Make in Vietnam

Hỗ trợ 5 triệu hộ kinh doanh có thể ra quyết định dựa trên các con số

Huyền Thương 14/09/2023 06:45

Tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập công ty MISA vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập đến câu chuyện tiến quân ra nước ngoài, chinh phục thế giới của MISA.

Bà Thúy cho biết nền tảng MISA ASP sẽ cung cấp không chỉ tại Việt Nam mà có thể cung cấp dịch vụ “Grab kế toán” cho các DN trên thế giới. “Bằng chứng là MISA đã mời Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Indonesia đến thăm MISA và họ đánh giá rất cao sản phẩm của công ty đồng thời cho biết thị trường Indonesia với hàng triệu DN cũng có nhu cầu thuê dịch vụ như thế”.

Việt Nam đang có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong việc quản trị tài chính, kế toán do không đủ nguồn lực, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, hiệu suất kinh doanh. Việc phổ cập nền tảng kế toán số MISA ASP sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình ứng dụng CNTT, giải bài toán kinh doanh và chuyển đổi số (CĐS).

Theo Sách Trắng Việt Nam năm 2022, số DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng 94% tổng số DN ở Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh đang đóng góp một phần lớn cho sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới trải qua nhiều biến động, cả những suy thoái và khó khăn do dịch COVID-19 vừa qua, và công cuộc CĐS quốc gia đang diễn ra sâu rộng trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, bài toán cấp thiết đặt ra cho các DN, đó chính là quản trị tài chính, kế toán thuế một cách hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu suất kinh doanh. Thế nhưng, hiện nay các DN nhỏ, siêu nhỏ cũng như các hộ kinh doanh lại đang thiếu nguồn nhân lực, cả về số lượng lẫn chất lượng, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ để có thể thực hiện việc quản lý tài chính, kế toán thuế hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Nhận thấy sức mạnh cũng như tiềm năng của lực lượng kinh doanh hộ gia đình, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra các cơ chế, giải pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành DN. Bởi vì đất nước chỉ có thể phát triển khi lực lượng DN phát triển. Ngoài nhiều vấn đề khác trong kinh doanh, câu chuyện làm sao để 5 triệu hộ kinh doanh có thể phát triển lên DN sẽ liên quan nhiều đến quản trị tài chính, kê khai thuế, công tác kế toán.

anh-misa-1.jpg
Nền tảng kế toán số MISA ASP hỗ trợ hiệu quả cho các DN nhỏ.

Hộ kinh doanh: Ra quyết định cảm tính, chưa dựa trên dữ liệu

Theo ông Nguyễn Văn Thức, chuyên gia cấp cao về thuế và kế toán, cố vấn cấp cao Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kế toán Hà Nội, hiện nay do chưa có năng lực quản trị tài chính, kế toán thuế nên các DN nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt là các hộ kinh doanh đang ra quyết định chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân, dựa trên sự cảm tính và liều lĩnh, không căn cứ trên con số chính xác và kịp thời.

Ông Thức cho rằng: “Nhiều hộ kinh doanh đang ra quyết định và tưởng đó là cơ hội, nhưng có khi lại là nguy cơ. Họ muốn tuân thủ pháp luật nhưng không biết đâu là đúng, đâu là sai. Đó chính là thực trạng trong ra quyết định quản trị tài chính kinh doanh đối với DN nhỏ vừa, siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Trong khi đó, nói đến kinh doanh, nói đến quản trị tài chính, kế toán thuế thì phải nói đến con số và pháp chế. Vì vậy, muốn thay đổi đầu ra, phải thay đổi đầu vào và hãy bắt đầu từ quản trị thông tin tài chính, kế toán, thuế”.

Thực trạng hiện nay của các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình là con số và pháp chế rất yếu dẫn tới thất thoát và hiệu quả thấp. DN đọc hiểu báo cáo tài chính hời hợt, thậm chí không đọc dẫn tới không có thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời để ra quyết định, hoặc phó mặc hoàn toàn công tác kế toán cho một nhân sự có chất lượng, kỹ năng hạn chế. Hoạt động lưu trữ thông tin, dữ liệu, lưu trữ hóa đơn, sổ sách, báo cáo chưa đúng quy định dẫn tới hao hụt chi phí phát triển; chưa phân định được tài chính cá nhân, tài chính gia đình, tài chính công ty, dẫn tới lãi giả lỗ thật, hiểu lơ mơ về nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý tài chính, kế toán, thuế dẫn tới rắc rối, rủi ro pháp lý và chưa đo đếm được hiệu quả chính xác.

Như vậy, DN chưa kiểm soát, điều hành kinh doanh bằng con số, bằng công cụ, chưa ứng dụng CNTT mà chỉ bằng kinh nghiệm, bằng sự liều lĩnh, mơ hồ. Theo ông Thức, ngày nào mà trong quản lý kinh doanh chưa đo đếm, định vị, đối chiếu, đo lường, điều hành thì ngày đó còn chứa đựng rất nhiều rủi ro thua lỗ và rắc rối pháp lý. Do đó, DN cần nâng cao công cụ quản trị, tích hợp và lưu trữ thông tin trên các nền tảng số. Xác định thông tin là tài sản, từ đó có thể đưa ra quyết định một cách có phân tích, tính toán dựa trên dữ liệu.

Qua nhiều năm đồng hành với DN, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, từ trước đến nay DN nhỏ và các hộ kinh doanh thường có 3 khó khăn.

Thứ nhất là là khó khăn về tiếp cận đất đai, thứ hai là tiếp cận tiền vốn và thứ ba là về các thủ tục hành chính, khả năng thực thi pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay còn một khó khăn nữa mà các DN nhỏ và hộ gia đình đang gặp phải, đó là khó khăn về khả năng tiếp cận với các công nghệ mới và năng lực CĐS.

Theo bà Bùi Thị Trang, Giám đốc phát triển nền tảng của MISA, đối với công tác kế toán, hiện nay các DN, hộ kinh doanh hiện nay vẫn sử dụng dịch vụ kế toán thuế thông qua người thân, người quen hoặc tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên, dịch vụ đó được các công cụ tìm kiếm đưa ra dựa trên thuật toán về mặt quảng cáo chứ chưa có một nơi có thể tập trung nhiều các công ty dịch vụ kế toán, đại lý thuế uy tín và có những cái tiêu chí khách quan để DN lựa chọn.

Trong hơn 900.000 DN nhỏ, siêu nhỏ và của Việt Nam, khoảng 40% DN đang thuê ngoài dịch vụ kế toán. Các hộ kinh doanh cũng có xu hướng thuê dịch vụ kế toán. Ngược lại, ở phía các đại lý thuế và kế toán, các đại lý chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ cho những khách hàng ngay tại địa phương. Trong khi đó, mật độ DN và hộ kinh doanh có nhu cầu thuê dịch vụ lại ở trên toàn quốc, không phân bố một cách đồng đều tại các địa điểm có kế toán dịch vụ, đại lý thuế đang cung cấp dịch vụ.

Giải quyết bài toán xã hội bằng nền tảng số Make in Viet Nam

Vì thế, các DN, hộ kinh doanh và các đại lý thuế, kế toán dịch vụ rất cần có một nền tảng số, để họ có thể “gặp nhau”, lựa chọn nhau tùy theo tiêu chí của từng đối tượng.

misa-asp.png

Bà Bùi Thị Trang cho biết nền tảng MISA ASP là nền tảng kết nối giữa DN, hộ kinh doanh có nhu cầu phê duyệt kế toán với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán uy tín hiện nay trên thị trường. Với MISA ASP, một DN ở Cần Thơ có thể thuê đơn vị kế toán dịch vụ tại Hà Nội nhưng điều giá trị hơn nữa là DN vẫn dễ dàng kiểm tra và làm chủ dữ liệu tài chính của công ty, từ đó hiểu rõ các con số, phân tích cơ hội và đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu thời gian thực.

Một đơn vị kế toán dịch vụ có thể làm cùng lúc cho hàng trăm, hàng nghìn DN nhưng vẫn đảm bảo chất lượng với năng suất tăng gấp 10 lần. MISA ASP có thể quản lý toàn bộ thông tin của hàng trăm, hàng ngàn khách hàng cũng như nắm bắt tiến độ công việc của nhân viên, cập nhật tức thì những thay đổi trong công việc trên từng khách hàng.

Điểm nổi bật của nền tảng là được kết nối với Tổng cục Thuế, Ngân hàng điện tử, phần mềm bán hàng cùng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) hay ChatGPT giúp kế toán dịch vụ tự động hóa các công việc định kỳ, có tính chất lặp lại và dữ liệu được đồng bộ, nhanh chóng.

anh-misa-2.jpg
Ứng dụng nền tảng kế toán số, các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh có thể nắm bắt số liệu và ra quyết định kinh doanh chính xác, nhanh chóng và kịp thời.

MISA ASP cũng ứng dụng khoa học dữ liệu giúp phân tích dữ liệu, dự đoán, phát hiện sai sót cũng như đưa ra các hệ thống báo cáo quản trị giúp kế toán dịch vụ tham mưu cho chủ DN đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, kịp thời. Được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây, MISA ASP cho phép kế toán làm việc mọi lúc, mọi nơi, trực tiếp trên nền tảng. Đồng thời, chủ DN cũng dễ dàng nắm bắt số liệu tài chính tức thì và làm chủ dữ liệu ngay cả khi thuê dịch vụ kế toán. Đó chính là những khác biệt của việc thuê dịch vụ kế toán trên nền tảng số thay vì cách thức thuê dịch vụ kế toán truyền thống hiện nay. Bài toán của xã hội đã được giải quyết bằng chính nền tảng số “Make in Viet Nam”.

Giám đốc phát triển nền tảng của MISA cho biết trong 2 năm vừa qua, nền tảng MISA ASP đã có sự đồng hành của hơn 1.100 kế toán dịch vụ và đại lý thuế và đang hỗ trợ hơn 20.000 DN, hộ kinh doanh trên toàn quốc.

Công ty CP tư vấn thuế SAVITAX là một trong những DN đã CĐS từ nhiều năm qua. Bà Đinh Thị Huyền, Giám đốc công ty, cho biết trước đây, khi chưa sử dụng nền tảng MISA ASP, SAVITAX có nhiều cơ hội ký kết hợp đồng hợp tác với các DN trên toàn quốc, nhưng khoảng cách địa lý đã cản trở những cơ hội này. CĐS, ứng dụng nền tảng kế toán số MISA ASP, chất lượng dịch vụ của SAVITAX cũng được nâng cao. Công ty đưa ra quy trình, quy chuẩn về việc hạch toán dữ liệu kế toán cho tất cả các nhân viên và khi chuyển đổi lên nền tảng số, nhân viên được giám sát và quản lý một cách chặt chẽ. DN khi sử dụng dịch vụ của SAVITAX cũng nắm được mọi số liệu.

Vượt qua thách thức để đưa nền tảng số đến với hộ kinh doanh

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch HĐTV kiêm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam, cho biết Việt Nam đang tập trung CĐS trên ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Quá trình CĐS này sẽ có rất nhiều vấn đề lớn liên quan, cần sự kết hợp giữa các đơn vị cung cấp pháp, đơn vị làm nhiệm vụ. Một nền tảng kế toán số chính là vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để thực hiện phân tích, ra những giải pháp quyết liệt, nhanh tính chất công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin. Đặc biệt, nền tảng số giúp DN, hộ kinh doanh có thể trao đổi, cập nhật thông tin và nâng cao ý thức sử dụng công nghệ.

Tuy vậy, để nền tảng số đến được với các hộ gia đình không phải là không có những khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, những nhận thức, thói quen, cách làm truyền thống là một rào cản và cần thay đổi, hỗ trợ hộ kinh doanh ứng dụng CNTT trong vận hành.

Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA, cho biết nhiều DN, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, đã gặp những khó khăn ban đầu với nền tảng số, vì trình độ sử dụng công nghệ chưa cao. Vì thế, MISA phải thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cả bằng hình thức online, “thậm chí xuống tận nơi hỗ trợ” cho các hộ gia đình.

Hơn nữa, nếu chỉ ứng dụng các phần mềm, ví dụ phần mềm kế toán, nhân sự hay bán hàng, phần mềm quản lý công việc một cách riêng lẻ thì đó mới là ứng dụng công nghệ thông tin, hay tự động hóa. Nói đến CĐS, tức là phải nói đến sự thay đổi về cách thức làm việc. Thay đổi đó phải thực hiện thông qua một nền tảng số, có thể kết nối các nghiệp vụ với nhau, giữa kế toán, bán hàng, nhân sự và quản trị điều hành.... Việc kết nối đó sẽ giúp DN có dữ liệu liên thông, giúp tối ưu, tiết kiệm chi phí và cung cấp dữ liệu một cách tức thời cho các chủ DN.

Nền tảng số không chỉ kết nối ở bên trong mà còn phải có “khả năng mở” để kết nối với bên ngoài, tức là có thể kết nối với các tổ chức như kho bạc, thuế, bảo hiểm, hải quan, ngân hàng, các sàn giao dịch, thậm chí là kết nối với các cái phần mềm khác nữa. Với xu thế CĐS, các nền tảng số phải hướng đến kết nối, tích hợp với nhau. Đấy chính là giá trị của CĐS, giúp DN phát triển tốt hơn.

“Tôi nghĩ nền tảng số có thể giúp DN tiết kiệm đến 80 - 90% thời gian. Nền tảng số cũng giúp các bộ phận theo dõi được luồng công việc thuận tiện. Sử dụng các ứng dụng văn phòng số, nền tảng số cũng tạo ra văn hóa DN trong CĐS, tạo thói quen chuyên nghiệp, thông tin thông suốt trong cả DN”, bà Đinh Thị Thúy nói.

Tổng Giám đốc MISA, cho biết MISA ASP đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa vào là một trong 35 nền tảng số quốc gia, được lựa chọn để giới thiệu tới các DN có nhu cầu CĐS. Bà Thúy cho biết khoảng 3 năm trước, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt vấn đề với MISA, phải bằng công nghệ, bằng những thế mạnh của MISA trong lĩnh vực cung cấp tài chính, kế toán đưa ra một nền tảng số, một nền tảng giống như “Uber, Grab trong kế toán”. Trong nền tảng đó, MISA là trung tâm cung cấpCcông cụ kết nối giữa các tổ chức, DN, hộ kinh doanh với các dịch vụ kế toán, đại lý thuế./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT - Chuyên đề Kinh tế số Xã hội số tháng 9/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ 5 triệu hộ kinh doanh có thể ra quyết định dựa trên các con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO