Hỗ trợ ngư dân bám biển: Vững kinh tế, giữ chủ quyền

Hoàng Minh| 28/09/2022 10:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong hành trình bảo vệ và gìn giữ biển đảo Việt Nam, ngư dân đóng vai trò như những “cột mốc sống”. Hỗ trợ cho ngư dân bám biển, khai thác thủy, hải sản chính là một trong những giải pháp hữu hiệu, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo.

Vươn khơi: Trăm ngàn nỗi lo

Tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp cuối tháng 9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 91.716 tàu cá, trong đó tàu cá từ 15 mét trở lên là 30.074 chiếc và số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 88.545 tàu (đạt hơn 96%). Số ngư dân và những người làm nghề này cũng lên tới 20 triệu người. Tổng sản lượng thủy sản khai thác duy trì hàng năm đạt từ 3,7 đến 3,9 triệu tấn; kinh tế thủy sản chiếm tỷ trọng 4-5% GDP; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 8,5 tỷ USD (riêng 6 tháng đầu năm 2022, đạt 7,5 tỷ USD), chiếm 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Cùng với đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng tàu cá và ngư dân còn là nguồn lực quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Tuy nhiên, tình trạng ngư dân tạm ngừng ra khơi đánh bắt hải sản đang diễn ra rất phổ biến tại các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, từ tháng 2/2022 đến nay, toàn tỉnh có gần 4.000 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Trong đó, có khoảng 900 tàu cá đã nằm bờ, không ra khơi đánh bắt.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nguồn nhân lực cụ thể là tình trạng thiếu người dày dạn kinh nghiệm đi biển. Khác với nhiều ngành nghề, lao động trên tàu cá đánh bắt xa bờ hay gần bờ chủ yếu là nam giới. Đây cũng coi như một nghề cha truyền con nối. Nhưng càng ngày, những người có kinh nghiệm đi biển ngày càng thưa dần. Chia sẻ về sự khó khăn này, anh Phạm Gia Sơn, chủ tàu ở Thanh Hóa cho biết: "Gia đình tôi nhiều đời gắn bó với con tàu này. Nếu như trước đây, mỗi tháng tàu ra khơi vào lộng 3 đến 4 lần, trên tàu lúc nào cũng duy trì từ 12 đến 14 lao động, nhưng hai năm trở lại đây, việc ra khơi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng khan hiếm lao động theo tàu. Những người có kinh nghiệm, gắn bó lâu nay với tàu đều dần theo nghề khác. Thành thử có những chuyến đã chuẩn bị đầy đủ để ra khơi mà vẫn phải nằm bến đợi do chưa đủ người; có chuyến thuê đủ cũng chỉ được chủ tàu và máy trưởng là lao động nghề biển, còn lại là lao động phổ thông, không tìm được người địa phương giàu kinh nghiệm đi biển như trước nữa".

Được biết, hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay không tuyển đủ được lao động trên tàu. Ví dụ, một tàu với công suất 350CV cần từ 12 đến 14 lao động, thì chủ tàu chỉ có thể tuyển được 8 đến 10 lao động, trong số đó, khoảng 2 đến 3 người có kinh nghiệm đi biển, còn lại là lao động phổ thông được chủ tàu tuyển chọn từ địa phương khác đến.

Hỗ trợ ngư dân từ chính sách…

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của các cấp, ngành, lực lượng và cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) nhằm khẩn trương xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại vừa phát triển kinh tế biển, vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở thời điểm hiện nay, nhiều vấn đề và khó khăn nảy sinh cần giải quyết, trong đó đặc biệt liên quan đến hỗ trợ trực tiếp tàu cá đóng mới, cho vay vốn lưu động để sản xuất, nhiều tỉnh có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao như Trà Vinh, Thái Bình, Ðà Nẵng, Nam Ðịnh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Trị…

Hỗ trợ ngư dân bám biển: Vững kinh tế, giữ chủ quyền biển đảo - Ảnh 1.

Ngư dân đánh bắt xa bờ. (Ảnh:BaoNghean)

Vì vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản thay thế cho Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67). Đây sẽ là chính sách góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản, trong đó sẽ khai thác kinh tế biển hiệu quả, bền vững theo định hướng bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học như Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra. 

Để tránh tình trạng lại phải có thêm Nghị định khác sửa chữa hay thay thế nghị định mới này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng Nghị định mới phải được kế thừa, tổng kết từ thực tiễn một cách chặt chẽ, chắc chắn để khi đi vào cuộc sống, các chính sách phải đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả. Nghị định mới cần được cân nhắc trong khâu xây dựng thiết chế, tránh tình trạng chính sách có kẽ hở và bị lợi dụng.

… Đến phát triển kinh tế

Cho dù việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam hiện còn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, theo PGS, TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia của Viện Chiến lược chính sách tài nguyên-môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, những khó khăn này chủ yếu do chủ quan như chưa có quy hoạch sử dụng biển cũng như quy hoạch tổng thể sử dụng vùng bờ biển theo quan điểm quản lý tổng hợp. Nhận thức của ngư dân còn thấp nên còn đánh bắt cá trái phép, thậm chí đánh bắt hủy diệt tại các vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân đồng thời giúp phát triển kinh tế, tạo động lực cho giữ vững chủ quyền biển đảo thì các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần tham mưu cho Nhà nước hoạch định, ban hành chủ trương, chính sách có liên quan đến vấn đề này và có lộ trình thực hiện một cách hợp lý, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn cụ thể.

Cùng với xây dựng chính sách cần huy động vốn đầu tư, xây dựng, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng biển, đặc biệt các cảng, bến cá, khu neo đậu tránh bão, khu cư dân ven biển và hải đảo. Bên cạnh đó, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các loại tàu, thuyền đánh bắt cá xa bờ với công nghệ hiện đại. Trong đó, cần hướng tới mục tiêu 100% các tàu, thuyền tham gia tìm kiếm, khai thác trên biển đều được gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS hiện đại để khi có rủi ro hoặc các trường hợp khẩn cấp như bị tàu nước ngoài tấn công, bắt giữ sẽ có các tổ, đội cứu hộ ứng cứu lưu động đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Về tài chính, Nhà nước cần ban hành chính sách tín dụng đặc thù để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân, đảm bảo ngư dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và có điều kiện trả vốn vay hợp lý. Cần thiết lập mô hình "quỹ tín dụng ngư dân" trong hệ thống các ngân hàng nhằm giúp ngư dân có thêm sự an tâm trong việc vay vốn và trả vốn vay.

Về đào tạo nghề, cần có những trung tâm đào tạo nghề cho ngư dân, xây dựng cơ chế hướng dẫn ngư dân hoạt động theo mô hình "quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng" để thúc đẩy hình thức tổ chức khai thác theo tổ, đội sản xuất, hợp tác xã đánh bắt xa bờ... Lãnh đạo các địa phương có biển, đảo cũng cần tính toán việc thành lập mô hình "ổn định an sinh xã hội cho ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ" bằng cách kết hợp các biện pháp hỗ trợ về y tế, nhà ở, điện nước phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ và các chính sách bảo trợ xã hội cần thiết đối với ngư dân. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tạo thế và lực vững chắc cho ngư dân trong hoạt động vươn khơi, bám biển trước nhiều khó khăn, thử thách.

Nhưng gánh nặng kinh tế không chỉ đề trên vai Nhà nước mà cần chia sẻ cho mỗi người dân. Ngư dân, người đóng vai trò tiên quyết trong xây dựng và phát triển kinh tế của bản thân cũng cần nhận thức được mục đích và ý nghĩa trong nghề nghiệp của mình, từ đó có những hành động thiết thực nhằm nâng cao tay nghề, sử dụng có hiệu quả những nguồn lực sinh kế mà Nhà nước và xã hội hỗ trợ.

…Và an ninh quốc phòng

Không chỉ dừng lại ở các chủ trương, chính sách hay hỗ trợ tài chính, ngư dân bám biển còn có sự song hành và hỗ trợ không mệt mỏi của lực lượng quốc phòng, trong đó có Hải quân Việt Nam. 

Hỗ trợ ngư dân bám biển: Vững kinh tế, giữ chủ quyền biển đảo - Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính uỷ Quân chủng Hải quân phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển". (Ảnh: Đức Thu, Báo Hải quân)

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", giai đoạn 2019 - 2022 do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức ngày 23 tháng 9 tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Theo báo cáo cho thấy, qua 3 năm triển khai thực hiện, Quân chủng Hải quân đã chủ động phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển" một cách hiệu quả cho dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp. 

Trên Biển Đông luôn tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định. Với phương châm "lo cho dân như người thân của mình", "giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim", cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Hình ảnh những con tàu, những chiến sĩ Hải quân không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, hy sinh, dầm mình trong mưa bão, vượt qua sóng giữ, kịp thời có mặt cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng Nhân dân. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như trên, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang thực sự là địa chỉ tin cậy, là chỗ dựa, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác thủy hải sản.

Hỗ trợ ngư dân bám biển: Vững kinh tế, giữ chủ quyền biển đảo - Ảnh 3.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng trao thưởng cho tập thể, cá nhân các địa phương có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình. (Ảnh: Đức Thu, Báo Hải quân)

Các đơn vị trong Quân chủng Hải quân đã kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, trực, chốt giữ, tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền với tuyên truyền, xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, bảo vệ ngư trường hợp pháp, bảo vệ tài sản, tính mạng của ngư dân trên biển. Duy trì tốt mạng đài canh dân sự sóng ngắn và sóng cực ngắn liên tục 24/24 giờ ở các tần số cố định để chủ động kết nối thông tin liên lạc cho các phương tiện tàu thuyền, sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ ngư dân khi gặp sự cố trên biển; kịp thời hướng dẫn tàu thuyền và nhân dân sinh sống khu vực giáp biển chủ động sơ tán khi có thời tiết xấu; duy trì lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, xử lý nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, Quân chủng đã phối hợp với các địa phương nắm chắc số lượng, chất lượng, nhân lực tàu thuyền; giúp tàu cá các địa phương nâng cao chất lượng hệ thống thông tin liên lạc trên biển giữa ngư dân với ngư dân, giữa ngư dân với lực lượng chức năng. Thực hiện lộ trình của Chính phủ tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương rà soát, vận động được hơn 10.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, hướng dẫn các chủ phương tiện có tàu thuyền đánh bắt xa bờ tầm trung trang bị máy ICOM; vận động các chủ tàu cá, ngư dân kết nối thông tin liên lạc với đơn vị Hải quân và các ngành chức năng để tham gia hoạt động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường, quan sát phát hiện các mục tiêu và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

Trong kế hoạch những năm tới, Quân chủng Hải quân sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành địa phương, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, cơ quan Quân sự, Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển, lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, tập trung thực hiện thắng lợi nội dung Chương trình, kế hoạch đã được ký kết.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ ngư dân bám biển: Vững kinh tế, giữ chủ quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO