Đọc sách là nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cần tích lũy
Trong không gian ấm cúng, Hoa hậu Đỗ Thị Hà bắt đầu câu chuyện về đọc sách. Hà chia sẻ: "Trong quan niệm của nhiều người, đọc sách là việc của những mọt sách, của các chuyên gia. Hà lại không nghĩ vậy, vẫn có rất nhiều người sẽ tìm thấy niềm vui riêng qua việc đọc sách, biến việc đọc sách thành thói quen sinh hoạt hàng ngày".
Hiện nay có nhiều người mê đọc trên điện thoại, đọc những mẩu tin tức trên mạng xã hội hơn là đọc sách và dường như đó là xu thế phổ biến. Tuy nhiên, theo Hà, việc đọc báo, đọc trên mạng xã hội chỉ mang lại cho chúng ta thông tin nhanh chóng, chứ không phải là kiến thức hoàn chỉnh như đọc sách".
"Cũng có nhiều người chuyển từ phương thức đọc sách truyền thống sang đọc sách điện tử hay các nền tảng công nghệ khác như sách nói, sách âm thanh… Đó là điều đương nhiên khi xã hội phát triển cùng công nghệ. Đọc sách, xét cho cùng ở phương thức nào cũng là hành vi và thói quen tốt.
Thời gian gần đây, việc đọc sách được khuyến khích rất nhiều nhằm nâng cao dân trí cho người dân, tạo nên một xã hội học tập. Chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội đã nỗ lực thúc đẩy phong trào đọc sách trong người dân. Ngoài ra, các nhóm cá nhân, tổ chức cộng đồng cũng góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phong trào này", Hà cho biết.
Hà cũng bày tỏ ấn tượng với phong trào đọc sách phong cách nổi lên trong thời gian gần đây. Thật ra, đọc sách cũng cần được xem như hành vi, thói quen sinh hoạt thường ngày của bất cứ cá nhân nào muốn nâng cao tri thức, muốn chăm bón cho cành cây tri thức của mình xanh tốt.
Vì vậy, nên với Hà, việc đọc sách trước hết phải là vì mong muốn trau dồi tri thức và là hành vi thói quen đã, sau đó mới đến phong cách. Còn nếu muốn tạo nên một phong cách riêng, cá tính và sang chảnh trong việc đọc để lan truyền cảm hứng, để kêu gọi mọi người thích thú với việc đọc sách hơn thì cũng là điều nên làm. Nhưng Hà vẫn quan niệm, đọc cũng như học, quan trọng là trải nghiệm và thực chất cùng với việc tích luỹ.
Con người sẽ tìm thấy sự bình đẳng thông qua việc đọc
Sự bình đẳng mà Hà đề cập ở đây là bình đẳng trong tri thức. Nghĩa là khi người ta kiếm tìm và bồi đắp tri thức qua việc đọc, thì họ sẽ bình đẳng được với người khác thông qua hiểu biết. Hà ước mong: "việc đọc một cuốn sách của mỗi người cũng quen như uống một ly cà phê, xem một tờ báo hay mở tin nhắn trên mạng xã hội mỗi ngày".
Xét cho cùng, theo Hà, "Khi việc đọc được duy trì thì kết quả mang lại là tri thức được bồi đắp và tích luỹ. Khi tri thức được cập nhật nghĩa là dân trí được nâng cao và tính phản biện của xã hội sẽ phát triển. Khi đó, mọi vấn đề tiêu cực của xã hội sẽ được giảm tải. Sự bình đẳng của việc đọc còn nằm ở chỗ, khi người ta đọc sách nhiều, tri thức được bồi đắp thì lúc đó, họ sẽ tìm được sự đối thoại bình đẳng với người đã qua trường lớp, có bằng cấp".
Khi nói về về sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của một hoa hậu trong việc đọc sách Hà chia sẻ: "Việc đọc sách nên là tự thân và nhu cầu mỗi người". Hà nghĩ rằng, thông điệp tuyên truyền thuyết phục nhất vẫn là tấm gương đọc sách của chính mình. Không phải cứ cầm sách chụp ảnh rồi đăng lên các phương tiện truyền thông là xong.
"Việc đọc cũng như mỗi bước chân trên còn đường trải nghiệm tri thức, tự mình bước đi thì hành trình ấy mới có ý nghĩa với bản thân và với người khác", Hà chia sẻ.
Trong nhiệm kỳ hoa hậu của mình, Hà cũng chia sẻ sẽ cố gắng lan tỏa được nhiều giá trị tích cực hơn của việc đọc. Đồng thời thực hiện nhiều dự án riêng của bản thân nhằm góp phần hỗ trợ các đối tượng khó khăn có điều kiện tốt hơn để trau dồi tri thức. "Hà cũng hy vọng rằng, trách nhiệm tuyên truyền văn hóa đọc sẽ không chỉ là của riêng những nàng hậu mà còn là của tất cả mọi người".
Về việc đọc đối với bản thân hoa hậu, Hà cũng có những chia sẻ thú vị: "Thường thì Hà sẽ chọn sách dựa trên nhu cầu hiện tại của bản thân, ví dụ như thời điểm đó mình cần một quyển sách thể loại "self-help" hay tâm lý để giúp bản thân giải quyết những vấn đề của chính mình chẳng hạn. Dần dần, Hà nhận ra, việc đọc tác động rất lớn đến nhận thức và hành vi của mình".
Có một quyển sách khá thiết thực mà Hà vừa biết đến gần đây đó là quyển "Nhiệt độ ngôn ngữ" của Ki Ju Lee. Qua những mẩu chuyện nhỏ dựa trên chính trải nghiệm của tác giả, Hà nghĩ rằng: "sẽ giúp cho nhiều người thay đổi phẩm cách trong lời nói, suy ngẫm sâu xa hơn về ngôn ngữ. Để từ đó sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo và khiến cho lời nói của bản thân trở nên có giá trị hơn".
Đỗ Thị Hà, sinh ngày 20/7/2001 tại Thanh Hoá, là một sinh viên trường Đại học kinh tế quốc dân. Người đẹp đăng quang hoa hậu Việt Nam năm 2020. Cô được chọn là đại diện Việt Nam tại cuộc thi hoa hậu thế giới năm 2021 được tổ chức tại San Juan, Đỗ Thị Hà đã lọt top 13 trong phần thi Top Model.
Ngày 21/1/2022, Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới công bố danh sách Top 40 thí sinh lọt vào vòng Bán kết và cô đã chính thức lọt vào Top 40 chung cuộc. Đêm chung kết sẽ diễn ra chỉ với sự tham gia của cô và 39 thí sinh lọt top 40 khác và bên cạnh đó cô còn lọt Top 28 phần thi Hoa hậu Nhân ái. Ngày 17/3/2022, Đỗ Thị Hà cùng 39 người đẹp bước vào vòng chung kết và cô xuất sắc lọt Top 13 chung cuộc./.