Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia

PV| 24/02/2022 09:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số (CĐS) quốc gia trên cơ sở liên kết 1.000 chuyên gia CĐS với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực CĐS, công nghệ số để gắn kết sức mạnh tri thức, thúc đẩy CĐS.

Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và giao Bộ TT&TT chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Mục tiêu chung của Đề án là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) để thúc đẩy thực hiện CĐS; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình CĐS quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình "giáo dục đại học số" tới tối thiểu 50% các trường đại học (ĐH) công lập trong toàn quốc. Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường ĐH, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về CĐS. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Đề án tập trung triển khai 03 nhóm nhiệm vụ gồm: nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về CĐS; nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng CĐS; nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực CĐS. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm nổi bật là:

- Xây dựng nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOC) về kỹ năng số cho phép người dân truy cập miễn phí để tự học các kỹ năng số; tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn về CĐS, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan từ trung ương đến cấp xã, trong tổ chức, DN nhà nước và cơ quan thông tấn, báo chí.

- Lựa chọn tối thiểu 1.000 cán bộ từ các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CĐS, công nghệ số, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu số để hỗ trợ ra quyết định phù hợp theo chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực. Hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS quốc gia trên cơ sở liên kết 1.000 chuyên gia CĐS với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực CĐS, công nghệ số để gắn kết sức mạnh tri thức, thúc đẩy CĐS.

- Xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình "Giáo dục ĐH số" tại một số trường ĐH phù hợp; xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS cơ sở giáo dục ĐH. Đề án còn đặt mục tiêu đến năm 2025 đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường ĐH, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về CĐS. Chỉ tiêu này đến năm 2030 là 20.000 kỹ sư, cử nhân.

- Xây dựng và tổ chức triển khai chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông với lộ trình triển khai cụ thể. Trong đó, ưu tiên triển khai thí điểm ở các thành phố trực thuộc trung ương và một số địa phương trước khi nhân rộng quy mô toàn quốc,…

Việc triển khai thực hiện Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân về CĐS và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện CĐS một cách đồng bộ, rộng khắp ở các cấp, các ngành, lĩnh vực. Ngày 17/02/2022, Bộ TT&TT đã có Văn bản số 489/BTTTT-THH gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị các bộ ngành và địa phương phổ biến, quán triệt các nội dung tại Quyết định số 146/QĐ-TTg cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 146/QĐ-TTg cho cả giai đoạn và kế hoạch hằng năm, bảo đảm đồng bộ các nội dung của kế hoạch với chương trình, kế hoạch phát triển chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cơ quan; phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để triển khai từng nhóm nhiệm vụ cụ thể của Đề án./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO