Khởi nghiệp

Xu hướng toàn cầu hóa, công nghệ và Internet tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp của phụ nữ

Huyền Thương 08/03/2024 05:58

Nghiên cứu cho thấy vào năm 2030, phụ nữ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo ra giá trị kinh tế trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, thúc đẩy tiếng nói của người phụ nữ trong nền kinh tế.

PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng hiện là nghiên cứu trưởng, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID). Chị cũng là giảng viên ở Khoa Quản trị Kinh doanh (QTKD) của trường Đại học Kinh tế quốc dân (KTQD) và đã có 7 năm là người sáng lập và giám đốc của Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, trường Đại học KTQD.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị Nam Thắng đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Tạp chí TT&TT, về vai trò cũng như tố chất của phụ nữ trong thời đại CNTT, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo (ĐMST), hỗ trợ khởi nghiệp và tạo tác động xã hội.

Vâng xin chào chị Thắng. Cảm ơn chị đã nhận lời buổi trò chuyện ngày hôm nay. Trước hết, xin chị hãy giới thiệu một chút về bản thân mình cũng như Viện Nghiên cứu đổi mới và Phát triển, nơi chị đang công tác.

Mình đã có 7 năm là người sáng lập và Giám đốc của Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, trường Đại học KTQD. Mình cũng là giảng viên ở khoa QTKD của trường Đại học KTQD. Bắt đầu từ năm 2022, bọn mình vận hành Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID). Viện IID được thành lập từ năm 2017 bởi GS. Võ Đại Lược, một trong những cây đa, cây đề về kinh tế.

chi-nam-thang-1.jpg
Chị Trương Thị Nam Thắng trong sự kiện chung kết chương trình ươm tạo khởi nghiệp sinh sinh viên KTQD NEURON 2023

Viện IID có sứ mệnh liên quan đến thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mảng sáng tạo xã hội (social innovation), là ĐMST và khởi nghiệp vì xã hội. Các công việc của Viện được định vị dựa trên cái 3 giá trị chính, là dựa vào công nghệ, dữ liệu và kết nối toàn cầu.

Hiện tại, Viện đang hiện sở hữu ba nền tảng, nền tảng bản đồ số DN tạo tác động xã hội Việt Nam Imapvietnam.org. Thứ hai là Impactup.site, một nền tảng đào tạo và ươm tạo khởi nghiệp xã hội trực tuyến cho thanh niên Việt Nam và cuối cùng là Vinnovate.vn, một nền tảng dành cho các trường đại học tự đánh giá mức độ ĐMST, khởi nghiệp tạo tác động. Cả ba nền tảng hoàn toàn cung cấp miễn phí như một phần nỗ lực liên quan đến xây dựng hệ sinh thái, ĐMST và khởi nghiệp cho Việt Nam.

Công việc chính của mình là tập trung vào hoạt động ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp cho các DN tạo tác động xã hội. Bên cạnh đó, bọn mình làm các hoạt động nghiên cứu và có ấn phẩm khoa học, Chuyên san tạp chí khoa học về kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với mảng các DN xã hội và DN tạo tác động xã hội hiện tại, bọn mình chủ yếu liên quan đến việc hỗ trợ tăng trưởng, đưa các DN vào chương trình tăng tốc, cung cấp các hoạt động đào tạo, huấn luyện (coaching), cung cấp vốn, các cơ hội về kinh doanh, thúc đẩy họ phát triển xuất nhập khẩu sản phẩm.

Có thể thấy rằng một phần hoạt động rất lớn của Viện IID là về ĐMST, hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động. Chị có thể tiết lộ về tỷ lệ nhân sự nữ trong Viện IID, mảng công việc về ĐMST, hỗ trợ khởi nghiệp này có phải là một công việc thu hút nhân sự nữ?

Một điều thú vị là tỷ lệ nữ tại Viện IID rất cao, thậm chí tiết lộ nhỏ là gần 100% nhân sự là nữ (cười). Các bạn nữ làm việc ở đây đều quan tâm đến phát triển bền vững và tạo tác động xã hội. Viện IID như là một nơi ươm tạo và các bạn thành viên của Viện đều có mong muốn, ước mơ vươn xa hơn nữa trong sự nghiệp và cuộc sống.

Thật sự ngạc nhiên khi biết tỷ lệ nữ ở đây cao như vậy. Nhân tiện xin được hỏi chị là các bạn nữ ở Viện có gặp khó khăn gì trong công việc?

Phải nói rõ rằng những người vào đây phải là những người có thực lực. Cơ hội sẽ không dành cho những người không có thực lực. Vì vậy, ở đây với thực lực của mình, các bạn cũng luôn phải trau dồi khả năng nghiên cứu, khả năng tổ chức công việc, tính trách nhiệm cao và tất nhiên cũng phải chịu được sức ép. Thực tế, mình nhận thấy đó cũng là những yêu cầu phổ biến trong một môi trường làm việc chung, chứ không chỉ với Viện IID hay với nhân sự nữ.

chi-nam-thang-2.jpg
Đội ngũ nhân sự của IID trong một sự kiện được tổ chức tháng 12/2023

Vậy thì nhìn rộng ra cả xã hội nói chung, chị đánh giá thế nào về vai trò của người phụ nữ trong ĐMST, cũng như bản lĩnh “dám nghĩ dám làm” của phụ nữ ngày nay?

Nếu nhìn ở khía cạnh opinion leader, nghĩa là lãnh đạo, thì số lượng nữ vẫn còn ít. Bản thân mình cũng là Phó Chủ tịch mạng lưới các Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp ĐMST của các trường đại học, và mình là nữ lãnh đạo duy nhất.

Có thể thấy rằng về mặt số lượng, những người phụ nữ làm về ĐMST và khởi nghiệp đang hiện diện ở những vị trí leader chưa thực sự nhiều, nhưng phải khẳng định rằng có rất nhiều cơ hội dành cho phụ nữ trong lĩnh vực ĐMST, khởi nghiệp, bởi vì về cơ bản, các yếu tố bình đẳng giới ở Việt Nam khá ổn, tất nhiên là với điều kiện phụ nữ cũng phải chịu khó lên tiếng một chút.

Nói về giá trị đóng góp của phụ nữ với cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp, mình thấy hoàn toàn không có gì gọi là thấp hơn hay cao hơn so với với nam giới cả. Bởi vì sự thông minh, khả năng học tập của mọi người đều như nhau.

Tuy nhiên theo trải nghiệm và nghiên cứu, quan sát của mình, khi phụ nữ vào trong những vị trí cao cấp, vị trí lãnh đạo ví dụ như nghiên cứu của mình về vai trò của thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) nữ trong các công ty niêm yết, xu hướng về làm các hoạt động thiện nguyện, hoạt động trách nhiệm xã hội sẽ nhiều hơn so với một HĐQT mà ở đó hoàn toàn là nam giới. Bởi vì phụ nữ thường có xu hướng quan tâm đến chất lượng cuộc sống, các yếu tố nhân văn, phát triển bền vững và mình thấy đấy là một giá trị riêng có của phụ nữ.

Theo chị, những xu hướng nào sẽ ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực CNTT và ĐMST trong tương lai? Cần có những giải pháp gì để khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực CNTT và ĐMST?

chi-nam-thang-3.jpg
"Xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là sự lan rộng của công nghệ, internet và các thiết bị thông minh, có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển sự nghiệp của phụ nữ"

Xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là sự lan rộng của công nghệ, internet và các thiết bị thông minh, có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển sự nghiệp của phụ nữ. Điều này có thể dễ nhận thấy khi việc tiếp cận kiến thức trở nên thuận tiện hơn đáng kể, cùng với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ, sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trong việc học tập và phát triển sự nghiệp của mình.

Mình nói đơn giản thôi, đấy là câu chuyện về những người phụ nữ, hay nông dân, họ livestream bán hàng trên nền tảng của Facebook và Tiktok chẳng hạn thì đấy họ cũng đang sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT), họ chỉ cần sở hữu một máy smartphone đã có thể tiếp cận thị trường toàn cầu. CNTT đang mang lại quyền lực kinh tế cho phụ nữ, giúp họ tiếp cận thị trường và có tiếng nói trong nền kinh tế.

Nghiên cứu cho thấy vào năm 2030, phụ nữ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo ra giá trị kinh tế trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Điều này sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo mình, để đạt được điều này, cần có những nghiên cứu và chiến dịch tăng cường nhận thức hiệu quả, đồng thời kết nối chương trình với hệ sinh thái tổng thể. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường mà không còn cần thiết phải có các chương trình đặc biệt chỉ để quan tâm đến phụ nữ, mà sẽ tạo điều kiện bình đẳng cho cả nam và nữ.

Có thể thấy chị là một người phụ nữ khá thành công trong sự nghiệp, có sức ảnh hưởng và lan truyền cảm hứng đến sinh viên và nhân viên. Vậy trong chặng đường phát triển sự nghiệp của mình, chị phải đối mặt với những khó khăn gì và đâu là thách thức lớn nhất của chị?

Thách thức lớn nhất của mình là làm phụ nữ (cười). Điều đó có nghĩa là mình phải tự hỗ trợ bản thân mình và không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ người khác. Mình luôn nhận thấy rằng khi một người đàn ông thành công, họ thường được ca ngợi và tôn vinh. Nhưng khi một phụ nữ đạt được thành công, thường có những ý kiến hoặc thậm chí người ta bình luận, tự hỏi liệu thành công của phụ nữ có phải là một sự bất hạnh cho những người xung quanh, chẳng hạn như họ có thể đảm bảo vai trò gia đình hay không, liệu họ có coi thường chồng hay không.

CNTT đang mang lại quyền lực kinh tế cho phụ nữ, giúp họ tiếp cận thị trường và có tiếng nói trong nền kinh tế

PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng - Nghiên cứu trưởng, Viện IID

Tuy nhiên, đối với bản thân mình, mình không để ý đến những điều đó. Mình coi đó là một phần của sự nghiệp và chấp nhận nó một cách dễ dàng. Việc tách biệt vai trò và cân bằng cuộc sống gia đình và công việc thật sự khá vất vả, đó chính là thách thức, áp lực đến từ những chuẩn mực xã hội. Mình đã rèn luyện cho bản thân khả năng phân biệt vai trò giữa cuộc sống gia đình và công việc.

Suốt gần 30 năm qua, mình đã học được cách tách biệt giữa hai vai trò này để đáp ứng được những kì vọng của xã hội. Khi nuôi dạy con cái, mình vẫn mang những giá trị mà mình có từ trong công việc và các thứ khác áp dụng vào. Thực sự, thách thức của phụ nữ Việt Nam chính là câu chuyện tách bạch, cân bằng vai trò giữa gia đình và sự nghiệp.

Vâng, xin cảm ơn chị Thắng rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc chị luôn hạnh phúc và truyền cảm hứng đến các thế hệ trẻ, mạnh mẽ như tinh thần của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam tăng cường hợp tác phát triển công nghệ số với Burundi và NIPA
    Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Số quốc tế 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Đa phương tiện Burundi Léocadie Ndacayisaba và ông Hur Sung Wook, Chủ tịch Cục Xúc tiến Công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA).
  • Chuyển đổi số từ thực tiễn Báo Hải Dương
    Báo Hải Dương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là Ban Biên tập có quyết tâm cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo nhanh nhạy với cái mới, ham học hỏi...
  • Đưa siêu ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHanoi" vào cuộc sống
    “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh các vấn đề đời sống, từ đó giúp chính quyền tiếp nhận và giải quyết kịp thời.
  • Sự gia tăng của ứng dụng AI tạo sinh: Những rủi ro tiềm ẩn cho xã hội và con người
    AI tạo sinh là một trong những thành tựu công nghệ mới nhất của con người trong thập niên 20 của thế kỷ XXI. Cho đến nay, sự ứng dụng của AI tạo sinh đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận quan trọng trong các nghiên cứu xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực triết học. AI tạo sinh đã thách thức nhiều khái niệm và định kiến của chúng ta về bản thân mình, đặc biệt là về cách chúng ta hiểu về tư duy và bản chất của tư duy con người.
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam
    Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp là một công cụ quan trọng giúp quản lý và xử lý thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng toàn cầu hóa, công nghệ và Internet tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp của phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO