Thời điểm của hành động CĐS
Việt Nam đã và đang tăng tốc quá trình CĐS quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, 8 lĩnh vực được ưu tiên CĐS bao gồm: Y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên và môi trường; sản xuất công nghiệp.
Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam2020, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, nhận xét: "Thời điểm này là thời điểm rất đặc biệt, thời điểm hành động. Vì CĐS đã trở thành chủ đề nóng nhất trong chương trình hành động của tất cả mọi người. CĐS là hy vọng để Việt Nam bước khỏi bẫy thu nhập trung bình, bước vào thế giới của các quốc gia phát triển. Tất cả các địa phương, bộ, ban, ngành và Chính phủ đều đang bước vào thực hiện chương trình CĐS quốc gia. CĐS là thành phố thông minh, chính quyền số, giao thông, y tế thông minh, DN thời gian thực và đang dịch chuyển rất nhanh chóng. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà chúng ta cần kết nối, chia sẻ cùng nhau để hành động".
Với thông điệp "Hợp lực thông minh thúc đẩy CĐS thành công", chia sẻ tại phiên khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT phụ trách CĐS khẳng định: "CĐS sẽ tiếp tục là xu hướng quan trọng của thế giới, kể cả sau khi đại dịch qua đi. Trong chính giai đoạn khó khăn, thách thức nhất, công nghệ chính là chìa khóa để mở ra cơ hội phát triển, tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong trạng thái bình thường tiếp theo, việc chuyển đổi này sẽ còn phát huy tác dụng mạnh mẽ, to lớn hơn, giúp DN nắm giữ vai trò kiến tạo, xây dựng và định hình nên những thực tại mới".
Phó Tổng Giám đốc FPT chia sẻ thông tin về một số doanh nghiệp Việt Nam đã CĐS thành công
Theo ông Hoàng Việt Anh, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ các nền kinh tế, đối với DN, COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến 5 lĩnh vực: Tổn thất về doanh thu; Nguồn vốn lưu động vị cạn kiệt; Ảnh hưởng đến tinh thần của DN, nhiều DN đã phải cắt giảm nhân sự; Đứt gãy trong chuỗi cung ứng; Bộc lộ những khó khăn yếu kém trong vận hành của các DN trong nhiều năm.
Rất nhiều DN đã sử dụng công nghệ như chìa khóa để vượt qua khó khăn và phục hồi vươn lên. Giữa năm 2020, IDC đưa ra báo cáo với 3 điểm lưu ý: COVID-19 đã thúc đẩy nhiều DN mong muốn CĐS như một giải pháp cứu cánh. Có tới 78% DN mong muốn thúc đẩy phát triển CĐS; 59% DN muốn triển khai chuyển đổi số để nâng cao sức cạnh tranh; Tổng ngân sách dành cho CĐS tăng lên 15 tỷ USD.
Những DN CĐS thành công đã chọn phương pháp luận đúng ngay từ đầu. Các phương pháp luận về CĐS tập trung vào sự đồng hành giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược CĐS giúp đưa ra định hướng đúng đắn phát triển DN.
Dựa trên kinh nghiệm triển khai các dự án cho DN trên thế giới, FPT đã đưa ra phương pháp luận CĐS FPT Digital Kaizen, và phương pháp luận này đã được triển khai ở nhiều DN Việt Nam: Quyết liệt thực thi chuyển đổi hệ thống CNTT; Kiên trì chuyển đổi nguồn nhân lực số; Tập trung vào xây dựng văn hóa số, truyền thông, đào tạo cho tất cả các nhân viên, triển khai tái cấu trúc cần thiết để đảm bảo triển khai CĐS thành công.
Những chương trình chuyển đổi số cụ thể trong từng lĩnh vực
Đồng hành cùng Chính phủ và các DN Việt Nam, Tập đoàn FPT tiếp tục khẳng định cùng sáng tạo, cùng đầu tư, thúc đẩy nhanh hơn quá trình CĐS tại Việt Nam và hoàn thành mục tiêu kép của Chương trình CĐS quốc gia khi vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp số Việt Nam với đầy đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu
Cụ thể với Chính phủ và các bộ, ban, ngành, FPT cam kết hỗ trợ Chính phủ xây dựng mô hình Quốc gia số bắt đầu từ việc xây dựng các thành phố thông minh, đô thị thông minh. Với các DN, FPT là đối tác chiến lược CĐS giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng mô hình DN số hướng đến xây dựng nền kinh tế số trong tương lai.
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia công nghệ từ FPT đã chia sẻ xu hướng và những bài học kinh nghiệm, những câu chuyện thực tiễn và truyền cảm hứng về CĐS trong các lĩnh tài chính - ngân hàng, y tế, sản xuất và nông nghiệp.
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng các giải pháp của FPT giúp các DN tự động hóa các quy trình nghiệp vụ lặp đi lặp lại với độ chính xác cao giúp tối ưu chi phí, nâng cao 60% năng suất lao động và tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng. Hai trong số các nền tảng, giải pháp tiêu biểu là nền tảng trí tuệ nhân tạo – FPT.AI và nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ - akaBot.
Gian triển lãm giải pháp của FPT tại Diễn đàn
Trong lĩnh vực y tế, hệ sinh thái giải pháp y tế thông minh của FPT gồm 3 cấu phần: Hệ thống quản lý bệnh viện thông minh; Hệ thống quản lý, điều hành thông minh; Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông minh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tối ưu hiệu quả công tác quản lý chỉ đạo điều hành và góp phần tiết kiệm thời gian khám, chi phí… Ví dụ, Hệ thống thông tin quản lý ngành y tế Đồng Tháp được FPT thiết kế toàn diện với phần lõi là Trục chuyển mạch thông tin Y tế - FPT.HIE. FPT.HIE giúp kết nối dữ liệu thành công cho 22 bệnh viện trên toàn tỉnh, bước đầu hình thành xa lộ thông tin kết nối chia sẻ dữ liệu trong toàn ngành y tế tại Đồng Tháp.
Kể từ khi hệ thống đi vào hoạt động từ tháng 6/2020, hệ thống đã thực hiện việc kết nối và chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018 đối với tất cả các cơ sở y tế tại địa phương, tạo lập được kho hồ sơ dữ liệu y tế điện tử (CDR – Clinical Data Repository) cho hơn 1 triệu dân trên toàn tỉnh với trên 9,2 triệu lượt hồ sơ khám, chữa bệnh.
Trong lĩnh vực sản xuất, FPT xây dựng hệ sinh thái các ứng dụng để quản lý thông tin trong nhà máy, trải dài từ khi tập hợp nguyên liệu, gia công... cho đến khi hoàn thành sản phẩm và xuất bán cho khách hàng. akaMES giúp các nhà máy giải quyết 3 vấn đề cốt lõi trong sản xuất gồm: số hóa toàn bộ quy trình sản xuất, tích hợp dữ liệu và hiển thị báo cáo theo thời gian thực, tính toán chi phí sản xuất đến từng lệnh sản xuất góp phần giảm 70-80% lượng giấy tờ, tăng hiệu quả công việc từ 30-40% tại các nhà máy, tiết kiệm 20-30% chi phí.
Đồng thời, FPT hướng đến xây dựng một nền tảng công nghệ cung cấp các dịch vụ cho toàn bộ chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp giúp người nông dân tăng cường khả năng tiếp cận cách làm nông nghiệp mới nâng cao năng suất, mùa vụ và cải thiện cuộc sống.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh và tiên phong giữ vững vị thế dẫn đầu trong hành trình CĐS quốc gia và DN, FPT đã không ngừng nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp CĐS toàn diện, giúp nâng cao hiệu suất, tối ưu vận hành và tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng.
Cùng với đó, FPT cũng đã hình thành đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao và khả năng làm chủ các công nghệ lõi tiên tiến và phương pháp luận CĐS - FPT Digital Kaizen giúp định hướng và hoạch định các chiến lược, phương thức CĐS cho DN và tổ chức một cách thực tiễn và hiệu quả nhất.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, FPT và các đơn vị thành viên được vinh danh Top 10 DN CNTT Việt Nam 2020 ở 12 lĩnh vực gồm Nền tảng CĐS; Dịch vụ, giải pháp CĐS; Hạ tầng số; Chính phủ điện tử; Thành phố thông minh; Xuất khẩu phần mềm; BPO; Dịch vụ giải pháp CNTT; Bảo mật an toàn thông tin; Đào tạo CNTT; Nội dung số và Tiếp thị số.