Chuyển động ICT

Hầu hết các nhà mạng triển khai 5G đều lỗ

Hoàng Linh 30/11/2023 06:17

Việt Nam sẽ sớm triển khai 5G trong năm 2024 và Hà Nội đã chuẩn bị cho việc triển khai 5G, đồng thời cũng để đáp ứng xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh (TPTM).

Tiên phong xây dựng đề án hạ tầng dùng chung

Trao đổi tại tọa đàm “5G - Xây dựng TPTM sẵn sàng cho phát triển tương lai” chiều ngày 29/11 trong khuôn khổ Hội nghị TPTM Việt Nam - châu Á 2023 trong 2 ngày 29 và 30/11, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho biết từ năm 2019, theo giấy phép thử nghiệm 5G, hai nhà mạng Viettel, Vinaphone đã triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Hiện tại trên địa bàn Hà Nội đã có gần 100 trạm BTS 5G của hai nhà mạng này.

toa-dam-5g.jpg
Tọa đàm “5G - Xây dựng TPTM sẵn sàng cho phát triển tương lai”

Ông Sỹ khẳng định hạ tầng của Hà Nội đảm bảo đầy đủ và đa dạng theo phương châm dùng chung hạ tầng. Hà Nội hiện có gần 12.000 trạm BTS, trong đó khoảng 30% số trạm là các trạm dùng chung. 1 cột BTS có thể dùng chung cho 3, 4 nhà mạng.

Ở Hà Nội, ông Sỹ cũng cho biết các công tác cấp phép cũng như việc xây dựng trạm BTS là một việc khó khăn. Chính vì vậy, từ năm 2010, TP. Hà Nội đã xây dựng một đề án về hạ tầng dùng chung của các nhà mạng đầu tiên trên cả nước.

Thách thức và cơ hội tích hợp 5G vào hạ tầng đô thị của Hà Nội?

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Sỹ, Hà Nội luôn đón chào các nhà mạng xây dựng trạm BTS 5G. “Hà Nội có các đầy đủ cơ sở pháp lý về quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, các văn bản của UBND Thành phố về cấp phép xây dựng trạm BTS mới. Đặc biệt, ngày 24/11, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) trong đó cho phép các nhà mạng xây dựng các trạm BTS trên đất công. Đây là một điểm khởi đầu tốt đẹp cho các nhà mạng xây dựng trạm trên 63 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội”.

Trong năm 2024, theo kế hoạch, Bộ TT&TT sẽ tắt sóng 2G, tuy nhiên, số lượng trạm BTS triển khai mới cho 5G cũng không nhiều bởi có thể lắp trạm 5G lên 12.000 trạm BTS mà Hà Nội có sẵn. Hạ tầng cho 5G đã sẵn sàng và cơ sở pháp lý cho 5G của Hà Nội cũng đã đầy đủ, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho hay.

Trước những thông tin chia sẻ từ lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban Chuyển đổi số (CĐS), Tổng công ty MobiFone cho biết trong năm 2024, MobiFone sẽ đầu tư cho 5G tại Hà Nội khi có giấy phép chính thức triển khai 5G.

Ông Huy cũng thông tin đầu tư cho 5G rất nhiều thách thức vì gần như 100% nhà mạng trên thế giới khi đầu tư vào 5G thì đều lỗ vì giá cước cho dữ liệu không tăng được, trong khi tỷ suất đầu tư cho 5G là rất là lớn, mật độ phủ sóng 5G phải dày.

Theo thống kê, không có một nhà mạng nào trên thế giới tăng giá thành cho 1 MB dữ liệu vì người dùng đã quen dùng tốc độ đó của 4G. Trong khi đó 5G có thể đáp ứng các nhu cầu về TPTM, nhà máy thông minh… nhưng nhu cầu này lại chưa cao ở những nước như ở Việt Nam nên triển khai 5G là lỗ.

Để giải quyết vấn đề này, ông Huy cho biết nhiều quốc gia đã có nhiều cách thức khác nhau như ở Malaysia thành lập 1 công ty chung về hạ tầng. Ba nhà mạng lớn nhất của Malaysia góp vốn chung để xây dựng công ty hạ tầng đó và sau đó dùng chung hạ tầng đó.

Đóng góp của đào tạo về 5G cho phát triển ĐTTM

Chia sẻ khía cạnh đào tạo về viễn thông, 5G để đáp ứng triển khai TPTM tại Việt Nam, ông Trần Quý Nam, chuyên gia, Trưởng Lab CĐS - Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cho biết mỗi năm cơ sở giáo dục đào tạo này đào tạo 550 sinh viên về viễn thông. Tổng cộng mỗi năm PTIT luôn có khoảng 2000 sinh viên ở các khoá được đào tạo về lĩnh vực viễn thông để đáp ứng nhân lực của lĩnh vực viễn thông và phát triển 5G.

Ông Trần Quý Nam cũng thông tin PTIT là đơn vị luôn tiên phong và được Bộ trưởng Bộ TT&TT giao về mặt tư vấn công nghệ, bản đồ công nghệ, xây dựng các chính sách cho CĐS, hạ tầng mạng 5G.

5g.png

Cách đây 3 tháng, PTIT trình Bộ trưởng Bộ TT&TT phê duyệt bản đồ số cho 5G, để định hướng đầu tư cho 5 - 10 năm tới. PTIT luôn xác định vai trò, trách nhiệm thúc đẩy 5G nói chung cũng như các ứng dụng trong ĐTTM. PTIT được Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp đặt hàng để phát triển sản phẩm khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển TPTM ở Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Quý Nam, PTIT là cơ sở giáo dục đại học duy nhất trực thuộc Bộ TT&TT nên PTIT luôn ý thức trách nhiệm về mở ngành đào tạo về 5G, TPTM và tăng cường chất lượng cho chương trình đào tạo. Trong lĩnh vực viễn thông, PTIT đang đào tạo 4 chuyên ngành: mạng và dịch vụ Internet, các hệ thống CNTT, thông tin vô tuyến và di động và kỹ thuật dữ liệu.

Hiện nay, ông Nam cũng cho biết hiện nay xu thế hội tụ giữa CNTT và viễn thông, AI rất chặt chẽ. Nắm bắt được xu hướng này, PTIT đã tự chủ về chương trình đào tạo nên kịp thời thay đổi, đào tạo theo xu thế của thị trường. Hiện, PTIT có cả các môn học về cấu trúc dữ liệu, lập trình hướng đối tượng, hệ điều hành, thị giác máy tính… là các môn thiên về CNTT, đảm bảo các sinh viên viễn thông ra trường thích ứng ngay với công việc hiện nay./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hầu hết các nhà mạng triển khai 5G đều lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO