Hội nghị lần thứ ba BCH Đảng bộ TP. Hà Nội: 10 chương trình công tác phải khẳng định được giá trị cuộc sống

Tâm An| 11/03/2021 20:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 11/3, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ ba xem xét, thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy.

Đối với 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, ngay sau Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội đã sớm ban hành Nghị quyết, chương trình hành động và tập trung thực hiện ngay, cụ thể hóa chương trình hành động thông qua thành lập 10 ban chỉ đạo của 10 chương trình công tác lớn. Các ban chỉ đạo đã rất tích cực, khẩn trương chỉ đạo cơ quan thường trực xây dựng dự thảo, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tiếp thu ý kiến chuyên gia trong và ngoài thành phố; được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, qua nhiều bước, nhiều vòng.

"Điểm khác biệt lần này là đi kèm với các chương trình công tác là các kế hoạch, đề án, thậm chí dự án cụ thể để triển khai thực hiện; thực sự là các chương trình hành động"- Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

10 chương trình công tác này đã phản ánh toàn diện các mặt của thành phố, bám sát tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế thừa các chương trình nhiệm kỳ trước… Trong đó, có 3 chương trình mới lần đầu được thực hiện đó là Chương trình số 03 về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025", Chương trình số 07 về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025" và Chương trình số 08 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025".

Xây dựng Hà Nội là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, con người phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Hanoimoi)

Xây dựng Hà Nội là thành phố có chất lượng cuộc sống cao

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, Chương trình số 03 đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội mới xấp xỉ đạt 50%, nhiều huyện còn thuần nông, tỷ lệ đô thị hóa rất thấp và thành phố có đề án chuyển 5 huyện thành Quận trong 5 năm tới. Việc xây dựng chương trình càng có ý nghĩa khi đây cũng là nội dung lần đầu được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vừa qua, nhiều ý kiến tại Hội nghị của Trung ương đã nêu đề xuất cần sớm có Nghị quyết về phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị.

"Nếu đô thị hóa quá nhanh so với công nghiệp hóa, phát triển kinh tế đô thị thì hậu quả là sẽ có những tòa nhà, biệt thự, khu chung cư không có người ở. Ngược lại, nếu tốc độ đô thị hóa chậm hơn phát triển ngành nghề, phát triển kinh tế đô thị, công nghiệp hóa thì sẽ thiếu các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội và có thể dẫn đến xung đột, bất ổn xã hội. Cho nên, phải hài hòa bài toán giữa phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Chương trình số 03 chính là nhằm mục tiêu đó", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định.

Đặc biệt, lần này, Thành ủy xây dựng Chương trình số 08 trên cơ sở quán triệt nguyên tắc và phương châm đã đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và thêm thành tố mới "dân giám sát, dân thụ hưởng". Đây là chương trình hoàn toàn mới so với các nhiệm kỳ trước. Chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố...

"Nếu sự nghiệp đổi mới của Đảng ta không có sự tham gia ủng hộ của người dân thì chắc chắn không thành công; ngược lại, kết quả đổi mới mà người dân không được hưởng, không hạnh phúc thì kết quả đó không có ý nghĩa gì. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đều đã nhấn mạnh rất nhiều về vấn đề lợi ích và hạnh phúc của người dân, coi đó là mục tiêu phấn đấu", đồng chí Vương Đình Huệ chia sẻ.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh thêm, Chương trình số 08 không chỉ hướng tới an sinh xã hội mà còn phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nói chung; tiến tới xây dựng Hà Nội là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, có thu nhập cao và con người phát triển toàn diện.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, Chương trình số 07 nhằm hiện thực hóa mục tiêu Hà Nội phải phát triển đi lên từ khoa học - công nghệ. Đây cũng là nội dung mới trong 3 khâu đột phá của thành phố. Tuy không coi khoa học - công nghệ là đột phá chiến lược riêng, nhưng đây là yêu cầu rất quan trọng, được lồng ghép trong khâu đột phá thứ ba nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Về Dự thảo Chương trình số 07, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, mục tiêu Chương trình số 07-CTr/TU nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Về mục tiêu cụ thể, Chương trình xác định, xây dựng TP. Hà Nội trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; là đầu tàu cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến…

Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu châu Á vào năm 2045; Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị TP, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng TP thông minh.

Theo đó, Chương trình đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế; Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô; Tăng cường nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tăng cường liên kiết hợp tác và hội nhập.

Xây dựng Hà Nội là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, con người phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII. (Ảnh: Hanoimoi)

Nỗ lực cao nhất để lấy lại đà tăng trưởng

Một trong những Chương trình hành động quan trọng nhất đó chính là nỗ lực cao nhất để lấy lại đà tăng trưởng. Theo đó, Chương trình số 02-CTr/TU về "Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025" có mục tiêu thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; nỗ lực cao nhất để phục hồi lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. 

Đồng thời, tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

12 nhóm chỉ tiêu đã được xác định trong dự thảo chương trình. Trong đó đáng chú ý, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7,5 - 8%; GRDP bình quân/người đạt 8.300 - 8.500 USD/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2025 có dịch vụ 65 - 65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5 - 23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4 - 1,6%. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng giá hiện hành, tăng 13,5-14,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7-7,5%. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30%...

Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, dự thảo chương trình đã xác định yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Đặc biệt, Thành ủy chỉ rõ việc triển khai thực hiện chương trình phải tiến hành đồng bộ, liên tục, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố...; xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Xây dựng cơ chế để "không thể", "không dám", "không muốn" và "không cần" tham nhũng

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025", đồng chí Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU cho biết, mục tiêu của chương trình là biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò, xác định trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt quan điểm "không thể", "không dám", "không muốn" và "không cần" tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế…

Chương trình cũng hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thực sự trong sạch, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; liêm chính, chí công vô tư, thực sự là "thanh bảo kiếm" của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Chương trình đã đặt ra 3 nhóm chỉ tiêu về phòng ngừa, phát hiện, xử lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, 100% cuộc thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải được kiến nghị chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; phấn đấu 100% các tố giác, tin báo về tội phạm được xem xét, giải quyết đúng quy định…

Việc triển khai thực hiện Chương trình cần phải được tiến hành đồng bộ, liên tục, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025…

“Chúng ta hay nói rằng “Chén vui nhớ buổi hôm nay, chén mừng thì để ngày rày 5 năm sau”. Điều quan trọng là 5 năm sau, 10 chương trình công tác phải thực sự khẳng định được giá trị trong cuộc sống, khi đó mới là thành công trọn vẹn của Đại hội Đảng bộ thành phố”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị lần thứ ba BCH Đảng bộ TP. Hà Nội: 10 chương trình công tác phải khẳng định được giá trị cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO