Hình thành mạng lưới Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, ĐMST và CĐS

Đỗ Thêu| 28/09/2022 07:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Hà Nội đặt mục tiêu, giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm xây dựng, vận hành ít nhất 1 Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) cấp thành phố. Mạng lưới sẽ thu hút 5.000 - 6.000 thành viên là thanh niên, sinh viên tham gia hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực khởi nghiệp, ĐMST và CĐS.

Hà Nội nắm nhiều lợi thế trở thành Trung tâm khởi nghiệp của cả nước

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 119 trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) và Học viện. Tuy nhiên, chỉ có một số ít các trường ĐH thực sự có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như: ĐH Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), ĐH Quốc gia Hà Nội (Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp). Tuy vậy, do kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất của các tổ chức này vẫn còn hạn chế, chưa có không gian để thiết kế, thử nghiệm nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Ngoài ra, Hà Nội hiện có khoảng 26 tổ chức là các vườn ươm doanh nghiệp (DN), tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian hỗ trợ khởi nghiệp.

Bàn về vấn đề này, ông Ngô Minh Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN (Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, Hà Nội có lợi thế với rất nhiều các trường ĐH, CĐ và Học viện của cả nước. Thành phố đã thay đổi căn bản về chính sách phát triển kinh tế - xã hội khi xác định DN, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế quốc gia, trong đó, khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST là nội dung đặc biệt được quan tâm.

Thành phố có nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể và đã có những tác động tích cực đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Thực tế cho thấy, các DN hoặc các dự án khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Ngô Minh Toàn, hiện nay việc liên kết các chủ thể hệ sinh thái vẫn chưa được đáp ứng. Thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán, khiến các nhà đầu tư chưa tìm được DN khởi nghiệp sáng tạo, còn DN khởi nghiệp sáng tạo chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ chính sách.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đánh giá tiềm lực lớn của Hà Nội với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, trường ĐH, thanh niên trẻ. Nhưng vấn đề hiện nay của Hà Nội là sử dụng nguồn lực hiệu quả. Hà Nội cần có nhiều sáng kiến để kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thủ đô.

Nhiều mục tiêu quan trọng

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3358/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án "Hình thành mạng lưới Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, ĐMST và CĐS".

Đề án nêu rõ, giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm xây dựng, vận hành ít nhất 1 Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, ĐMST và CĐS cấp thành phố. Mạng lưới sẽ thu hút 5.000 - 6.000 thành viên là thanh niên, sinh viên tham gia hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực khởi nghiệp, ĐMST và CĐS.

Toàn thành phố phấn đấu đến hết năm 2025, mạng lưới sẽ hỗ trợ phát triển khoảng 1.500 dự án khởi nghiệp lập nghiệp. Trong đó có 300 DN khởi nghiệp sáng tạo được thương mại hóa sản phẩm, ít nhất 100 dự án gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hằng năm, tổ chức ít nhất 7 khóa tư vấn hoặc đào tạo chuyên sâu dành cho các đối tượng tham gia Đề án về các nội dung: Quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa công nghệ, ươm tạo công nghệ, sáng tạo và khởi nghiệp... và 2 hội thảo chuyên đề về khoa học công nghệ, ĐMST, khởi nghiệp, CĐS. Không gian sẽ hỗ trợ kết nối ký thỏa thuận hợp tác ghi nhớ với tối thiểu 10 tổ chức nước ngoài trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND TP yêu cầu thực hiện thường xuyên, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong quá trình triển khai Đề án. Giám đốc các sở, ban ngành, đơn vị thuộc thành phố, đặc biệt là Thành đoàn Hà Nội triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tốt các nội dung của Đề án, qua đó tạo nền tảng, có tính kế thừa để tiếp tục phát triển ở giai đoạn sau. Đặc biệt chú trọng tính sáng tạo, tiên phong, đột phá và kết nối của thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam trong nước và quốc tế.

Phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức của các Đề án còn lại nằm trong "Chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp ĐMST và CĐS" mà Thành ủy Hà Nội đã giao cho Thành đoàn Hà Nội làm cơ quan chủ trì./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hình thành mạng lưới Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, ĐMST và CĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO