An toàn thông tin

Hơn 20% cơ quan, DN tại Việt Nam chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng

Ngọc Diệp 23/05/2025 16:25

Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng (NCA), hơn 20% cơ quan, DN tại Việt Nam chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng và 35,56% đơn vị không có đủ nhân sự theo nhu cầu.

Với chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng và tạo lập niềm tin trong kỷ nguyên số”, Hội thảo và triển lãm hàng đầu về an ninh mạng Vietnam Security Summit 2025 diễn ra ngày 23/5 cập nhật những xu hướng và giải pháp bảo mật mới nhất, giúp các doanh nghiệp đối phó hiệu quả với các mối đe dọa trong kỷ nguyên mới.

499670175_1283773479925821_8051082316934297563_n.jpeg
Toàn cảnh Vietnam Security Summit 2025.

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có nguy cơ bị tấn công mạng cao

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với mọi tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức đối phó với an ninh quốc gia, trật tự an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng. Mỗi năm có hàng chục nghìn hệ thống thông tin trọng yếu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) bị tin tặc tấn công. Việc bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu, bảo vệ dữ liệu là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài với hệ thống chính trị và là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, DN và người dân.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển côn nghệ và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ bị tấn công mạng cao. Theo thống kê của NCA, năm 2024 ghi nhận hơn 659.000 vụ tấn công mạng; khoảng 46,15% cơ quan và DN tại Việt Nam bị tấn công mạng ít nhất một lần. Điều đó đặt ra thách thức lớn về đảm bảo ATTT mạng, đặc biệt trong bối cảnh nhân lực cho ngành này tại Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhân sự an ninh mạng tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp

“Việt Nam dự kiến thiếu hụt hơn 700.000 nhân sự chuyên trách về an ninh mạng trong 3 năm tới. Hiện khoảng 56% cơ quan, doanh nghiệp không đủ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) và ATTT”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.

Việc thiếu hụt nhân sự chuyên trách an ninh mạng được cho là do Việt Nam thiếu nguồn cung chất lượng. Theo đó, chất lượng đào tạo không theo kịp nhu cầu. Số lượng trường có chuyên ngành CNTT, an ninh mạng không ít, nhưng đầu ra không đảm bảo, nhân sự có thể đáp ứng được yêu cầu không nhiều. Mặt khác, còn thiếu liên kết giữa các DN và cơ sở đào tạo. DN ít tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên, còn các trường lại thiếu hợp tác để cập nhật xu thế công nghệ mới. Điều đó dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng làm việc thực tế với các hệ thống lớn.

"Theo khảo sát của NCA, hơn 20% cơ quan, DN tại Việt Nam chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng và 35,56% đơn vị không có đủ nhân sự theo nhu cầu. Cần có phương án giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự an ninh mạng của đất nước, theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Phương án được vị đại diện NCA đưa ra là tổ chức các khóa học trực tuyến, từ cơ bản đến nâng cao, hỗ trợ đa nền tảng, gồm ứng dụng web và ứng dụng trên di động. Học liệu được xây dựng đa dạng, tài liệu hướng dẫn nghiên cứu, thực hành với các nội dung minh hoạ trực quan sinh động (hình ảnh, video).

Đặc biệt, các trường học cần tăng cường đào tạo thực hành thông qua các môi trường mô phỏng (cyber range), có thể giả lập nhiều hệ thống trong thực tế như hệ thống công nghệ thông tin (IT), hệ thống điều khiển công nghiệp (OT) hay hệ thống các thiết bị Internet vạn vật (IoT). Bên cạnh đó cần ứng dụng AI giúp cá nhân hóa lộ trình học tập, đề xuất khóa học phù hợp, hỗ trợ đánh giá kết quả học và xác nhận trình độ kỹ năng an ninh mạng.

Đồng thời, ông Vũ Ngọc Sơn cũng đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành khung chuẩn nghề nghiệp an ninh mạng và chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi học phí cho sinh viên ngành an ninh mạng.

499532051_1017939023818797_2448586181667493386_n.jpeg
499669202_1283774503259052_1864549333853567660_n.jpeg
Khu vực triển lãm công nghệ, giới thiệu các giải pháp an ninh mạng tiên tiến.

Vietnam Security Summit 2025 là sự kiện thường niên về an ninh mạng. Hội thảo năm nay có chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng và tạo lập niềm tin trong kỷ nguyên mới”, với 1 phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo đề.

Cụ thể, hội thảo chuyên đề 1 về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trong kỷ nguyên AI, trong đó thảo luận về các chiến lược bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trước những rủi ro ngày càng tinh vi.

Hội thảo chuyên đề 2 về bảo mật đám mây trong thế giới số, giới thiệu các xu hướng tấn công mới và phương pháp tăng cường bảo mật đám mây.

Và Hội thảo chuyên đề 3 về ảo đảm an ninh hạ tầng CNTT quan trọng tập trung vào việc ủng cố hạ tầng CNTT trước các mối đe dọa và lỗ hổng an ninh mạng mới nổi. Sự kiện mang đến những góc nhìn đa chiều về xu hướng an ninh mạng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái số an toàn, bền vững.

Tại sự kiện, các diễn giả đã trình bày những tham luận có giá trị cho công tác ATTT, như chiến lược ứng phó với tấn công mạng trong bối cảnh tái cơ cấu và căng thẳng địa chính trị, thúc đẩy hợp tác công - tư trong chia sẻ thông tin tình báo an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền không gian mạng, vai trò của công nghệ trong bảo vệ người dân và DN trong kỷ nguyên số…

Diễn ra song song với các phiên hội thảo là khu vực triển lãm công nghệ, giới thiệu các giải pháp an ninh mạng tiên tiến từ hơn 50 đơn vị triển lãm hàng đầu. Bên cạnh đó còn có các hoạt động kết nối DN. Tất cả tạo nên một diễn đàn cấp cao nhằm định hình tư duy chiến lược về ATTT trong kỷ nguyên số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hơn 20% cơ quan, DN tại Việt Nam chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO