Với mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ cho rằng cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Một cụ già mưu sinh ở TP. HCM ngồi nghỉ khi bán hết những tấm vé cuối cùng trước khi tạm nghỉ dịch. (Ảnh: Ngô Tùng)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để "đói cơm lạt muối" cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong "cuộc chiến" chống lại dịch bệnh Covid-19, Chính phủ sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ cho hàng triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra trong cả nước.
Theo đó, gói hỗ trợ an sinh xã hội dự kiến với khoảng 62 ngàn tỷ đồng được sử dụng từ ba nguồn gồm trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn kinh phí này được hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Nhiều người lao động bị giãn việc, mất việc do dịch Covid-19. (Ảnh: Tienphong)
Chia sẻ về ý nghĩa của gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh lúc dịch bệnh lây lan và bùng phát thì những người nghèo, người yếu thế trong xã hội rất dễ bị tổn thương, rất cần những hỗ trợ của Nhà nước.
Người xưa có câu "Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu", "một miếng khi đói bằng một gói khi no" do vậy việc sớm ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động… như dự thảo Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một "Chính phủ hành động" như phương châm nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ.
6 nhóm đối tượng được Chính phủ đề nghị hỗ trợ gói an sinh xã hội trong thời gian 3 tháng, bao gồm:
1. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng;
2. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.
Hai nhóm đối tượng nêu trên sẽ được chi tiền hỗ trợ một lần cho 3 tháng.
3. Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
4. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.
5. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
6. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.