Tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam

P.V| 08/07/2022 09:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Để đạt các mục tiêu này, nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và và sạch hơn. Đây là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện tin cậy.

Hiện nay, Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Theo thống kê, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % ở kịch bản cơ sở và 9,36 % ở kịch bản cao.

Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620 MW; Trong đó, thuỷ điện đạt 22.111 MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW. Hệ thống điện được đánh giá là có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch được thực hiện bài bản và có tầm nhìn chiến lược hơn.

Tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1.

Công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW.

Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển; trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.

Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp bảo đảm một nền kinh tế bền vững. Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong thời gian tới.

Việt Nam tập trung thực hiện chính sách theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Phó Trưởng ban. Các thành viên gồm nhiều bộ, ban ngành. Đồng thời, giao 8 nhóm nhiệm vụ để triển khai sâu rộng, quyết liệt.

Bộ Công thương đã tham mưu, tư vấn xây dựng cơ chế chính sách về phát triển năng lượng, điện lực trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; đồng thời có nhiều chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đảm bảo năng lượng nói chung và điện năng nói riêng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26.

Nhờ các chính sách đồng hành tích cực, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Xây dựng chính sách phù hợp để góp phần chuyển đổi năng lượng tái tạo xanh, sạch

Hiện nay, điện than vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam với tỉ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện. Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm điện than xuống còn khoảng 9,5%, đồng thời phát triển điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045. Các nguồn điện carbon thấp cũng được khuyến khích phát triển để giảm phát thải carbon và hỗ trợ cho điện tái tạo. Mới đây, GE chính thức công bố sẽ cung cấp khí 9HA đầu tiên tại Việt Nam cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là nhà máy điện khí LNG đầu tiên của đất nước, với công suất hướng tới đạt 1,6GW khi đi vào hoạt động vào năm 2025.

Cùng với đó, chuyển dịch năng lượng đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Trong đó, có 8 thách thức như: Đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, các dạng năng lượng truyền thống đang suy giảm về khả năng cung cấp, các tiềm lực trong nước còn hạn chế, chúng ta phải đảm bảo tăng trưởng xanh và giảm phát thải bằng 0 theo cam kết của Chính phủ… Đây là những thách thức lớn.

Việt Nam đang sản xuất khoảng 250 tỷ kWh và để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế thì đến năm 2030 cần khoảng 500 tỷ kWh, gấp đôi hiện nay. vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng sang NLTT cũng như các định hướng theo Nghị quyết 55 và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 là điều cần thiết trong giai đoạn này.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi năng lượng thành công, Việt Nam cần phải thực hiện 5 trụ cột, gồm: Sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua thay đổi hành vi sử dụng, cải thiện hiệu suất sử dụng; Điện hóa thông qua tăng tỷ trọng phương tiện, thiết bị sử dụng điện, giải pháp lữu trữ năng lượng; Năng lượng tái tạo thông qua hệ thống năng lượng điện mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo khác; Nhiên liệu hydro và nhiên liệu dựa trên hydro và cuối cùng là thu hồi, sử dụng lưu trữ các-bon.

Đồng thời, để đạt được hiệu quả, cần tới sự vào cuộc, chung tay của nhiều bên, đặc biệt là sự hợp tác song phương, đa phương nhằm xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách; sử dụng công nghệ tiên tiến; cũng như công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội. Đi liền đó, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam nhanh hơn, hiệu quả hơn và đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chính phủ giao Bộ Công thương xây dựng chính sách, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng hóa thạch, quản lý chặt chẽ việc phê duyệt và triển khai các dự án nhiệt điện than, nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, Chiến lược đặt mục tiêu, đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; mục tiêu đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014; tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân mỗi giai đoạn (10 năm) giảm 1,0%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25-30%./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO