Truyền thông

Hướng đi mới nhằm giảm phát thải carbon ở Việt Nam bằng phát triển điện khí LNG

P.V 18:26 01/11/2023

Hiện nay, điện khí LNG là năng lượng giúp giảm phát thải carbon, thân thiện môi trường, song việc phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, quá trình phát triển hạ tầng, đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực đầu tư… cần được quan tâm hơn nữa.

Xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng

Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đã được biết đến trên thế giới là một dạng năng lượng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước. Phát triển điện khí LNG chính là giải pháp xanh trong chuyển dịch năng lượng.

at5.jpg
Hiện nay, phát triển điện khí LNG chính là giải pháp xanh trong chuyển dịch năng lượng.

Quy hoạch điện VIII đã đề xuất thay thế công suất điện than bằng nguồn điện sạch hơn là điện khí LNG, cùng với tăng thêm công suất điện gió và điện mặt trời; đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12 – 15 GW nguồn năng lượng tái tạo, nghĩa là đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện.

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Nền kinh tế đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng sạch từ than sang khí và coi điện khí là mũi nhọn trong thời gian tới. Nhiệt điện than có nguy cơ gây ô nhiễm, thủy điện có giới hạn theo mùa, do đó để giải bài toán thiếu điện và để bảo vệ môi trường, thúc đẩy hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP 26 và thực hiện theo Quy hoạch điện VIII thì phát triển điện khí là việc rất quan trọng và là hướng đi đúng của ngành năng lượng Việt Nam.

Đầu tháng 7 vừa qua, chuyến tàu LNG nhập khẩu đầu tiên đã được PV GAS tiếp nhận tại kho cảng Thị Vải. Với khối lượng gần 70.000 tấn LNG được nhập từ cảng Bontang, Indonesia, tàu Maran Gas Achilles cập cầu cảng PV GAS để cung cấp toàn bộ lượng LNG cho quá trình chạy thử và vận hành chính thức kho LNG Thị Vải.

Sự kiện lần đầu tiên tiếp nhận tàu LNG thành công là dấu mốc lịch sử quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh và góp phần tiên phong trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thị trường năng lượng cạnh tranh như đã được nêu trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, việc phát triển điện khí hiện nay vẫn còn gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Như việc nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Trong khi đó, sự phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai được dự báo phụ thuộc lớn vào nguồn LNG nhập. Do đó, khi giá LNG tăng cao sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam.

Thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu. Mức giá LNG thế giới thời gian qua có những lúc lên tới 30 USD/triệu BTU, thì giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế. Do đó, giá LNG nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa chủ đầu tư và EVN do Tập đoàn này sẽ phải mua đắt bán rẻ.

Mặt khác, Bộ Công thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG. Nếu không tháo gỡ được nút thắt lớn nhất là giá điện LNG thì các dự án điện khí được dự báo sẽ còn khó triển khai.

1904950-82-11224120-6795-1635066668.jpg
Thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu.

Về nguồn vốn, các nhà đầu tư điện LNG lại cho rằng, việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét cấp tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng dài hạn để giá điện rẻ hơn. Nhiều dự án, chuỗi dự án khí – điện LNG đã được quy hoạch, thậm chí đã được cho phép chủ trương đầu tư vẫn chưa được triển khai, hoặc bị kéo dài tiến độ chuẩn bị đầu tư, còn lúng túng chỉ đạo và thực hiện triển khai chuỗi khí – điện.

Bên cạnh đó, việc phát triển điện khí LNG cũng gặp thách thức do chúng ta chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG; thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG...

Đồng bộ các giải pháp

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nước ta cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng kho cảng mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn. Đồng thời, xây dựng kho chứa quy mô nhỏ, đội tàu, xe chuyên dụng cho vận chuyển LNG, trạm phân phối và hệ thống tái hóa khí để cung cấp khí.

Xây dựng các cơ chế cụ thể để khuyến khích khai thác các nguồn khí trong nước, đặc biệt là nguồn khí đồng hành và mỏ nhỏ, mỏ cận biên trên cơ sở tính toán hiệu quả tổng thể từ thượng nguồn, đến hộ tiêu thụ, cũng như cân đối hài hòa giữa sản lượng nhập khẩu và sản lượng khai thác khí trong nước.

Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường, và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Do đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng.

Để đảm bảo tương lai bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, phát triển thị trường khí LNG theo hướng bền vững, Chính phủ cần đề xuất có các cơ chế ưu đãi về thuế suất nhập khẩu, công trình khí LNG… qua đó giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh phục vụ cho đất nước cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi năng lượng tái tạo -  mục tiêu lớn của Cộng đồng ASEAN
    Chuyển đổi năng lượng sạch đang trở thành xu hướng mạnh mẽ tại khu vực ASEAN, khi mà nhu cầu năng lượng dự báo của các quốc gia khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần sự đồng hành, tài trợ từ các nền kinh tế phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới nhằm giảm phát thải carbon ở Việt Nam bằng phát triển điện khí LNG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO