủ yếu đến với những người sử dụng MXH cực đoan chứ không phải tất cả các cá nhân.
Tác động đến đời sống tâm lý của trẻ em
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 3 người sử dụng Internet trên thế giới thì có 1 trẻ em. Trung bình cứ nửa giây thì có một trẻ em lần đầu tiên sử dụng Internet, tức là mỗi ngày có hơn 175 nghìn trẻ em tham gia không gian mạng. Hiện nay, vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng là thực trạng nhức nhối và được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm, đặc biệt nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19.
Báo cáo của của Tổ chức Theo dõi Internet (Internet Watch Foundation - IWF) của Anh cảnh báo, việc các trường học đóng cửa sẽ làm tăng nguy cơ trẻ em bị dụ dỗ hoặc ép buộc gửi ảnh khiêu dâm trực tuyến. Trong một tháng tại vùng England (Anh) áp đặt lệnh phong tỏa, IWF và các đối tác đã chặn ít nhất 8,8 triệu lượt truy cập vào các video và hình ảnh trẻ em bị lạm dụng tình dục. Đến tháng 9/2020, số báo cáo về các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em mà IWF nhận được đã tăng tới 45% do ngày càng nhiều người dành thời gian lên mạng khi ở nhà.
Tại Australia (Úc), theo báo cáo tháng 4/2020 của Ủy ban An toàn trực tuyến (eSafety Commissioner), số trường hợp bắt nạt qua mạng đã tăng tới 40%, trong đó có 15% các vụ việc là liên quan đến đe dọa trực tiếp. Dịch bệnh kéo dài cộng thêm những xu hướng độc hại trên môi trường mạng xã hội đã khiến trẻ em đối mặt với nhiều áp lực và tổn thương.
Tại Mỹ, cuộc khảo sát do Tổ chức trẻ em Mỹ (Children US) thực hiện năm 2020 đối với 1.500 hộ gia đình cho thấy có tới, 52% trẻ em được hỏi cảm thấy buồn chán, 34% cảm thấy sợ hãi, 27% cảm thấy lo lắng, 24% cảm thấy bối rối, 23% cảm thấy căng thẳng, 22% cảm thấy không vui trong thời gian đại dịch.
Ngoài ra, các chuyên gia về an toàn không gian mạng cho biết mỗi ngày có khoảng 1,8 tỷ hình ảnh được đăng tải lên mạng, thì có đến 720.000 là các hình ảnh phi pháp về trẻ em.
Tác động đến an ninh quốc gia
Điều 4 (a) của Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc quy định rằng một số hình thức thể hiện bị cấm và bị trừng phạt bởi luật pháp từ các phát ngôn trực tuyến, bao gồm các: Phổ biến các ý tưởng dựa trên ưu thế chủng tộc hoặc hận thù; Kích động kỳ thị chủng tộc; Hành động hoặc kích động bạo lực chống lại bất kỳ chủng tộc hoặc nhóm người nào thuộc màu da khác hoặc nguồn gốc dân tộc của bạo lực có động cơ chủng tộc; Cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả bản chất tài chính, cho các hoạt động phân biệt chủng tộc. Hầu hết các nước cho rằng các phát ngôn trực tuyến như trên đều có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia, cần phải đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, tất cả các hành vi nào liên quan đến việc khuyến khích khủng bố hoặc hoạt động cực đoan, hoặc ca ngợi, tôn vinh hoặc biện minh cho chủ nghĩa khủng bố trên môi trường trực tuyến đều được coi là hành vi phạm tội và bị xử lý hình sự vì được coi là mối đe dọa trực tuyến. Từ góc độ chính trị, bất kỳ lời nói căm thù (hate speech) nào trên MXH cũng có thể gây ra tranh chấp sắc tộc và xúi giục chia rẽ các nhóm sắc tộc sẽ được coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia bởi vì nó không chỉ gây hại cho các mối quan hệ dân tộc mà còn làm suy yếu sự ổn định chính trị của chế độ. Trong việc cấm lời nói căm thù, chính phủ nhiều nước không chỉ đơn thuần là bảo vệ các nhóm thiểu số là nạn nhân; về cơ bản nó đang bảo vệ một trong những các trụ cột của trật tự chính trị.
Kết luận
Số lượng người dùng MXH trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng cao và MXH đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là phương tiện giúp cho mọi người dùng trao đổi, chia sẻ thông tin trực tuyến, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực, MXH còn tồn tại những tiêu cực, ảnh hưởng đến người dùng, đặc biệt là đối với những người dành quá nhiều thời gian hoặc bị nghiện lên MXH, hậu quả không chỉ có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tinh thần không tốt, hành vi ứng xử của người dùng cũng hoàn toàn có thể bị tác động tiêu cực vì MXH, họ dễ có những hành vi xấu, hành vi suy đồi hoặc hành vi ứng xử không đúng mực có thể khơi nguồn, tạo mối đe dọa đối với những người xung quanh, thậm chí có tác động tiêu cực đến sự ổn định xã hội và an ninh quốc gia./.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Pew Research Center: https://www.pewresearch.org/internet/2018/05/31/teenstechnology-acknowledgements/;
[2]. Impact of Social Media on Youth Mental Health: https://onlinedegrees.unr.edu/onlinemaster-of-public-health/impact-of-social-media-on-youth-mental-health/;
[3]. Centers for Disease Control and Prevention: https://www.cdc.gov/media/releases/2021/archives.html;
[4]. Anxiety and Depression Association of America: https://adaa.org/.
[5]. Statistic 2021, https://www.statista.com/statistics/278414/number-of-worldwide-socialnetwork-users.6. https://www.savethechildren.net/news/covid-19-2-3-parents-us-worry-about-theirchild%E2%80%99s-emotional-mental-well-being.
[7]. https://www.mediadefence.org/ereader/publications/advanced-modules-on-digitalrights-and-freedom-of-expression-online/module-3-criminalisation-of-online-speech/restricting-freedom-of-speech-online/
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2021)